Thủ tướng chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: VGP. |
Sáng 5/5, tại tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng, với nội dung trọng tâm là thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành một ngày trước đó.
Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Lãnh đạo các bộ, ngành địa phương thông tin về tình hình phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ, bao gồm hàng không, đường thủy, đường bộ, đường sắt; đề xuất một số cơ chế, chính sách để phát triển hạ tầng, trong đó có các dự án: Dự án Vành đai 4 TP HCM; các dự án đường bộ cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Chơn Thành - Gia Nghĩa…
Phát biểu kết luận, về quy hoạch vừa được phê duyệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khi cơ chế, chính sách ưu tiên cộng hưởng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng thì vùng Đông Nam Bộ sẽ phát triển mạnh mẽ. Các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đã được chỉ rõ tại các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và Quy hoạch vùng.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh 5 cụm từ khóa trong tổ chức thực hiện quy hoạch là tăng tốc, đột phá, tiên phong, liên kết chặt chẽ, thực chất và hiệu quả.
6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thực hiện quy hoạch, thứ nhất, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng.
Thứ hai, các đại phương trong vùng Đông Nam bộ cần cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh của vùng (thương mại điện tử, trung tâm logistics tầm cỡ khu vực, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ…) và Trung tâm tài chính quốc tế TP HCM.
Thứ ba, ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng và hướng biển, ngoài các dự án đã triển khai là các dự án hạ tầng giao thông mới như cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, hạ tầng đường sắt, đường thủy…
Thứ tư, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là nhân lực bán dẫn, nghiên cứu.
Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, chuẩn bị tốt các dự án trọng điểm, quan trọng để mời gọi các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược.
Thứ sáu, đẩy mạnh các hoạt động điều phối vùng, triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội và Trung ương ban hành; các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, liên kết các chuỗi đô thị, chuỗi cung ứng, logistic, dịch vụ chất lượng cao.
Thủ tướng lưu ý làm tốt hơn nữa công tác thông tin, truyền thông về việc phát triển vùng, Quy hoạch với tinh thần "Dân biết - Dân bàn - Dân làm – Dân kiểm tra – Dân giám sát - Dân thụ hưởng".
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP. |
Thúc đẩy tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược
Về các dự án cụ thể, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong quá trình xây dựng, hình thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP HCM.
Về Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện thủ tục bổ sung vào quy hoạch cảng biển trong vòng 10 ngày.
Về dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đảm bảo dự án đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương dự án, hoàn thành trước ngày 15/5.
Về dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), Chính phủ đã có Tờ trình Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thẩm tra, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Về dự án đường Vành đai 4 TP HCM, Thủ tướng giao UBND TP HCM hoàn thiện báo cáo, sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tìm phương án cân đối nguồn vốn, tinh thần là huy động cả vốn Trung ương và địa phương, nghiên cứu hợp tác công tư, phát hành trái phiếu Chính phủ…
Thủ tướng yêu cầu cơ bản hoàn thành dự án sân bay Long Thành trong năm 2025, khánh thành nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất vào dịp 30/4/2025; đẩy nhanh tiến độ một số dự án cao tốc, nhất là tuyến TP HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu.
Kết thúc hội nghị, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, dự thảo Kết luận của Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện Quy hoạch, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp gắn với cơ quan chủ trì và thời hạn hoàn thành, mục tiêu đưa vùng Đông Nam Bộ - Thành đồng Tổ quốc trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước tiếp tục phát huy vai trò "Thành đồng Tổ quốc" trong phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mới.
Thủ tướng trao quyết định quy hoạch cho các địa phương. Ảnh: VGP. |
Liên quan đến Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, hồ sơ đang được hoàn thiện, tháng 5 này, nhà đầu tư sẽ cử đoàn sang làm việc, chuẩn bị hồ sơ liên doanh xây dựng.
Về các ý kiến băn khoăn khi xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có làm yếu năng lực của Cảng Cái Mép - Thị Vải, ông Phan Văn Mãi cho biết việc hai cảng hợp lực để phát triển đạt 7 điểm, còn suy yếu Cảng Cái Mép - Thị Vải chỉ có 3 điểm.
"Nếu cùng nhau hợp lực sẽ là tổ hợp cảng trung chuyển quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của cảng trung chuyển quốc tế tại Việt Nam trên toàn cầu", ông nói và nhìn nhận đây là dự án của vùng, của cả nước, không phải của TP HCM hay của Bà Rịa - Vũng Tàu.
Về dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài ông Mãi cũng cho biết, TP HCM đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định báo cáo tiền khả thi, dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 5 này, có thể khởi công dự án vào dịp 30/4/2025.