Hội nghị hợp tác quốc tế ngành nông nghiệp ngày 10/2 |
Tại Hội nghị hợp tác quốc tế ngành nông nghiệp ngày 10/2, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã tăng cường các quan hệ đối tác, thúc đẩy mở cửa thị trường thông qua đàm phán và triển khai 16 FTA.
Công tác thu hút vốn ODA được tích cực đẩy mạnh. Tính đến hết năm 2022, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt 4 dự án được đề xuất hoặc có chủ trương đầu tư với tổng vốn vay 840 triệu USD. Bộ cũng phối hợp với các doanh nghiệp chuẩn bị 14 đề xuất dự án mới với tổng vốn 3,2 tỷ USD, đồng thời hỗ trợ thủ tục và triển khai nhiều dự án quan trọng.
Trong năm 2022, ngành nông nghiệp đã huy động được 300 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại trong 5 năm tới; phê duyệt 15 dự án trị giá 25 triệu USD của các tổ chức phi chính phủ và thu hút được đông đảo FDI từ các nhà đầu tư lớn.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, điểm mới trong hợp tác quốc tế năm vừa qua là làm tốt công tác kết nối trí thức và thông tin với các sáng kiến: Nhóm đối tác Một sức khỏe; nhóm hỗ trợ quốc tế về nông nghiệp xanh, bảo tồn quản lý tài nguyên thiên nhiên; nhóm điều phối chuyển đổi nông nghiệp bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, nhóm đối tác công tư cho phát triển nông nghiệp.
Hội nghị hợp tác quốc tế ngành nông nghiệp tại trụ sở Bộ NN&PTNT, ngày 10/2. |
Bước sang năm 2023, nhằm phát huy tốt nhất thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, Bộ NN&PTNT hướng đến xây dựng thương hiệu phát triển bền vững, thực hiện những cam kết của Việt Nam ở COP26, COP27.
Đặc biệt, ngành tập trung vào định hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn và huy động nguồn lực bên ngoài phát huy uy tín, nâng cao vị thế nông nghiệp Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT đưa ra Chiến lược hợp tác quốc tế ngành nông nghiệp tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu tham gia tích cực chủ động, có trách nhiệm trong quá trình toàn cầu hóa, góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
“Từ mục tiêu chung phát triển các mục tiêu riêng. Cụ thể đến năm 2030, Bộ NN&PTNT đặt chỉ tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 70 tỷ USD; thu hút vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 25 tỷ USD; thu hút vốn vay đạt 5 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại đạt 1 tỷ USD”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết.
Chiến lược cũng đặt mục tiêu phấn đấu, nông nghiệp Việt Nam sẽ dẫn đầu ít nhất một sáng kiến toàn cầu hoặc khu vực. Mỗi năm chuyển giao một công nghệ mới hoặc một mô hình tổ chức sản xuất mới. Có ít nhất 500 lượt cán bộ, sinh viên, thực tập sinh được đào tạo ở nước ngoài hàng năm.
Coi mỗi dự án hợp tác là tài sản quốc gia
Để hiện thực hóa những mục tiêu của Chiến lược hợp tác quốc tế ngành nông nghiệp tầm nhìn đến năm 2030, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần nhìn nhận các dự án chương trình hợp tác quốc tế là tài sản quốc gia, Bộ NN&PTNT chỉ là đơn vị được ủy thác, do đó phải phát huy hết trách nhiệm để đem lại lợi ích cho đất nước.
"Cần trân quý những dự án hợp tác quốc tế để lan tỏa tầm ảnh hưởng, mang lại giá trị cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Tác động của các dự án hợp cũng cần được đánh giá một cách toàn diện không chỉ coi đó là một nguồn ngân sách nhất định”.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh, không phân biệt dự án lớn hay nhỏ, ngân sách nhiều hay ít, quy mô một vùng hay nhiều địa phương để phát huy hết khả năng hấp thụ dự án với các cơ chế, cách tiếp cận mới cho nông nghiệp Việt Nam.
Nhằm đưa ngành nông nghiệp chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế phát huy tốt nhất lợi thế của Việt Nam, Chiến lược đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, Chiến lược định hướng chủ động đàm phán, tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do, tăng cường vai trò thiết lập các tiêu chuẩn thị trường mới.
Nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh, thị phần tại các thị trường lớn và mức thu nhập cao như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada... Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các nước ASEAN, Trung Đông, Liên minh kinh tế Á – Âu. Châu Phi, châu Mỹ…
Đáng chú, nông nghiệp Việt Nam sẽ tập trung xây dựng thương hiệu nhà xuất khẩu nông lâm thủy sản có trách nhiệm – minh bạch – bền vững trên toàn cầu. Gắn xuất khẩu nông sản với quảng bá văn hóa, ẩm thực, du lịch và môi trường; kết hợp thu hút chuyển giao công nghệ.
Bộ NN&PTNT phối hợp với các Hiệp hội, ngành hàng nông sản Việt Nam đề cử thành viên tham gia các tổ chức Hiệp hội ngành hàng của các thị trường nhập khẩu lớn. Cùng với đó, Bộ cũng sẽ cử Tham tán nông nghiệp Việt Nam sang các thị trường lớn.