Động lực để Cao Bằng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội

Động lực để Cao Bằng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội

Cao Bằng KINH TẾ
10:05 - 21/11/2023
Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã hỗ trợ nguồn vốn và các cơ chế, chính sách giúp Cao Bằng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Cao Bằng có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 95% dân số, trong đó, dân tộc Tày chiếm 40,83%, Nùng 29,81%, Mông 11,65%, Dao 10,36%, Sán Chỉ 1,49%, Lô Lô 0,54%, và là một trong những tỉnh có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao nhất trong cả nước.

Mấy năm qua, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình) trở thành động lực quan trọng để Cao Bằng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của đồng bào vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 1.462 thôn, bản của 161 xã thuộc 10 huyện, thành phố thụ hưởng chương trình trên, với 10 dự án, 13 tiểu dự án, 15 nội dung, trong đó, ưu tiên nguồn lực của chương trình đầu tư cho các xã, thôn thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu.

Tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu đến hết năm 2025, thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS bình quân mỗi năm giảm từ 4% trở lên, phấn đấu 62 xã và 24 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 85% chiều dài các tuyến đường huyện, đường xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường; hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch; 100% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với điều kiện của người DTTS…

Mekong - ASEAN phỏng vấn ông Hoàng Xuân Anh, Phó Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng về những giải pháp và kết quả sau gần 3 năm thực hiện Chương trình.

Mekong – ASEAN: Ông có thể chia sẻ những mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao mức sống cho đồng bào DTTS tại Cao Bằng, thưa ông?

Ông Hoàng Xuân Ánh: Thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều mô hình, dự án, kế hoạch phát triển sản xuất nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để góp phần phát triển kinh tế cho người dân, đặc biệt là cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, Cao Bằng đã triển khai một số mô hình đạt hiệu quả như:

Mô hình trồng các loại cây làm gia vị, người dân liên kết sản xuất với một số doanh nghiệp triển khai trồng một số cây như gừng, nghệ, ớt, tỏi, sả... tại các huyện Hoà An, Hà Quảng... để chế biến, dùng làm gia vị phục vụ cho thị trường trong nước và đã xuất khẩu sang một số thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước Châu Âu...

Mô hình trồng thuốc lá nguyên liệu, được liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong nhiều năm nay, trong đó doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng, hỗ trợ các vật tư đầu vào (giống, phân bón...) và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Định hướng đến năm 2030, nâng tổng diện tích thuốc lá lên 6.000 - 7.000 ha, tiếp tục thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư, tiêu thụ sản phẩm gắn với sơ chế, chế biến sâu sản phẩm Thuốc lá.

Mô hình trồng cây trúc sào, được trồng tập trung tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (như huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Hà Quảng...). Hiện nay, đã có “Chỉ dẫn địa lý” đối với sản phẩm trúc sào và có 02 sản phẩm (chiếu trúc, chiếu trúc hoạt tính) đạt chứng nhận OCOP 4 sao.

Bên cạnh đó hiện nay tỉnh cũng đã và đang triển khai phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với một số sản phẩm đặc hữu của tỉnh như: Cây thạch đen, dong riềng và chế biến miến dong...

Mekong – ASEAN: Với đặc thù là tỉnh miền núi, quá trình thực hiện chính sách giao đất, giao rừng để phát triển sản xuất có gặp nhiều khó khăn không, thưa ông?

Ông Hoàng Xuân Ánh Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng

Ông Hoàng Xuân Ánh
Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng

Ông Hoàng Xuân Ánh: Tỉnh Cao Bằng với đặc thù là tỉnh miền núi, địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn; có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 547.035,51ha, chiếm 81,6% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; trong đó, diện tích đất có rừng là 380.099,04ha.

Thực hiện các quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp, trong từng giai đoạn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Kiểm Lâm (giai đoạn 1993-1996), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (giai đoạn 1997-2002), Sở Tài nguyên và Môi trường (giai đoạn 2003-2008) tổ chức triển khai thực hiện công tác giao đất, giao rừng.

Đến nay, tổng diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp là 492.543,1 ha. Phần lớn diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh Cao Bằng đã được giao và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Một điểm hạn chế là đất lâm nghiệp được giao gắn liền với rừng trên đất, nhưng rừng chưa được đánh giá cụ thể về chất lượng và giá trị của rừng. Và cho đến nay tỉnh Cao Bằng chưa thể thực hiện giao rừng, cho thuê rừng do thiếu kinh phí.

Mekong – ASEAN: Vậy những giải pháp tiếp theo Cao Bằng sẽ thực hiện như thế nào?

Ông Hoàng Xuân Ánh: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện duy trì diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh đạt trên 534.000 ha; tập trung quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có. Thực hiện chuyển đổi một số diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu chuyển sang quy hoạch rừng sản xuất phục vụ phát triển kinh tế, sử dụng các loại giống cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị rừng sản xuất, tạo vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu các sản phẩm lâm sản, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định đời sống.

Tập trung đẩy mạnh thực hiện các nội dung đột phá lĩnh vực lâm nghiệp như:

Hình thành các vùng trồng cây dược liệu quý thành chuỗi giá trị sản xuất hàng hoá tập trung với quy mô lớn; chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng hiện đại với định hướng phát triển bền vững, khai thác tiềm năng lợi thế sẵn có của tỉnh với mục tiêu phát triển tổng diện tích các cây dược liệu 500 ha, với một số loại đặc hữu có giá trị kinh tế cao như: Hà thủ ô, Giảo cổ lam, Lan kim tuyến, Bảy lá một hoa, Sâm các loại và một số cây trồng khác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu của từng vùng và một số địa phương.

