Đại biểu Nguyễn Thị Sửu trên nghị trường.

'Đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi tư duy mạnh mẽ'

dân tộc CHÍNH SÁCH
14:02 - 12/11/2023
Theo đại biểu Quốc hội, đồng bào dân tộc thiểu số đã có tư duy thoát nghèo, thoát khó và làm sao để kinh tế đi lên. Hành động đúng cùng tư duy đúng sẽ mang lại những sản phẩm tốt cho chính bà con vùng dân tộc miền núi.

Đây là chia sẻ của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XV với Mekong ASEAN, khi trao đổi về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 1: 2021-2025 (Chương trình). Bà Sửu từng nhiều năm công tác tại huyện A Lưới và là Bí thư Huyện ủy giai đoạn 2017-2019. Bà cũng có nhiều năm đảm nhiệm vị trí Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mekong ASEAN: Nhiều năm gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bà có nhận định như thế nào về đời sống của bà con hiện nay so với trước đây?

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu: Thực sự phải nói là cuộc sống của bà con đã thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là về tư duy, qua các chương trình, chính sách nhân văn, toàn diện của Đảng, Nhà nước. Tư duy của bà con bây giờ, kể cả những người chỉ biết viết biết đọc hay những cụ bà được phổ cập nhưng vẫn tái mù, đã khác rất xa trước đây. Đó là tư duy cần phải thoát nghèo, thoát khó, và động viên con cháu thoát nghèo, thoát khó.

Thứ hai là tư duy làm thế nào để thoát nghèo, thoát khó? Họ đã nghĩ đến câu chuyện của kinh tế. Đó là muốn thoát nghèo, thoát khó, kinh tế đi lên thì không thể làm kinh tế nương rẫy, quảng canh nữa mà phải bằng khoa học kỹ thuật, sử dụng phương tiện hiện đại tác động vào đất, vào cách làm. Và thu nhập không chỉ còn là đủ cái ăn mà phải có cái để, có nguồn vốn xoay vòng.

Đặc biệt là đồng bào vẫn luôn xác định Đảng là người chèo lái con đường cách mạng, kể cả trong chiến hay thời bình. Niềm tin của đồng bào với Đảng, với Nhà nước ngày càng vững chắc, nhất là các vùng miền Tây Thừa Thiên Huế, trên dãy Trường Sơn – nơi người dân được sống với công cuộc giữ nước. Người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nếu tốt về mặt tư duy thì sẽ tốt về mặt hành động. Hành động cùng tư duy đúng sẽ tạo ra sản phẩm tốt cho chính người dân.

Mekong ASEAN: Với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bà có đánh giá và kỳ vọng như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu: Với Chương trình, tôi nhận thấy đã có sự nỗ lực lớn của Chính phủ, các bộ ngành trong công tác triển khai, cụ thể hoá Nghị quyết của Quốc hội. Đó cũng chính là thực tiễn hoá chủ trương vô cùng nhân văn, có giá trị thời sự của Đảng, nhằm tạo sự phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vì vậy, khi triển khai Chương trình, người dân rất chờ đợi, ủng hộ và đồng hành.

Các địa phương khi nhận kế hoạch Chương trình cũng đều tích cực triển khai. Với tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi đang nỗ lực tất cả các nhiệm vụ để phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai, vì vậy câu chuyện giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều được đặt lên hàng đầu. Cùng chính sách chung, tỉnh đã có những nghị quyết riêng để huy động nguồn lực phù hợp, đồng bộ giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là A Lưới – nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đây cũng là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước trong giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai Chương trình, có một số nguyên nhân làm chậm tiến độ, cụ thể là chậm bố trí nguồn ngân sách, chậm hướng dẫn các cơ chế triển khai thực hiện từ các bộ ngành. Đây là chương trình với tổng hợp các lĩnh vực, có kinh tế, tài chính, văn hoá, giáo dục, y tế... nên các bộ ngành chuyên môn đòi hỏi phải có sự đồng bộ cao. Tuy nhiên thực tế, công tác phối kết hợp của các ban ngành, địa phương, sự nhập cuộc của người nghèo đâu đó cũng chưa nhịp nhàng. Đây chính là vấn đề cần phải quan tâm.

Mekong ASEAN: Với các tồn tại, giải pháp chỉ ra sau chương trình giám sát, bà có đề xuất gì thêm để Chương trình thời gian tới triển khai hiệu quả?

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu: Tôi cho rằng các tồn tại, hạn chế, kiến nghị đã được chỉ ra sau giám sát là rất xác đáng, các địa phương tuỳ mức độ khác nhau cần soi chiếu để có giải pháp kịp thời, vừa có giải pháp trước mặt nhưng cũng phải vừa có giải pháp căn cơ lâu dài.

Tôi muốn nói thêm về một hạn chế đã chỉ ra nhiều năm nhưng chưa khắc phục được triệt để, đó là câu chuyện trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Ngay trong nội dung giám sát chỉ ra vẫn đang chung chung. Với trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, tôi đề nghị phải chỉ ra rõ hơn nữa, để những tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp và gián tiếp chủ động, linh hoạt khắc phục những hạn chế, tồn tại từ mình, do mình, thì sẽ tốt hơn và có sự chuyển biến.

Theo tôi, việc chỉ ra những hạn chế tồn tại và xây dựng các giải pháp là để thực tiễn hoá, thúc đẩy hiệu quả hơn, mạnh hơn, đạt kỳ vọng không chỉ của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ mà còn của người dân, người hưởng lợi, cần thoát khỏi nghèo, khó; họ được đi lên, được tiếp cận với cuộc sống ổn định về kinh tế, cả vật chất lẫn tinh thần. Lúc đó, đất nước mới thực sự phát triển. Người dân còn khó, còn khổ, còn chưa được tiếp cận các cơ hội phát triển; chậm cái nào, thiếu hụt cái nào, thiếu hụt bao nhiêu thì đất nước chúng ta vẫn còn khó, thiếu, hụt ở những mức độ đó.

Mekong ASEAN: Cụ thể hơn, bà đánh giá như thế nào về giải pháp phân cấp phân quyền và cơ chế đặc thù để thúc đẩy các chương trình mục tiêu quốc gia?

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu: Phân cấp phân quyền đã rất rõ, từ Nghị quyết 43 để khắc phục những tác động mạnh của đại dịch Covid-19 và các nghị quyết chuyên ngành khác kèm theo; qua việc xây dựng những văn bản pháp quy cho việc thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Đối với tôi, các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chương trình đặc thù, vấn đề là cần phân tích, bố trí đặc thù ở đâu. Như đồng bào dân tộc thiểu số cần có sự phân cấp về mức độ khác nhau: Dân tộc thiểu số ít người, rất ít người, dưới 1 triệu người, dưới 1.000 người, dưới 500 người...

Tôi cũng rất mong có sự rà soát, đánh giá kỹ, và muốn vậy thì phải có sự lưu thông đồng bộ từ cơ sở đến địa phương, Trung ương; giữa các lực lượng. Nói đến vùng dân tộc thiểu số không thể không nhắc đến vai trò của lực lượng vũ trang: Biên phòng, quân sự, công an. Tất cả cùng vào cuộc để giải quyết công việc.

Đọc tiếp