Điểm sáng kinh tế ASEAN

Điểm sáng kinh tế ASEAN

KINH TẾ asean
09:16 - 11/02/2024
ASEAN vẫn giữ được phong độ là một trong các khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới trong bối cảnh đầy ám ảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu.

Năm 2023 được ghi nhận là một năm hoạt động tích cực của khối ASEAN cũng như từng quốc gia thành viên. Khối đã tổ chức thành công nhiều hội nghị cấp cao và thông qua các văn kiện cũng như sáng kiến liên quan tới nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các quyết sách liên quan vị thế của khối; tầm nhìn và không gian phát triển kinh tế cũng như sự cân bằng về các mục tiêu tăng trưởng.

Một trong những tâm điểm đáng chú ý nhất của ASEAN năm 2023 nằm ở kết quả của 2 sự kiện lớn bao gồm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra vào 10 – 11/5/2023 tại Labuan Bajo, Indonesia và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại thủ đô Jakarta từ 5 – 7/9/2023.

Các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo, Indonesia ngày 10/5/2023. Ảnh: VGP
Các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo, Indonesia ngày 10/5/2023. Ảnh: VGP

Theo báo cáo triển vọng kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 13/12/2023, GDP khu vực ASEAN dự kiến tăng trưởng ở mức 4.3% trong năm 2023 và sẽ tăng lên mức 4,7% trong năm 2024.

Trong năm 2024, chi tiêu cho đầu tư công cao hơn được coi sẽ là một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng ở Đông Nam Á, trong khi chi tiêu cho tiêu dùng dự kiến cũng sẽ gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng khi các hoạt động du lịch quốc tế phục hồi mạnh mẽ hơn.

Sự phục hồi trong xuất khẩu điện tử và lĩnh vực công nghệ, cùng với sự cải thiện hiệu quả ở các nền kinh tế vào năm 2024 cũng sẽ góp phần làm rõ ràng hơn nữa triển vọng tăng trưởng của ASEAN.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 42, có 9 văn kiện quan trọng đã được thông qua. Đáng chú ý là Tuyên bố chung hướng đến Tầm nhìn sau 2025, trong đó các nhà lãnh đạo ASEAN “tán thành các yếu tố cốt lõi của Tầm nhìn sau năm 2025 của Cộng đồng ASEAN, cho phép ASEAN có khả năng ứng phó và thích ứng trong bối cảnh thế giới đang phát triển nhanh chóng”.

Khi xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh đến “sự cần thiết phải cân bằng giữa chủ nghĩa thực dụng và tham vọng để ASEAN ổn định và tiến bộ, đồng thời giữ đúng bản sắc của mình”.

Một thành công đáng chú ý khác trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 là việc các nhà lãnh đạo đang bắt đầu thiết lập các cơ hội đổi mới thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới cũng như khuyến khích sử dụng đồng nội tệ cho các giao dịch trong khu vực.

Tới Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 55 vào tháng 8/2023, các nhà lãnh đạo tiếp tục tập trung vào kinh tế số - lĩnh vực được đánh giá là động lực tăng trưởng chính của khu vực. Doanh thu kinh tế số của ASEAN dự kiến đạt 100 tỷ USD năm 2023, tăng khoảng 8 lần so với năm 2016.

Cụ thể, sự kiện này đã thông qua khung đàm phán Hiệp định khung Kinh tế số ASEAN (DEFA) theo như cam kết tại Lộ trình Chuyển đổi số Bandar Seri Begawan (BSBR) – chương trình nghị sự về chuyển đổi số của ASEAN đã được thông qua tại Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ECC) lần thứ 20.

Với hiệp định DEFA, thương mại trực tuyến giữa các quốc gia ở Đông Nam Á sẽ có cơ hội phát triển nhanh hơn và thuận lợi hơn khi ASEAN bắt đầu xây dựng một khuôn khổ mới, mở ra tiềm năng trị giá 2.000 tỷ USD cho nền kinh tế số vào năm 2030. Điều này đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại số xuyên biên giới liền mạch hơn.

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, các thành tựu mà khối đạt được chủ yếu xoay quanh lĩnh vực hợp tác phát triển kinh tế xanh với mục tiêu cuối cùng là cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Đã có 3 Sáng kiến Ưu tiên Kinh tế được hoàn thành trong khuôn khổ sự kiện này.

Các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta ngày 5/9/2023. Ảnh: VGP

Các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta ngày 5/9/2023. Ảnh: VGP

Sáng kiến thứ nhất là xây dựng Chiến lược ASEAN về Trung hòa Carbon được thiết kế nhằm mang lại một lộ trình chiến lược, có cấu trúc và đáng tin cậy cho ASEAN nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của khu vực hướng tới một tương lai carbon thấp.

Sáng kiến này còn có mục đích tận dụng các thế mạnh của các thành viên ASEAN trong việc phát triển các phương pháp tiếp cận có thể hỗ trợ cho các mục tiêu 'Đóng góp do quốc gia tự quyết định' (NDC), từ đó đảm bảo ASEAN vẫn có tính cạnh tranh và tiến bộ trong bối cảnh hành động về khí hậu toàn cầu ngày càng gia tăng.

Sáng kiến thứ hai là về phát triển hệ sinh thái xe điện với các đối tác. ASEAN bày tỏ sự hoan nghênh việc tổ chức Chuỗi Hội thảo về xe điện ASEAN - Mỹ và mong muốn các Bộ trưởng Giao thông vận tải ASEAN hoàn thành và thông qua các Khuyến nghị chính sách nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng xe điện và các trạm sạc trong ASEAN.

Các nhà lãnh đạo của khối ghi nhận tầm quan trọng của các Đối tác đối thoại trong việc thúc đẩy hệ sinh thái xe điện và mong muốn thực hiện Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN+3 về phát triển hệ sinh thái xe điện. Tuyên bố thể hiện cam kết giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và 3 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong phát triển hệ sinh thái và ngành công nghiệp xe điện.

Sáng kiến thứ 3 là thông qua Khung Kinh tế Biển Xanh ASEAN để nâng cao nỗ lực hợp tác của khối về nền kinh tế xanh theo cách tiếp cận tích hợp, liên ngành và liên bên. Mục tiêu là nhằm tạo ra giá trị gia tăng và chuỗi giá trị của các nguồn tài nguyên từ đại dương theo cách toàn diện và bền vững, từ đó biến nền kinh tế xanh trở thành động lực mới cho tăng trưởng trong tương lai của ASEAN.

Đọc tiếp