Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh). |
Chiều 24/10, góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) trong phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) đề xuất bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ đóng BHYT. Đó là nạn nhân bom mìn nổ sau chiến tranh, hộ gia đình mới thoát nghèo, người cao tuổi từ đủ 65 tuổi trở lên đến dưới 75 tuổi...
“Với những hộ gia đình vừa thoát nghèo cần duy trì hỗ trợ đóng BHYT tiếp 2-3 nữa với mức thấp hơn - có thể 70%, để thoát nghèo bền vững,” bà Hà nói.
Góp ý về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) cho biết, theo báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2023, tính đến 31/12/2023, số người tham gia BHYT là 93,628 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT khoảng 93,35% dân số. Đại biểu băn khoăn số còn lại là đối tượng nào, đề nghị cần rà soát thêm để phân loại theo nhóm đối tượng và bổ sung quy định tham gia BHYT để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, thực hiện BHYT toàn dân.
Quan tâm đến mức đóng BHYT, đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang (Đoàn Tiền Giang) cho biết, hiện nay mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên là 4,5% mức lương cơ sở, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% và người tham gia đóng 70%. “Mức đóng này được đánh giá là vẫn còn cao so với thu nhập của người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Nhiều cử tri bày tỏ sự lo lắng và chưa có sự thống nhất cao trong việc tham gia chính sách này…,” đại biểu nói.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh, sinh viên, có thể bằng với mức đóng của người thứ tư hoặc người thứ ba theo hình thức hộ gia đình, để đảm bảo phù hợp với thu nhập hiện tại và tạo sự thống nhất cao hơn trong việc tham gia BHYT.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn tỉnh Đắk Nông) đề nghị nghiên cứu tăng tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho học sinh, sinh viên tham gia BHYT từ 30% lên tối thiểu 50%. Đồng thời, đại biểu đề xuất Chính phủ quy định cụ thể nội dung giám định BHYT; cho phép thanh toán BHYT đối với hoạt động áp dụng theo phác đồ điều trị của các hiệp hội, tổ chức y tế…
CẦN TIẾN TỚI SỬA TOÀN DIỆN LUẬT BHYT
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Đoàn Bến Tre). |
Đại biểu Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội cho biết, việc thông qua dự thảo Luật theo quy trình một kỳ họp để kịp thời có hiệu lực từ 1/1/2025, nhằm đồng bộ với Luật Khám chữa bệnh.
Theo ông Phong, dự thảo Luật mới xử lý được 4 vấn đề tốt cho quản lý Nhà nước, còn để giải quyết hết các bất cập thực tế về BHYT thì cần tiến tới sửa đổi toàn bộ Luật. “Theo báo cáo của Bộ Y tế và qua thẩm tra, giám sát thì Luật BHYT có 16 vấn đề bất cập lớn phải sửa, lần này mới sửa 4 vấn đề,” Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội.
Đó là các vấn đề liên quan đến đa dạng hoá các gói BHYT, hoạt động khám chữa bệnh BHYT, giám định và thanh quyết toán BHYT, trách nhiệm thực hiện chính sách BHYT, ứng dụng công nghệ thông tin, cơ chế giải quyết tranh chấp, vai trò y tế tư nhân - bác sĩ gia đình, hợp tác công tư trong khám chữa bệnh BHYT, giao dự toán chi BHYT cho các cơ sở...
Đại biểu Đặng Thuần Phong cũng lưu ý đến việc tăng chất lượng khám chữa bệnh khi mức đóng BHYT tăng lên, trong bối cảnh lương tăng, chuẩn hộ nghèo cũng đã khác. “Nếu không nâng chất lượng theo mức đóng sẽ có lỗi với dân,” ông nói.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Đoàn Quảng Ninh) cũng kiến nghị Chính phủ khẩn trương sửa đổi toàn diện Luật BHYT, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều vấn đề, bất cập thực tế trong lĩnh vực BHYT.