Đình công lan rộng phản đối kế hoạch hưu trí tại Pháp

Đình công Pháp
09:17 - 07/03/2023
Sự phản đối của người dân Pháp với kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của Tổng thống Emmanuel Macron đang ngày một lớn khi các công đoàn tại quốc gia này đe dọa sẽ đóng cửa nền kinh tế đất nước trong tuần này.

Đang được đưa ra bàn luận tại Quốc hội, kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của Tổng thống Emmanuel Macron sẽ nâng tuổi hưởng lương hưu chính thức từ 62 lên 64 và yêu cầu 43 năm làm việc để hưởng lương hưu đầy đủ.

Kế hoạch này nhận được thái độ không đồng tình của công chúng và do đó nhiều công đoàn cùng người lao động đã đồng loạt xuống đường biểu tình từ đầu năm. Bắt đầu từ đầu tuần ngày 6/3, các công đoàn và người lao động tiếp tục thể hiện sự phản đối của mình bằng cách chặn đường.

AP cho biết các tài xế xe tải chặn một số trục đường cao tốc chính và các nút giao trong một hành động được gọi là escargot - trong tiếng Pháp nghĩa là ốc sên. Tới tối cùng ngày, các công đoàn bắt đầu lên kế hoạch đình công không giới hạn trong ngành dịch vụ đường sắt quốc gia.

Tuy nhiên đây chưa phải là tất cả những gì chờ đợi phía trước đối với chính phủ Pháp. Nhằm phản đối dự luật hưu trí, các cuộc đình công dự kiến sẽ xảy ra trên nhiều lĩnh vực tại hàng loạt các thành phố trên khắp đất nước này, gây ra sự gián đoạn lớn hơn nữa.

Với việc đình công trên diện rộng, làm gián đoạn các nhà máy lọc dầu, chặn đường cùng làm tê liệt hàng loạt dịch vụ giao thông, các công đoàn đang kỳ vọng đòn đánh được coi như gay gắt nhất để đóng cửa nền kinh tế Pháp sẽ gây được sức ép lên chính phủ.

Trước mắt, Cơ quan hàng không dân dụng của Pháp đã yêu cầu các hãng hàng không hủy 20% chuyến bay tại Sân bay Charles de Gaulle của Paris ngày 7/3 và 30% chuyến bay tại Sân bay Orly cùng với với việc hủy các chuyến bay ở các thành phố khác. Theo cơ quan đường sắt SNCF, các chuyến tàu đến Đức và Tây Ban Nha dự kiến cũng ​​sẽ dừng vào 7/3 trong khi các chuyến tàu đến và đi từ Anh sẽ giảm 1/3.

Ngoài ra, hơn 60% giáo viên ở các trường tiểu học dự kiến sẽ đình công, theo liên đoàn chính của ngành này là Snuipp-FSU. Công đoàn CGT cánh tả cũng đang kêu gọi đình công ngày 7/3 tại các nhà máy sản xuất ô tô Renault, Peugeot và Citroen, máy bay Airbus và các địa điểm khác. Trong khi đó, các công đoàn liên quan lại đang đe dọa sẽ chặn các cảng tại Pháp vào 8/3.

Các cuộc biểu tình tập trung vào phụ nữ và tác động của cải cách hưu trí đối với các bà mẹ đang đi làm dự kiến sẽ diễn ra đúng ngày 8/3 - ngày Quốc tế Phụ Nữ. Trong khi đó, các hiệp hội đại diện cho sinh viên - những người chưa chính thức tham gia vào lực lượng lao động, cũng được vận động xuống đường biểu tình ngày 9/3 để thể hiện sự lo ngại của mình với kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của chính phủ.

Bản thân công đoàn CFDT ôn hòa hơn cũng kêu gọi một ngày hành động mạnh mẽ vào 7/3 với sự tham gia của rất nhiều người lao động trên đường phố. Theo người đứng đầu công đoàn này là ông Laurent Berger, hơn 250 cuộc biểu tình sẽ được tổ chức trên khắp nước Pháp. Sau đó, các công đoàn sẽ tổ chức một cuộc họp để quyết định các bước tiếp theo.

Người biểu tình giơ cao biểu ngữ "Macron, để chúng tôi nghỉ hưu" tại Paris, Pháp. Ảnh: Reuters

Người biểu tình giơ cao biểu ngữ "Macron, để chúng tôi nghỉ hưu" tại Paris, Pháp. Ảnh: Reuters

Nhận định về tình hình hiện tại, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Pháp Clement Beaune trả lời đài truyền hình địa phương France-3 hôm 5/3 rằng các cuộc đình công sẽ gây ra tác động rất mạnh.

Bộ trưởng Lao động Pháp Olivier Dussopt cũng phát biểu trên đài truyền hình FranceInfo hôm 6/3 rằng việc người lao động “bày tỏ sự bất đồng là chính đáng, nhưng nó không được dẫn đến việc phong tỏa đất nước do điều này sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế”.

Tổng thống Emmanuel Macron cho biết việc nâng tuổi nghỉ hưu là một nỗ lực của chính phủ nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Pháp cũng như giữ có hệ thống lương hưu hiệu quả trong bối cảnh dân số già đi và tỷ lệ sinh giảm.

Tuy nhiên, kết quả từ các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số cử tri Pháp phản đối thay đổi này khi cho rằng nó đe dọa các quyền mà người Pháp đã đấu tranh gay gắt để đạt được. Thay vào đó, nhiều nhà lập pháp cánh tả cho rằng các công ty và những tỷ phú nên đóng góp nhiều hơn.

Dự thảo này đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi nhất trong nhiều năm qua tại quốc hội Pháp. Hiện nó đang được thảo luận tại Thượng viện do phe bảo thủ lãnh đạo và dự kiến sẽ được bỏ phiếu vào cuối tuần tại thượng viện của quốc hội.

Bất chấp việc chính phủ Pháp thể hiện thái độ kiên quyết và dự luật có khả năng cao sẽ đạt được sự chấp thuận cuối cùng, các công đoàn vẫn tiến hành các cuộc đình công trên quy mô lớn nhằm gây áp lực buộc chính phủ phải nhượng bộ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng chính phủ thể hiện thái độ kiên quyết không nhượng bộ về kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng chính phủ thể hiện thái độ kiên quyết không nhượng bộ về kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh: Getty Images

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.