Đón Tết ấm nhờ trồng bưởi Diễn

Đón Tết ấm nhờ trồng bưởi Diễn

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
08:48 - 09/02/2024

Vào mùa tiết trời se sắt lạnh, những khu vườn tại thôn Văn Xá, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội vàng ruộm những trái bưởi Diễn đến độ thu hoạch. Một mùa bưởi Diễn nữa lại đến, một mùa Tết nữa đang về.

Một cây bưởi cảnh đẹp phải hội tụ đầy đủ chồi, lộc, hoa tượng trưng cho tài lộc, sự sung túc sinh sôi nảy nở. Trái bưởi phải vàng, chín đều màu, căng bóng và phải có mùi thơm đặc trưng. Lá phải xanh, tươi, đủ cả lá non, lá già.

Ghé thăm vườn bưởi Diễn rộng hơn 1 ha của ông Đoàn Văn Quang tại thôn Văn Xá trong những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chúng tôi có thể cảm nhận được từng hơi thở của mùa xuân và lắng nghe câu chuyện ‘se duyên’ cho bưởi Diễn tại nơi đây.

Ông Đoàn Văn Quang kể, hơn 10 năm trước, trong một lần ra thăm một người bà con trên làng Diễn (Hà Nội) đã có dịp được thử bưởi Diễn. Cảm nhận đầu tiên khi ăn múi bưởi thấy có vị ngọt, không he đắng mà mùi hương đặc trưng, hương thơm không vùng nào có thể so sánh được. Vì thế, ông Quang đã nảy ý định thuê đất vườn tại làng Diễn để trồng thử nghiệm 20 gốc bưởi, vụ đầu tiên chỉ sau 4 năm trồng đã cho ra những trái bưởi ngọt mát, căng mọng.

Tuy nhiên, áp lực đô thị hóa với lượng người sinh sống tăng nhanh, nhu cầu thuê nhà tăng cao do khu vực này có nhiều trường đại học, cao đẳng nên nhiều gia đình đã phá bưởi xây nhà, khiến các nhà vườn không đủ đất để mở rộng sản xuất.

Lúc bấy giờ, chủ đất không muốn cho thuê, gia đình ông Quang phải mang hơn 20 gốc bưởi về nơi ông sinh sống tại thôn Văn Xá, xã Nhị Khê (Hà Nội). May mắn nhờ chất đất tại xã Nhị Khê phù hợp với loại cây trồng này, đến nay vườn bưởi của ông đã phát triển lên tới 300 gốc.

Vườn bưởi Diễn của ông Đoàn Văn Quang tại thôn Văn Xá, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Vườn bưởi Diễn của ông Đoàn Văn Quang tại thôn Văn Xá, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Giống như nhiều hộ trồng bưởi khác, ông Quang phải theo dõi sát sao quá trình tăng trưởng của số lượng bưởi trong vườn nhà, bởi trái bưởi bán Tết phải giữ sao cho hình thức bên ngoài đẹp, không tỳ vết trước khi xuất bán ra thị trường.

Một cây bưởi cảnh đẹp hội tụ đầy đủ chồi, lộc, hoa tượng trưng cho tài lộc, sự sung túc sinh sôi nảy nở. Trái bưởi phải vàng, chín đều màu, căng bóng và phải có mùi thơm đặc trưng. Lá phải xanh, tươi, đủ cả lá non, lá già.

Thời tiết miền Bắc từ tháng 1-2 âm lịch thường mưa nhiều, độ ẩm cao kéo dài thành từng đợt, lại trùng với thời điểm bưởi Diễn ra hoa rộ, ảnh hưởng đến khả năng thụ phấn và đậu quả. Độ ẩm cao, vườn đọng nước tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển, ôxi hòa tan trong đất giảm mạnh, hạn chế quá trình hô hấp của rễ. Do đó cây không đủ dinh dưỡng để nuôi hoa quả dẫn đến rụng hoa, quả hàng loạt.

Hơn nữa, mưa nhiều có thể gây phân rã phấn hoa, cũng như làm hoa rụng, ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, giảm khả năng đậu quả. Ra hoa là bước quan trọng trong quá trình hình thành quả.

"Cũng may năm nay, thời tiết không quá khắc nghiệt, thời điểm ra hoa thuận lợi nên bưởi đậu trái êm lắm. Vụ bưởi Diễn Tết năm 2024 tới, tôi xuất bán ra thị trường khoảng 30.000 quả, ước thu về tổng hơn 500 triệu đồng. Hy vọng Tết này lại là một cái Tết ấm của gia đình tôi”, ông Quang vui vẻ nói.

Cũng giống như gia đình ông Đoàn Văn Quang, nhà bà Nguyễn Thị Phượng cũng là một trong số những hộ đã thay đổi cuộc sống nhờ cây bưởi Diễn. Đầu năm 2017, khi thấy một vài hộ trong xã chuyển sang trồng bưởi cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình bà đã mạnh dạn thầu thêm đất bãi, quy hoạch lại ruộng để trồng gần 100 gốc bưởi.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm và tìm hiểu thêm qua sách báo, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đến nay đã thu được 8 vụ quả, mỗi cây cho từ 100 quả/vụ. Mỗi vụ vườn bưởi Diễn của gia đình bà Phượng mang về cả gốc lẫn lời khoảng 200 triệu đồng.

"Trước đây, kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào việc trồng cây ngô giống và sản xuất nông nghiệp manh mún. Một năm, chúng tôi chỉ sản xuất được một vụ, vụ còn lại nước ngập trắng đồng nên việc canh tác rất khó khăn. Đời sống của những gia đình làm nông như tôi cũng vì thế mà không được cải thiện. Gia đình tôi cũng như đa số những người dân thuộc xã Nhị Khê bấp bênh do tác động và ảnh hưởng của môi trường nhưng từ khi chuyển hướng sang trồng bưởi, gia đình tôi có của ăn, của để, thu nhập hàng năm phần nào cũng được đảm bảo", bà Phượng kể.

Nhiều hộ dân trong thôn cũng bắt đầu thay đổi mô hình trồng trọt, trong đó việc trồng bưởi nở rộ nhất vào những năm 2015-2020, khi “nhà nhà trồng bưởi - người người trồng bưởi”.

Đến nay, hầu hết các hộ dân tại thôn Văn Xá đều trồng bưởi Diễn với diện tích quy mô lớn. Nhà ít thì vài sào, nhiều lên đến hàng ha, nguồn thu dao động từ chục triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi vụ.

Chăm chỉ làm ăn, chịu khó học hỏi, kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất các hộ trồng bưởi Diễn tại thôn Văn Xá đã xây dựng cho mình mô hình kinh tế khá bền vững. Với giá bán trung bình từ 20.000 - 50.000 đồng/quả, mỗi năm vườn bưởi mang lại thu nhập trung bình khoảng hơn 3 triệu đồng/cây.

Dạo quanh vườn bưởi của các hộ gia đình tại thôn Văn Xá, ngắm nhìn những trái bưởi lúc lỉu, sai trĩu trịt trên cành rồi hít hà hương thơm ngan ngát, có thể cảm nhận hơi thở của mùa xuân, một mùa sung túc nữa đang về với người dân trồng bưởi nơi đây.

Đọc tiếp