Đi tìm động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023

Đi tìm động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023

KINH TẾ Việt nAM
11:09 - 27/01/2023
Fitch Ratings mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 xuống 1,4% cho thấy tình hình kinh tế thế giới vẫn u ám với nguy cơ suy thoái ở nhiều nước. Trong bối cảnh đó, đâu sẽ là những trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023?

Mekong ASEAN đi tìm câu trả lời trong cuộc trò chuyện đầu Xuân Quý Mão cùng nhà kinh tế Nguyễn Bích Lâm – Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Mekong ASEAN: Nhìn lại năm 2022 với nhiều điểm sáng về kinh tế. Theo ông, những kết quả này có ý nghĩa như thế nào trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam. Bên cạnh những kết quả đạt được, đâu là những vấn đề đáng lưu ý?

Ông Nguyên Bích Lâm: Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2022 có nhiều điểm sáng đáng tự hào. Trong bối cảnh nhiều bất định, Chính phủ đã có chính sách điều hành khẩn trương, linh hoạt, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, khắc phục các điểm nghẽn và bất cập của nền kinh tế. Kết quả, kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt 8,02%, mức tăng trưởng rất cao, thuộc Top đầu thế giới.

Sản xuất tăng đều ở cả 3 khu vực: nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, khoảng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, đời sống nhân dân, phục vụ cho hoạt động xuất khẩu.

Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,1%. Đặc biệt, khu vực dịch vụ, sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 quý III/2021 đã khôi phục, ghi nhận mức tăng 9,99%, đóng góp 56,65%. Trong đó nhiều ngành dịch vụ thị trường tăng cao như bán buôn, bán lẻ tăng 10,15%; vận tải kho bãi tăng 11,93%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 40,61%.

Tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước. Đây là con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Đầu tư nước ngoài, mặc dù chưa thật trọn vẹn, bởi tổng vốn đăng ký vào Việt Nam trong năm 2022 chỉ đạt gần 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021, song mức giải ngân vẫn cao kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021.`

Bên cạnh đó, mặc dù cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn chủ động, linh hoạt vượt khó phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thể hiện qua, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập năm 2022 đạt 208.368 doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021, cao gấp 1,3 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2021.

Tuy vậy, kinh tế Việt Nam năm 2022 vẫn có những gam màu xám. Đầu tiên là môi trường thể chế cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế. Hành lang pháp lý có thể đầy đủ, hoàn thiện, nhưng nội dung còn chồng chéo và mâu thuẫn . Báo cáo Chính phủ cũng đã nhìn nhận rất thấu đáo về trách nhiệm trong cải cách thể chế, "môi trường thể chế và hành lang pháp lý chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế".

Trở lại câu chuyện doanh nghiệp, điểm sáng cũng ở cộng đồng doanh nghiệp, song những khó khăn, vất vả là không thể phủ nhận. Theo tính toán của tôi, cứ 10 doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Nhìn sâu vào cơ cấu doanh nghiệp, trên 30% doanh nghiệp thuộc khu vực thương mại bán buôn, bán lẻ dễ thành lập nhưng dễ giải thể. Nói cách khác, doanh nghiệp tập trung vào khu vực sản xuất, kinh doanh tạo ra của cải vật chất chưa nhiều, là rào cản để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tham gia vào hoạt động phụ trợ liên kết với các doanh nghiệp thuộc khu vực đầu tư nước ngoài.

Mekong ASEAN: Ông đánh giá thế nào về mục tiêu GDP, CPI Quốc hội đặt ra trong năm 2023. Lạm phát Việt Nam luôn có độ trễ so với thế giới, ông dự báo thế nào về kịch bản tăng trưởng và lạm phát Việt Nam 2023?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Đối với mục tiêu tăng trưởng, nhìn vào con số 6,5% Quốc hội đặt ra trong năm 2023, rõ ràng, thấp hơn hẳn so với mức tăng trưởng 8,02% năm 2022. Tuy nhiên, nếu xét về quy mô GDP vẫn sẽ tăng từ 900 nghìn đến 1 triệu tỷ đồng, tương đương với quy mô nền kinh tế tăng thêm năm 2022 so với 2021 với tốc độ tăng 8%.

