Ảnh minh họa: CTTĐT UBND tỉnh Bắc Kạn |
Chương trình có quy mô dự kiến khoảng 70 - 80 đại biểu tham dự, bao gồm đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, tổ chức hỗ trợ kinh doanh và xúc tiến thương mại… tại khu vực ĐBSCL và một số tỉnh, thành trên cả nước.
Theo khảo sát từ ban tổ chức, phần lớn các doanh nghiệp Cần Thơ nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung còn rất mơ hồ về nội dung của EUDR (Quy định chống phá rừng) và CBAM (Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon). Một số doanh nghiệp đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc tuân thủ EUDR và CBAM nhưng gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu.
Do đó, sự kiện sẽ tập trung thông tin về quy định EUDR, đánh giá tác động của EUDR tới xuất khẩu. Thông tin về cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam, tình hình triển khai EUDR tại các quốc gia khác, hướng dẫn doanh nghiệp biện pháp tuân thủ EUDR, cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức liên quan.
Chương trình cũng sẽ thông tin về Đạo luật CBAM, hướng dẫn doanh nghiệp về lộ trình thực hiện CBAM, chế tài áp dụng của EU đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, đánh giá tác động của CBAM tới xuất khẩu, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm về triển khai CBAM; hướng dẫn huy động và tìm kiếm nguồn lực, sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan.
Chương trình đào tạo, nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh diễn ra tại TP Cần Thơ là lớp đào tạo thứ hai về năng lực xuất khẩu xanh được Cục Xúc tiến thương mại thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2024 tại Hà Nội, TP HCM và TP Cần Thơ.
Cơ chế CBAM – Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon là một quy định quan trọng của Liên minh Châu Âu được thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026. CBAM áp mức giá carbon lên hàng hóa nhập khẩu có lượng phát thải cao (bao gồm xi măng, nhôm, sắt thép, phân bón, hydro và điện). Quy định chống phá rừng (EUDR) của EU có hiệu lực chính thức vào ngày 29/6/2023. EUDR cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng. Tại Việt Nam, ba nhóm ngành bị tác động chính bao gồm gỗ, cao su và cà phê. |