Đầu tư công - ‘chủ công’ tăng trưởng kinh tế 2023

Đầu tư công - ‘chủ công’ tăng trưởng kinh tế 2023

ĐẦU TƯ CÔNG Việt nAM
11:14 - 26/01/2023
Nghị quyết Quốc hội về dự toán NSNN năm 2023 đã dành 726.700 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, tăng 38,1% so với dự toán năm 2022. Việc một ngân khoản lớn dành cho đầu tư phát triển kỳ vọng tạo cú hích, khơi thông dòng vốn đầu tư trong mọi lĩnh vực nền kinh tế.

Đối thoại đầu Xuân Quý Mão với Mekong ASEAN, PGS. TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia Tài chính công, Phó Trưởng bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Khoa Tài chính công (Học viện Tài chính) phân tích về tác động triển vọng của giải ngân đầu tư công đối với nền kinh tế năm 2023.

Mekong ASEAN: Quốc hội vừa thông qua Kế hoạch phát triển KT-XH với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, CPI 4,5%, ông đánh giá thế nào về mục tiêu này?

Ông Vũ Sỹ Cường: Năm 2023, Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, theo tôi là thận trọng và hợp lý, bởi trên nền tăng trưởng cao khoảng 8% của năm 2022, không dễ để nền kinh tế Việt Nam 2023 có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Trong khi đó, dự báo của các tổ chức quốc tế đều cho thấy, kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Xung đột ở Ukraine ngày càng leo thang, tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Các đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam cũng phải đối phó với suy giảm kinh tế, “căng mình” chống đỡ với lạm phát.

Với lạm phát, Việt Nam luôn có độ trễ so với thế giới. Năm 2022 lạm phát chúng ta thấp, không có nghĩa sẽ tiếp tục thấp trong năm 2023. Vì vậy Quốc hội đặt mục tiêu CPI 4,5% là tương đối khiêm tốn, theo tôi lạm phát 2023 hoàn toàn có thể cao hơn mức này.

Lãi suất tăng làm chi phí sản xuất tăng, đẩy lạm phát lên. Bên cạnh đó, hàng loạt các hàng hóa, dịch vụ chiến lược do Nhà nước định giá như giá điện, chi phí y tế, giáo dục,... sau một thời gian "hoãn" được dự báo điều chỉnh tăng. Đáng chú ý, sau thời điểm tăng lương cơ bản từ tháng 7/2023 dự báo giá cả một số mặt hàng lương thực, thực phẩm có thể tăng. Do đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát 4,5% trong năm 2023 là tương đối thách thức.

Mekong ASEAN: Nhiều quan điểm cho rằng đầu tư công là động lực tăng trưởng chính trong năm 2023. Đặt trong bối cảnh 2023 là năm quan trọng trong kế hoạch phát triển trung hạn 2021-2025 và là năm cuối cùng triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, ông nhìn nhận thế nào về vai trò đầu tư công năm 2023?

Ông Vũ Sỹ Cường: Đầu tư công là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải ngân tốt nguồn vốn đầu tư công sẽ tăng sức cầu, tăng thêm nguồn lực từ nguồn vốn của ngân sách vào trong nguồn nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường khó khăn. Tác động của đầu tư công sẽ giúp kinh tế Việt Nam phục hồi và lan tỏa tới các khu vực khác.

2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm “bản lề” để tạo ra những chuyển biến thực chất trong tận dụng các động lực tăng trưởng mới trong giai đoạn 2021-2025. Năm 2023 và những năm tiếp theo, các kịch bản điều hành được xây dựng trên cơ sở tăng mạnh vốn đầu tư công, làm vốn mồi tạo cú huých đưa nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng cao, gắn với kế hoạch phục hồi và phát triển.

Bằng chứng là, Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 nêu rõ, phải nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khắc phục hạn chế trong chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư công, chậm giải ngân vốn đầu tư công. Kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng giải ngân nhưng thiếu vốn, hạn chế tối đa việc chuyển nguồn. Xem xét trách nhiệm trong xây dựng dự toán không sát thực tế, tổ chức thực hiện thiếu hiệu quả dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công thấp.