Bên cạnh đó, nếu nghiên cứu sâu thêm vào kịch bản tăng trưởng 3 khu vực, năm 2023 dự báo khu vực nông, lâm, nghiệp thuỷ sản tăng hơn 3%, tương đương mức tăng năm 2022; khu vực công nghiệp và xây dựng và dịch vụ cũng được dự báo tương tự.

Đối với lạm phát, nhìn lại giai đoạn năm 2016-2022, lạm phát Việt Nam đều kiểm soát dưới mức 4%. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, bối cảnh kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại, lạm phát của các quốc gia dự báo tiếp tục ở mức cao so với lạm phát mục tiêu.

Trong nước, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được thiết kế cho năm 2022 và 2023 nhưng về cơ bản chưa thực hiện được nhiều trong năm 2022. Như vậy, nguồn lực lớn của chương trình này sẽ dồn sang năm 2023, từ đó có thể làm tổng cầu tăng đột biến ắt giá cả hàng hoá, nguyên nhiên vật liệu cũng sẽ tăng.

Mặt khác, một loạt hàng hoá, dịch vụ chiến lược như xăng dầu, giá điện, giáo dục, y tế... dự báo tiếp tục tăng và điều chỉnh tăng trong năm 2023. Trong khi đây đều là các mặt hàng quan trọng của nền kinh tế, sử dụng trong hầu hết các hoạt động sản xuất, tiêu dùng. Cùng với đó, quyết định tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023 của Quốc hội cũng sẽ tác động rất mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Như vậy, mục tiêu lạm phát 4,5% năm 2023 là phù hợp. Quốc hội đã đánh giá toàn diện sức ép lạm phát đặt ra đối với nền kinh tế. Việc nới rộng mục tiêu tạo điều kiện cho chính sách tài khoá, tiền tệ có dư địa để triển khai. Thêm nữa, trong điều hành vĩ mô luôn cần có sự đánh đổi, điều quan trọng là việc xác định nền kinh tế trong thời điểm đó cần điều gì, nên đánh đổi điều gì.

Mekong ASEAN: Trong bối cảnh dự báo nhiều thách thức như xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn, suy thoái kinh tế toàn cầu mang lại nhiều rủi ro… Ông nhìn nhận đâu là những trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 có nhiều gam màu, sáng và tối, cơ hội và thách thức đan xen. Muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, theo tôi, Việt Nam nên tập trung vào 4 trụ cột quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Thứ nhất, đầu kéo của nền kinh tế vẫn là đầu tư công. Đầu tư công có tầm quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực của nền kinh tế, có tác động lan toả thu hút vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI.

Trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, vốn đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm 32,4%, đóng vai trò quan trọng trong lấy lại đà tăng trưởng cao, gắn với kế hoạch phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Năm 2023, kế hoạch ngân sách đầu tư công trình ra Quốc hội là rất lớn, cao hơn năm 2022 hơn 100 nghìn tỷ đồng. Nếu lượng vốn này được bung ra nền kinh tế sẽ có sức mạnh lan toả, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.

Thứ hai, thể chế chính sách và hành lang pháp lý, nhất là thể chế cho giải ngân vốn đầu tư công.

Như đã đề cập phía trên, đầu tư công có tính chất lan toả, kéo theo đầu tư ngoài Nhà nước. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài Nhà nước. Tạo môi trường thể chế để đầu tư công làm tốt giúp nâng cao năng lực nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh môi trường kinh doanh của Việt Nam đã rất hấp dẫn, hệ thống chính trị của Việt Nam rất ổn định rồi.

