Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6.

Điểm nhấn Kỳ họp thứ 6: Thông suốt, hiệu quả, năng động và thẳng thắn

QUỐC HỘI Việt nAM
14:37 - 29/11/2023
Quốc hội đã khép lại Kỳ họp thứ 6 với khối lượng công việc lớn, thảo luận, cho ý kiến, thông qua nhiều quyết sách quan trọng. Các đại biểu đều kỳ vọng sự thành công của kỳ họp sẽ là tiền đề để đất nước bước vào năm 2024 với hào khí mới, xung lực mới.

Sáng 29/11, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV chính thức bế mạc. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, kỳ họp đã thành công tốt đẹp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Mặc dù có những điều chỉnh về chương trình, bổ sung nội dung và đều là những vấn đề khó, phức tạp nhưng kỳ họp bảo đảm sự thông suốt, linh hoạt, hiệu quả.

ĐI SÁT TÂM TƯ, NGUYỆN VỌNG CỬ TRI

Trao đổi với phóng viên bên lề hành lang Quốc hội trước phiên bế mạc, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc lớn của Kỳ họp thứ 6, đạt chất lượng, cơ bản đảm bảo kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Về xây dựng pháp luật, Quốc hội đã thông qua nhiều dự án luật quan trọng như Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi)... Đây là những luật có tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế xã hội. Cho ý kiến về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), là dự án luật được cử tri và nhân dân rất quan tâm, đặc biệt là khi Việt Nam chú trọng chính sách tăng an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Về giám sát, đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát lại các nội dung đã giám sát, chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ và tập trung vào 4 nhóm vấn đề kinh tế xã hội lớn. Đây là điểm mới, thể hiện sự quan tâm của cử tri và giúp Chính phủ có cái nhìn đầy đủ hơn trong công tác điều hành. Đồng thời, Quốc hội cũng xem xét việc trả lời và giải quyết kiến nghị cử tri, thể hiện việc đi sát tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Cùng với đó là xem xét, phân loại các kiến nghị để từng bước giải quyết.

Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN.

Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN.

Điểm nhấn nữa trong kỳ họp lần này là giám sát việc thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia. Đây vốn là nội dung rất lớn, thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước, liên quan nhiều đến vùng nông thôn, dân tộc thiểu số và miền núi. Qua thảo luận cho thấy sự nhất trí của các đại biểu về quan điểm, chỉ ra tồn tại hạn chế và đặc biệt là đưa ra giải pháp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành

CÁCH THỨC TỔ CHỨC HIỆU QUẢ, TRÁCH NHIỆM, THẢO LUẬN THẲNG THẮN

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách, Kỳ họp thứ 6 rất quan trọng, với việc nhìn lại 2,5 năm nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, tức đánh giá giữa nhiệm kỳ, đồng đời đặt ra lộ trình cho 2,5 năm sau. Trong đó có nội dung lấy phiếu tín nhiệm với các vị trí do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Đây là cơ hội để bản thân những người giữ trọng trách tự kiểm điểm, đánh giá bản thân và cũng là cơ hội để các đại biểu thể hiện đánh giá của nhân dân với các vị trí đó.

Chương trình của kỳ họp rất nặng, nội dung lớn nhưng ông Cường đánh giá, cách thức tổ chức của Quốc hội rất hiệu quả, năng động, linh hoạt; nội dung thảo luận thẳng thắn.

Trong kế hoạch có hai dự án luật lớn sẽ thông qua là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Tuy nhiên quá trình thảo luận chỉ ra nhiều vấn đề chưa thống nhất, Quốc hội đã lùi chưa thông qua để xây dựng nội dung tốt hơn.

Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN.

Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN.

Trong kế hoạch có hai dự án luật lớn sẽ thông qua là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Tuy nhiên quá trình thảo luận chỉ ra nhiều vấn đề chưa thống nhất, Quốc hội đã lùi chưa thông qua để xây dựng nội dung tốt hơn. Chúng ta không chạy theo tiến độ mà mong muốn chất lượng luật ban hành được tốt nhất.GS.TS Hoàng Văn Cường

Ông Cường cho biết thêm, Kỳ họp thứ 6 còn bổ sung Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu. Đây là nội dung mới, thể hiện hành động kịp thời với diễn biến của thế giới.

LUẬT BAN HÀNH PHẢI GIẢI QUYẾT NGAY CÁC BỨC XÚC CỦA NGƯỜI DÂN

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đánh giá, Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng được yêu cầu, niềm tin của cử tri. Với khối lượng công việc đồ sộ, Quốc hội đã có cách làm sáng tạo, linh hoạt. Rất nhiều quyết định, luật, công việc quan trọng được thông qua.