Không chỉ giải ngân, yêu cầu của Quốc hội còn là phải sớm phân bổ số vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội để bố trí cho các dự án thuộc Chương trình khi đủ điều kiện theo quy định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước ngày 31/3/2023.

Hiện nay, dư địa của chính sách tài khóa Việt Nam tương đối tốt nhờ những nỗ lực để đảm bảo cân đối tài chính ngân sách thời gian qua, tỷ lệ nợ công, bội chi ở mức thấp so với trần quy định. Chính sách tài khóa cần được xác định là yếu tố trọng tâm phục hồi và tăng trưởng kinh tế 2023.

Tất nhiên, để nguồn lực này đạt hiệu quả cao nhất thì dòng vốn cho đầu tư công phải đi vào đúng hướng, đúng lĩnh vực, đúng tiến độ để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực.

Mekong ASEAN: Trên thực tế, câu chuyện muôn thuở của giải ngân đầu tư công là đầu năm thong thả, cuối năm vội vã. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Vũ Sỹ Cường: Chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn là câu chuyện nói mãi không hồi kết, rất lâu nay chúng ta chưa giải quyết được một cách triệt để.

Thách thức trước hết là vấn đề thể chế, quy định phức tạp, quy trình rườm rà cũng là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến giải ngân chậm, máy móc. Để thực hiện một dự án đầu tư công, phải trải qua nhiều quy trình, thủ tục về đất đai, xây dựng, vốn… Trong khi, các quy định về xây dựng, đất đai, môi trường, vốn nhiều bất cập, chồng chéo, làm chậm quá trình giải ngân vốn đầu tư công.

Tất nhiên, bằng nhiều biện pháp tích cực, tỷ lệ giải ngân đến cuối năm vẫn đạt mức cao. Song, giải ngân dồn dập những tháng cuối năm sẽ dẫn đến tình trạng "no dồn đói góp". Trong khi nếu dàn đều việc phân bổ vốn từ đầu đến cuối năm có thể làm giảm bớt sức ép về thị trường vốn, tạo hiệu ứng lan tỏa khi toàn nền kinh tế được kích cầu, từ đó dòng tiền chuyển động mạnh, kích thích kinh tế phục hồi và tăng trưởng.

Mekong ASEAN: Kế hoạch ngân sách và đầu tư công vừa được Quốc hội thông qua với lượng vốn năm 2023 cao hơn năm 2022 đến 100.000 tỷ đồng. Áp lực giải ngân là rất lớn. Theo ông, đâu là giải pháp căn cơ để đạt được hiệu quả giải ngân?

Ông Vũ Sỹ Cường: Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 tăng 38% so với dự toán năm 2022, một con số khổng lồ. Rõ ràng, áp lực giải ngân là điều không thể bàn cãi.

Từ những nguyên nhân đã đề cập bên trên, theo tôi, đầu tiên phải gỡ các nút thắt về thể chế. Chẳng hạn, chúng ta luôn coi Luật Đầu tư công là tiên tiến nhưng thực ra còn rất nhiều hạn chế.

Như Bộ Tài chính đã từng đề cập, công trình muốn nhanh hay chậm, cốt ở giải phóng mặt bằng. Do đó, theo tôi, tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công là một yêu cầu bức thiết, nếu gom toàn bộ việc giải phóng mặt bằng vào trong dự án thì khi phê duyệt dự án xong mới tiến hành giải phóng mặt bằng, tắc nghẽn rất nhiều ở khâu này.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan ở cả trung ương, địa phương cần đặt lên hàng đầu nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Chính phủ đã rất quyết liệt rồi, xuống từng địa phương, từng đơn vị thầu cũng phải quyết liệt.

Muốn vậy, đầu tư công không nên tư duy cào bằng, cần xây dựng cơ chế vừa tạo động lực, vừa kiểm soát, "cây gậy" phải đi cùng với "củ cà rốt", đơn vị làm tốt, làm hiệu quả phải được thưởng. Ngược lại, đơn vị làm chưa tốt, chưa hiệu quả phải chịu xử lý ra sao?

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đọc tiếp