Thứ ba, trụ cột quan trọng của nền kinh tế là xuất khẩu. Năm 2022, lĩnh vực xuất nhập khẩu bất chấp rủi ro kinh tế toàn cầu vẫn lập đỉnh với kim ngạch cao kỷ lục. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 732,5 tỷ USD, cao kỷ lục, đưa cán cân thương mại sau 11 tháng thặng dư tới 11,2 tỷ USD, tăng mạnh so với năm 2021 (xuất siêu 3,32 tỷ USD).

Tuy nhiên, không đứng ngoài tình hình thương mại toàn cầu chậm lại, dấu hiệu xuất khẩu giảm tốc đang lộ rõ. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) Việt Nam đánh dấu việc giảm xuống dưới ngưỡng trung tính 50 điểm liên tiếp hai tháng 11 và 12/2022 cho thấy các điều kiện kinh doanh, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm suy giảm.

Song, rõ ràng, dù còn nhiều thách thức, xuất khẩu vẫn là một trong 4 chân kiềng vững chắc của tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam.

Thứ tư, tiêu dùng nội địa. Nhìn lại năm 2022, đặc biệt là quý IV, cầu tiêu dùng nội địa tăng rất mạnh. Tính chung năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5,679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước. Hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt, tăng 168,3% so với kế hoạch, vượt mức trước dịch.

Tất nhiên, đây là đặc thù của năm 2022, người dân có tâm lý "đi du lịch trả thù" sau 2 năm giãn cách vì dịch COVID-19, sang năm 2023, không còn tâm lý du lịch trả thù nữa. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh, thị trường 100 triệu dân rất quan trọng là điểm tựa chắc chắn, an toàn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao, đơn hàng xuất khẩu có xu hướng giảm như hiện nay.

Cũng phải nói thêm, bên cạnh 4 trụ cột đang triển khai mạnh mẽ kể trên, theo tôi, một động lực rất mạnh, có ý nghĩa trong giai đoạn tới là kinh tế số và chuyển đổi số. Trong mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2023 của Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu "cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện kinh tế số và kinh tế tuần hoàn". Kinh tế số phát triển sẽ tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, giảm bớt các thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

MekongASEAN: Trở lại với câu chuyện xuất khẩu, khó khăn thách thức doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối mặt là không thể phủ nhận. Ông dự báo gì về triển vọng xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023 cũng như vai trò của thị trường 100 triệu dân trong bối cảnh rủi ro toàn cầu gia tăng?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Như tôi đề cập, Việt Nam đã tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế rất tốt, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá dịch vụ đã đạt 732,5 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước

Đáng chú ý, có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94%. Có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đưa ra con số này để thấy rằng, danh mục hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam chưa đa dạng, nếu 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD bị ảnh hưởng, tác động rất lớn đến kim ngạch xuất khẩu.

Nói riêng về mặt hàng linh kiện điện tử, mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao nhất, năm 2022 có giá trị xuất khẩu đạt 59,29 tỷ USD. Tuy nhiên, tính riêng tháng 12 chỉ ghi nhận khoảng 4,4 tỷ USD, giảm 21,5% so với cùng kỳ, tháng thứ tư liên tiếp giá trị xuất khẩu nhóm hàng này đi lùi. Rõ ràng, hầu hết điện thoại thông minh được sản xuất tại Việt Nam đều dành cho thị trường phương Tây. Khi áp lực lạm phát đè nặng, nhu cầu tiêu dùng của người dân suy giảm hiển nhiên tác động tiêu cực đến xuất khẩu.

Năm 2023, những biến động của kinh tế thế giới vẫn có thể tiếp diễn, lạm phát vẫn có thể leo thang, mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 795 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2022 Quốc hội đặt ra, theo tôi, không dễ thực hiện. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, huy động vốn, nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, giữ vững vị thế hàng hóa Việt Nam trong hoạt động thương mại quốc tế.

Mekong ASEAN:Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đọc tiếp