Triển khai trồng rừng trồng, rừng gỗ lớn với tổng diện tích 17.400 ha tại các huyện: Hoà An, Thành Phố, Thạch An, Bảo Lâm, Nguyên Bình, Hà Quảng, Trùng Khánh.

Trồng và phát triển các loại cây lâm sản cho giá trị kinh tế cao: trúc 1.200 ha; hồi 500 ha; quế 1.800 ha tại các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm.

Mekong – ASEAN: Là vùng đất hội tụ nhiều nhóm ngôn ngữ - tộc người khác nhau, Cao Bằng đã làm gì để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, thưa ông?

Ông Hoàng Xuân Ánh: Cao Bằng là vùng đất cổ có bề dày lịch sử văn hóa, là vùng đất điển hình của sự giao thoa và hội nhập văn hóa. Với thành phần đa sắc tộc, nơi quần cư bình hòa lâu đời của các dân tộc như: Tày, Nùng, Kinh, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ... đã góp phần hình thành nên kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc riêng có.

Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Cụ thể, tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 01/4/2020 về bảo tồn và phát huy dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025; UBND tỉnh phê duyệt, triển khai Đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị các Di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2022-2025”.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thường xuyên được quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện thông qua các chương trình, đề tài, đề án, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Đồng thời, tổ chức với nhiều hoạt động, hình thức bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số như: Duy trì tổ chức Liên hoan hát Then đàn tính; duy trì tổ chức ngày Hội văn hóa dân tộc Mông; Ngày hội văn hóa của dân tộc Lô Lô; khôi phục và nâng cao các lễ hội truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc; tổ chức truyền dạy hát Then - đàn tính trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh...

Năm 2020, hoàn thành công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh, lựa chọn những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu để xây dựng hồ sơ đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, tỉnh Cao Bằng có 07 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đặc biệt, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (trong đó có Nghi lễ Then Tày tỉnh Cao Bằng) đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Mekong – ASEAN: Để phát huy chính những thế mạnh trên, Cao Bằng đã có chiến lược gì để đẩy mạnh phát triển ngành du lịch của địa phương?

Ông Hoàng Xuân Ánh: Nhận thức đúng tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh Cao Bằng xác định phát triển du lịch - dịch vụ là nhiệm vụ đột phá chiến lược, quyết tâm xây dựng du lịch Cao Bằng là điểm đến hấp dẫn, thương hiệu của du lịch miền núi Việt Nam.

Với thế mạnh về tài nguyên du lịch đa dạng và đặc sắc, sản phẩm du lịch Cao Bằng đã và đang từng bước được hình thành. Sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, đó là du lịch biên giới, cùng với việc triển khai vận hành thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Du khách qua lại khu cảnh quan sử dụng hộ chiếu, giấy thông hành (do cơ quan có thẩm quyền của mỗi bên cấp), không cần visa. Cùng với đó, các sản phẩm du lịch đặc trưng của Cao Bằng hiện đang khai thác chính bao gồm:

Sản phẩm du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, du lịch làng nghề và du lịch cộng đồng, như: Tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử các khu di tích quốc gia đặc biệt; tham quan các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; các lễ hội... Đầu tư, khai thác các điểm du lịch cộng đồng gắn với phong tục tập quán đặc trưng văn hoá của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng để tăng trải nghiệm cho khách du lịch.

Sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học: như tại vườn quốc gia Phja Oắc, Phja Đén (Nguyên Bình); Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao Vít (Trùng Khánh); Khu du lịch thác Bản Giốc (Trùng Khánh); Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng); Khu bảo tồn thiên nhiên hồ Thăng Hen (huyện Trùng Khánh)...

Sản phẩm du lịch đô thị: tập trung ở thành phố Cao Bằng với các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, phố đi bộ Kim Đồng, Chợ ẩm thực. Ngoài ra, còn có một số điểm tham quan như đền Kỳ Sầm, chùa Phố Cũ, pháo đài cổ, hồ Khuổi Lái.

Ngoài ra, Cao Bằng có các tour du lịch tham quan, mua sắm tại cửa khẩu và nhiều cặp chợ biên giới giao thương với Quảng Tây, Trung Quốc.

Với sự đa dạng về văn hóa của cộng đồng các dân tộc cùng cảnh quan thiên nhiên khác biệt ở mỗi làng/bản, du lịch cộng đồng hứa hẹn sẽ là một trong những sản phẩm du lịch thu hút được số lượng khách du lịch lớn tại Cao Bằng.

Ngày 10/12/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 78/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025 với 07 chính sách nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Chỉ đạo các Sở, Ban ngành và các huyện, thành phố phối hợp triển khai các hoạt động về bảo tồn văn hoá, văn nghệ dân gian gắn với hoạt động du lịch nhằm mục đích gìn giữ, quảng bá và gắn liền với cải thiện sinh kế.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, khai thác nhiều điểm du lịch cộng đồng nổi bật như: Điểm du lịch cộng đồng Pác Rằng (Quảng Hòa), nơi lưu giữ văn hóa truyền thống đặc sắc của người Nùng An; điểm du lịch cộng đồng Khuổi Khon (Bảo Lạc), với giá trị văn hóa đặc sắc của người Lô Lô; làng Tày Khuổi Ky (Trùng Khánh) với vẻ đẹp cổ kính; điểm du lịch cộng đồng bản Giuồng, xã Tiên Thành (huyện Quảng Hòa); bản Pác Búng, xã Độc Lập; bản Phja Thắp, xã Phúc Sen (huyện Quảng Hoà)…

Mekong – ASEAN: Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc tiếp