Điện Kremlin: Cách duy nhất giải quyết xung đột Ukraine là quân sự

chiến sự Nga - Ukraine
08:22 - 30/03/2023
Theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 29/3, không còn giải pháp chính trị hay ngoại giao nào khả thi đối với cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine và giải pháp quân sự là lựa chọn duy nhất.

Phát biểu trước các phóng viên tại Nga hôm 29/3, ông Peskov nhấn mạnh vào quyết tâm của Moscow trong việc đạt được các mục tiêu của mình. Những mục tiêu này vốn đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề ra khi nước này bắt đầu chiến dịch quân sự hơn một năm trước.

Cụ thể, hãng tin RT trích dẫn ông Peskov cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng các mục tiêu của Nga có thể đạt được bằng nhiều cách khác nhau. Nó có thể những biện pháp ngoại giao chính trị hoặc nếu các biện pháp này là không thể thì sẽ thông qua các biện pháp quân sự”.

Ông tuyên bố trong trường hợp của Ukraine, “chúng tôi rất tiếc là không thể” và do đó, biện pháp quân sự sẽ là lựa chọn duy nhất còn lại.

Moscow đã nhiều lần bày tỏ sự sẵn sàng cho một giải pháp ngoại giao nhưng không thành công. Nước này cáo buộc Ukraine và các đồng mình phương Tây cản trở nỗ lực ngoại giao với mong muốn Nga gặp phải “thất bại chiến lược”.

Theo RT, kể từ mùa xuân năm 2022, Kiev đã từ chối tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào với Moscow. Tại thời điểm đó, các nỗ lực ngoại giao ban đầu nhằm giải quyết xung đột giữa hai nước đều gặp thất bại và Ukraine đã rút khỏi các cuộc đàm phán sau nhiều vòng thảo luận diễn ra ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ.

Giới chức Ukraine nhiều lần tuyên bố việc khôi phục đàm phán hòa bình chỉ có thể thực hiện nếu quân đội Nga rút khỏi “các vùng lãnh thổ chiếm đóng” của nước này. Kiev cho biết sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến việc nhượng bộ lãnh thổ và sẽ giành lại tất cả các khu vực bị Nga kiểm soát, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Tới cuối tháng 9/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chính thức loại trừ khả năng tiến hành đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Theo đó, ông Zelensky nhấn mạnh vào một chiến thắng quân sự trước Moscow, đồng thời khẳng định Ukraine sẽ chỉ tiến hành đàm phán với “nhà lãnh đạo tương lai của Nga” không phải ông Putin.

Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11/2022, ông Zelensky tiếp tục loại trừ khả năng có một thỏa thuận “Minsk-3” mới. Các thỏa thuận Minsk trước đó được thiết kế nhằm giải quyết xung đột giữa Kiev và hai nước cộng hòa Donbass nhưng thất bại.

Nga tuyên bố mục tiêu đối với chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine là không thay đổi. Ảnh: TASS

Nga tuyên bố mục tiêu đối với chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine là không thay đổi. Ảnh: TASS

Ngoài ra, người phát ngôn Điện Kremlin cũng không đưa ra bất kỳ ước tính nào về thời điểm cuộc xung đột đang diễn ra giữa Moscow và Kiev có thể kết thúc. Tuy nhiên, ông cho biết một cuộc xung đột rộng lớn hơn - một "cuộc chiến hỗn hợp" giữa Nga và các đối thủ của nước này mà ông gọi là các quốc gia thù địch và không thân thiện - có thể sẽ kéo dài trong một thời gian tương đối lâu nữa.

Ở một diễn biến khác, trong cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cũng xác nhận rằng các mục tiêu của Moscow đối với chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là không thay đổi. Đồng thời, ông khẳng định đạt được chúng là cách duy nhất để đạt được “hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững ở Ukraine và châu Âu”.

Cho tới hiện tại, Nga vẫn đang kêu gọi Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không liên kết cũng như phi quân sự hóa và phi phát xít hóa. Moscow yêu cầu Kiev từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO và EU, đồng thời yêu cầu Ukraine xác nhận tình trạng phi hạt nhân hóa của mình, theo bài phỏng vấn của ông trên kênh truyền hình RTVI hôm 29/3.

Ngoài ra, ông Galuzin nhấn mạnh Kiev cũng cần công nhận “thực tế lãnh thổ” mới trên thực địa liên quan đến việc sáp nhập 4 khu vực cũ của Ukraine là Kherson và Zaporozhye, Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức hồi tháng 9/2022 trước đó.

Đọc tiếp