Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long báo cáo về Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, sau khi Luật Thủ đô 2012 có hiệu lực, việc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao hơn với một số hành vi tại nội thành có tác dụng tích cực, hiệu quả răn đe, góp phần làm giảm số vụ vi phạm.
Tuy nhiên, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo đang là những lĩnh vực mà tình hình vi phạm diễn ra "rất nóng và phức tạp" nhưng mức xử phạt, biện pháp ngăn chặn, bảo đảm thi hành theo quy định chưa đủ răn đe, chưa bảo đảm an ninh, an toàn, gây bức xúc trong xã hội.
Theo Bộ trưởng Tư pháp, cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, quy định của Luật Thủ đô hiện hành về việc chỉ áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn trong một số lĩnh vực tại nội thành không còn phù hợp, chưa bảo đảm tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật khi áp dụng hai loại chế tài trong cùng một thành phố.
Do đó, Điều 34 dự thảo Luật quy định mức tiền phạt cao hơn trên toàn địa bàn thành phố với các lĩnh vực đã áp dụng hiện hành (văn hóa, đất đai, xây dựng); đồng thời bổ sung ba lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo.
Trên cơ sở đề xuất của TP Hà Nội, ban soạn thảo còn bổ sung quy định cho phép áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bằng việc ngừng cung cấp dịch vụ đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy.
Thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có thành viên Ủy ban cho rằng việc để HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn trên toàn địa bàn; ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm là chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật.
Lãnh đạo TP Hà Nội tham dự phiên họp cho ý kiến về Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá nguy cơ cháy nổ ở Hà Nội phức tạp, nhất là sau vụ cháy tòa nhà tại Khương Hạ làm 56 người chết.
Theo ông Cường, việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ kiểu chung cư mini cho thấy định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát, ngay cả khi Luật Thủ đô được ban hành năm 2012. "Đó là hệ lụy của việc tập trung dân cư quá đông trong khu vực nội thành, đi kèm với đó là công tác quản lý chưa nghiêm", Tổng Thư ký Quốc hội nhận định.
Tổng Thư ký Quốc hội nhất trí cao với chủ trương không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có; không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ông cũng nhất trí việc di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị, trung tâm không phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô.
"Chủ trương này là rất đúng, chúng ta đã đặt ra từ khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội nhưng cần phải triển khai sớm và triển khai quyết liệt", Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.