“Quốc hội chia kỳ họp thành hai đợt, dành khoảng giữa để các cơ quan chuẩn bị nội dung tốt hơn. Đó chính là sự sáng tạo mang lại hiệu quả, thể hiện ở chất lượng văn bản chuẩn bị. Tôi đánh giá cao sự thận trọng của Quốc hội trước các vấn đề quan trọng. Như Luật Đất đai chưa thông qua lần này có thể khiến một số người thất vọng, nhưng rõ ràng sự thận trọng là vô cùng cần thiết”, ông Sơn nói.

Theo đại biểu, Việt Nam đã trải qua năm 2023 với rất nhiều khó khăn, một số chỉ tiêu không hoàn thành. Ông đánh giá có những thách thức lớn không chỉ trong năm 2023 mà có thể vẫn tiếp tục ở năm 2024.

“Vì thế Quốc hội đã thảo luận rất nhiều, thể hiện tâm huyết và trăn trở của các vị đại biểu với sự phát triển đất nước hiện nay cũng như giai đoạn sắp tới. Tôi tin tưởng những kinh nghiệm của 2023 và đóng góp của các đại biểu sẽ giúp chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2024”, đại biểu Bùi Hoài Sơn kỳ vọng.

Ông Sơn chia sẻ thêm, một trong những điểm nghẽn lớn là quá trình thể chế hoá từ luật sang nghị định, thông tư, cản trở tinh thần đưa luật vào cuộc sống. Và một trong những nguyên nhân là công tác cán bộ, trách nhiệm của cán bộ khi hiện nay vẫn còn tình trạng trông chờ, né tránh, ỷ lại. Vì vậy phải có sự thay đổi chính từ đó.

Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN

Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN

Phải bắt quá trình chậm chạp đó chuyển động cùng mong đợi của cử tri; để đưa ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tinh thần của luật vào cuộc sống, như vậy mới có thể tạo được ra đột phá thời gian tới.PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Nói về công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Trần Anh Tuấn - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh sửa đầy đủ, nghiêm túc của các cơ quan soạn thảo và thẩm tra các dự án luật. Theo ông, các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội đa số được tiếp thu. Đó đều là các ý kiến sát với thực tiễn cuộc sống, từ hoạt động điều hành của chính quyền các cấp.

Đại biểu cho rằng, quá trình luật đi vào cuộc sống cần có sự chuyển tiếp từ quy định cũ sang quy định mới. Vì vậy quá trình hướng dẫn thực hiện rất quan trọng. Cần phải tập trung các nguồn lực và phối hợp tốt trong xây dựng thông tư, hướng dẫn để triển khai nhanh. Công tác phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương phải tốt, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, thời gian hoàn thành.

Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN

Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN

Người đứng đầu phải giám sát và chịu trách nhiệm ban hành thông tư, nghị định hướng dẫn. Khi triển khai trong thực tế có vướng mắc thì phải tổng hợp để điều chỉnh ngay lập tức, đặc biệt là cơ sở địa phương. Cơ quan trả lời cũng cần trả lời nhanh, không để tới vài tháng như tình trạng thời gian qua, ảnh hưởng đến công tác điều hành chung.Đại biểu Trần Anh Tuấn

Liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ông Tuấn đồng ý quan điểm nội dung nào còn nhiều ý kiến khác nhau thì cần phải có thời gian xem xét thêm. Theo ông, hai luật này rất quan trọng, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội. Như vấn đề đất đai hiện chiếm khoảng 70% các vụ việc khiếu kiện, khiếu nại.

"Nhiều vấn đề phải xem xét thận trọng, thấu đáo như định giá, quy hoạch, đền bù, tái định cư, chuyển đổi đất nông nghiệp... Phải hoàn thiện tốt hơn, sát hơn thực tế để khi luật ban hành giải quyết ngay các bức xúc của người dân. Vì vậy có chậm một bước, tôi cũng thấy phù hợp", đại biểu thuộc Đoàn TP HCM nói.

"NHẤT ĐỊNH CHÚNG TA SẼ VƯỢT QUA CÁC KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC"

Sau 22,5 ngày làm việc, với tỷ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 7 luật, 8 nghị quyết. Thảo luận, cho ý kiến 8 dự án luật khác. Thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác và ban hành Nghị quyết chung của kỳ họp.

Từ thành công và kết quả tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cùng nhiều kết quả quan trọng đã đạt được sau nửa nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ tin tưởng về việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

“Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng, nỗ lực và tâm huyết của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất định chúng ta sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức, nắm bắt được thời cơ, hoàn thành cao nhất các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 2021 – 2025”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Đọc tiếp