Bà Nguyễn Thị Như Mai - Chủ tịch HĐQT Idico phát biểu khai mạc đại hội. Ảnh: Phạm Ngọc |
Trình bày báo cáo về tình hình kinh doanh năm 2022 và kế hoạch 2023, ông Nguyễn Hồng Hải – Phó tổng giám đốc IDC cho biết, HĐQT trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu hợp nhất 8.277 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.525 tỷ đồng; giảm lần lượt 2%, 14% so với 2022. Công ty tiếp tục thực hiện phương án thoái vốn tại các công ty liên doanh, liên kết và các khoản đầu tư tài chính dài hạn.
Năm 2022, Idico đã thực hiện tái cơ cấu tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh các đơn vị khó khăn, thua lỗ là IDICO-MCI, IDICO-INCO10 và IDICO-TCC. Đồng thời, công ty đã cấu trúc lại hoạt động của một công ty con sở hữu 100% vốn là IDICO-ISC nhằm xây dựng thành đơn vị chuyên nghiệp về quản lý vận hành dịch vụ hạ tầng khu công nghiệp.
Năm ngoái, Idico còn thành lập Công ty IDERGY với ngành nghề chính là sản xuất điện năng, hướng tới việc phát triển hệ thống điện mặt trời. IDERGY có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, Idico nắm giữ 99,99% vốn điều lệ, dự kiến sẽ đóng góp vào tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cho tổng công ty trong các năm tới.
Năm 2023, Idico lên kế hoạch thu hút đầu tư 127,9 ha cho thuê đất khu công nghiệp, 8.000m2 xây dựng nhà xưởng cho thuê; dự kiến đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, với hơn một nửa là đầu tư vào các dự án khu công nghiệp.
Về phân phối lợi nhuận, năm 2022, IDC chia cổ tức tiền mặt với tổng số tiền hơn 1.300 tỷ đồng, trích quỹ đầu tư phát triển hơn 500 tỷ đồng. Năm 2023, công ty dự kiến chia cổ tức 40%/vốn điều lệ; trích quỹ khen thưởng, phúc lợi 1% lợi nhuận sau thuế năm.
Về phương án chuyển sàn niêm yết cổ phiếu IDC từ HNX sang HoSE theo nghị quyết tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, ông Hải cho biết, IDC đã thực hiện nộp hồ sơ đến Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE).
Sở đã có văn bản phản hồi rằng việc chuyển sàn chưa có hướng dẫn cụ thể của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam nên chưa giải quyết. Ngày 30/12/2022, Idico tiếp tục có văn bản gửi Bộ Tài chính, UBCKNN và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam về việc chuyển sàn. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan vẫn chưa có hướng dẫn các thủ tục để làm cơ sở thực hiện.
Ông Phạm Chính Trung - Tổng giám đốc. |
Tại phần thảo luận, trả lời cổ đông về nền tảng để duy trì tăng trưởng của IDC thời gian tới, ông Đặng Chính Trung – Tổng giám đốc cho biết, lợi thế của IDC là có quỹ đất lớn. Hiện công ty có 10 khu công nghiệp ở cả phía Bắc và phía Nam. Trong đó, Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng nằm ở vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Nam, có cảng biển và cảng hàng không.
KCN Hữu Thạnh cũng ngay sát TP HCM, đã giải phóng đến bù khoảng 97% và có rất nhiều khách hàng lớn đến đặt vấn đề hợp tác. KCN này sẽ tập trung khai thác các khách hàng thuộc ngành tiêu dùng, logistic. Các KCN khác như Quế Võ, Quế Võ 2 (Bắc Ninh, mới lấp đầy khoảng 50%), Cầu Nghìn (Thái Bình)… cùng đều ở vị trí tốt.
Đồng thời, công ty đang chuẩn bị các dự án mới, sau khi các quy hoạch tỉnh được phê duyệt sẽ có đầy đủ pháp lý để triển khai. “Hiện IDC đang theo đuổi khoảng 2.000 hecta với những vị trí thuận lợi, đặc biệt là vùng trọng điểm phía Bắc và phía Nam, đang trong quá trình triển khai quy hoạch và xin chủ trương đầu tư”, ông Trung chia sẻ về kế hoạch phát triển quỹ đất.
Về tình hình triển khai cụ thể của các KCN trọng điểm, Tổng giám đốc IDC cho biết, dự án Tân Phước 1 (Tiền Giang) nằm trên vị trí giao thông thuận lợi, đang trong quá trình cấp phép, dự kiến trong quý 3, quý 4 sẽ hoàn thành thủ tục pháp lý này.
KCN Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 tỷ lệ lấp đầy chưa cao nhưng theo ông Trung, đây là vị trí “vàng” nên đối với người thuê, công ty cũng phải lựa chọn; phải tìm những nhà đầu tư có năng lực và không chỉ là yêu cầu về giá. Tại dự án này, IDC đã hoàn thành hạ tầng san lấp. Sau khi hoàn thiện các dự án đầu mối giao thông xung quanh, khu vực này sẽ rất sôi động nên việc cho thuê chậm cũng là lợi thế trong tương lai.
Đối với dự án Cầu Nghìn (Thái Bình), năm 2023, công ty đã chuyển được đất lúa sang KCN, giải phóng đền bù 80 ha. “Hiện các nhà đầu tư phía Bắc rất quan tâm tới KCN này, với giá đang lên và phù hợp xu hướng đón đầu”, ông Trung khẳng định.
Lãnh đạo IDC chia sẻ thêm, IDC định hướng phát triển bền vững nên đang trong quá trình hoàn thiện một hệ sinh thái KCN. Sau “đầu tàu” KCN thì công ty đã phát triển hơn 60 ha nhà ở quanh KCN, cho đối tượng công nhân, chuyên gia, người thu nhập thấp.
“Với chính sách nhà ở xã hội như hiện nay thì đây chính là cơ hội của IDC. Nhiều người hỏi làm nhà ở xã hội có lời không? Nhưng tôi chỉ muốn nói đây là một phần trong hệ sinh thái để thu hút nhà đầu tư vào KCN, hỗ trợ nâng cao cho giá trị cho KCN. Ngoài ra, nó còn mang lại giá trị cho toàn xã hội”, ông Trung nói.
Đồng thời với nhà ở, IDC còn phát triển hệ thống năng lượng tái tạo. Với điện mặt trời, công ty hiện đang quản lý, cung cấp điện cho khoảng 1.500 ha KCN tại các khu Nhơn Trạch. Với thủy điện, công ty đã có nhà máy. Trong năm qua, IDC cũng thành lập công ty IDERGY để phát triển lĩnh vực điện.
Trả lời cổ đông về chính sách trả cổ tức và tăng vốn trong 5 năm tới, bà Nguyễn Thị Như Mai - Chủ tịch HĐQT cho biết, IDC cố gắng duy trì tỷ lệ cổ tức 30-40% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu để đảm bảo quyền lợi cổ đông.
Hiện vốn điều lệ của Idico là 3.300 tỷ đồng, so với nhiều công ty khác trong ngành còn khiêm tốn nên bà Mai cho rằng, việc huy động vốn là cần thiết. Tùy theo tình hình công ty, IDC sẽ lựa chọn phương án tăng vốn vào thời điểm phù hợp.
Đối với phương án mua cổ phiếu quỹ, bà Mai cho biết, hiện HĐQT xác định mục tiêu là tập trung vào công tác điều hành, phát triển kinh doanh, công ty đang trong quá trình tăng trưởng nên chưa có chủ trương mua lại cổ phiếu quỹ.