Dù lãi lớn, nhiều doanh nghiệp thủy sản vẫn không hoàn thành mục tiêu năm

THỦY SẢN VHC
13:42 - 10/02/2023
Dù lãi lớn, nhiều doanh nghiệp thủy sản vẫn không hoàn thành mục tiêu năm
0:00 / 0:00
0:00
Kết quả này diễn ra trong bối cảnh ngành thuỷ sản đối mặt với nhiều khó khăn trong quý 4/2022.

Theo SSI Research, trong năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam đã có một năm phục hồi và tăng trưởng vượt bậc. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt mốc cao nhất với hơn 11 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu tôm và cá tra đạt kỷ lục với lần lượt 4,3 tỷ USD và 2,4 tỷ USD, kết quả này chủ yếu đến từ mức tăng trưởng cao kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm.

Ở nửa đầu năm 2022, cả xuất khẩu tôm và cá tra đều tăng trưởng dương nhờ nhu cầu cao và giá tăng (giả bán bình quân tôm và cá tra sang thị trường Mỹ lần lượt tăng 11% và 55% so với cùng kỳ).

Trong nửa cuối năm, lạm phát cao ở các nền kinh tế lớn đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, trong khi hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Do đó, khối lượng xuất khẩu nhanh chóng giảm tốc trong nửa cuối năm 2022.

Một trong những doanh nghiệp thắng lớn trong năm 2022 là CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC). Theo đó, quý 4/2022, công ty này mang về 2.484 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, giảm gần 8% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt ghi nhận ở mức 199 tỷ đồng, giảm 56%.

Dù vậy, nhờ kết quả kinh doanh bứt phá trong nửa đầu năm, lũy kế 12 tháng VHC vẫn đạt được doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay với lần lượt là 13.239 tỷ đồng và 2.014 tỷ đồng, tương ứng vượt 1% và 25% kế hoạch năm đã đề ra.

Tương tự, doanh thu hợp nhất quý 4/2022 của CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) cũng ghi nhận giảm 16% so với cùng kỳ năm trước (đạt 1.210 tỷ đồng), kéo theo lợi nhuận giảm 23% về còn đạt 83,4 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2022, FMC thu về 5.701 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 9% so với năm 2021 và vượt 7% mục tiêu doanh thu của năm. Kết quả doanh thu năm 2022 cũng là kết quả cao nhất trong vòng 26 năm hoạt động của Sao Ta. Năm 2022, Sao Ta thu về 328 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 13% so với kết quả thực hiện 2021.

Ngược lại, CTCP Nam Việt (Navico, HoSE: ANV) trong quý 4 lại báo lãi tăng 96%, đạt 106 tỷ đồng. Lũy kế năm 2022, Navico thu về về 4.896 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 39%; lợi nhuận sau thuế đạt 673 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2021. So với kế hoạch năm đề ra, Navico đạt 99% kế hoạch doanh thu và 93% kế hoạch lợi nhuận.

Sau Navico, CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (HoSE: IDI) là doanh nghiệp tiếp theo không hoàn thành được mục tiêu năm đã đề ra. Năm 2022, IDI đặt mục tiêu kinh doanh hợp nhất với 8.300 tỷ đồng doanh thu thuần và 900 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Cả năm doanh nghiệp đạt 7.930 tỷ đồng doanh thu (tăng 38% so với năm 2021) và 559 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng gấp 4 lần).

CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) không tránh khỏi tình trạng “u ám” khi doanh thu quý 4/2022 của công ty mẹ đã giảm 43% so với quý 4/2021.

Dù vậy, nhờ nguồn thu cổ tức từ các công ty con, lợi nhuận sau thuế quý 4 và cả năm 2022 của MPC đều tăng lần lượt gấp 2,5 lần và hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 122,6 tỷ đồng và 802,2 tỷ đồng. So với kế hoạch năm đề ra, MPC mới chỉ hoàn thành 63% kế hoạch về lợi nhuận.

Tương tự, CTCP Camimex Group (HoSE: CMX) cũng chỉ hoàn thành 74% kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm về doanh thu và 31% về lợi nhuận trong năm 2022, tương ứng với kết quả 2.900 tỷ đồng doanh thu (tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021) và 95,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 13%). Kết quả này một phần do quý 4 doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận giảm 64% về còn 8,4 tỷ đồng.

2023 sẽ là một năm thách thức của doanh nghiệp thủy sản

Các chuyên gia SSI cho rằng, năm 2023 lạm phát sẽ tiếp tục là một thách thức đối với ngành thủy sản trong bối cảnh hàng tồn kho còn lại luân chuyển chậm. Dự báo hàng tồn kho sẽ được xử lý hoàn toàn trong quý III/2023, với các đơn đặt hàng bắt đầu nhận được vào thời điểm này.

Giá bán bình quân có thể sẽ giảm 20-30% so với cùng kỳ trong năm 2023 và chi phí thức ăn thủy sản cũng sẽ giảm theo. Với lượng đơn đặt hàng tăng chậm, nguồn cung sẽ không thiếu hụt đối với cả tôm và cá nguyên liệu. Qua đó dự báo giá nguyên liệu tôm và cá sẽ giảm nhẹ do nhu cầu yếu cho đến hết nửa đầu năm 2023.

Theo SSI Research

Theo SSI Research

Theo SSI, tỷ suất lợi nhuận gộp của ngành thủy sản sẽ giảm vào năm 2023. Với lãi suất dự kiến sẽ ở mức cao trong cả năm, chi phí tài chính tăng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận ròng, đặc biệt là đối với những công ty có tỷ lệ đòn bẩy cao.

Trong bối cảnh người tiêu dùng giảm mức tiêu thụ, doanh thu cá tra sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với doanh thu tôm. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại được cho là chất xúc tác đối với ngành vào năm 2023. Mặc dù cần thêm thời gian để đánh giá tác động định lượng của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với hoạt động xuất khẩu cá tra, các chuyên gia SSI tin rằng điều đó sẽ có lợi cho doanh thu của ngành vì đây là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, Trung Quốc là một thị trường nhạy cảm về giá. Giá bán bình quân sang thị trường này luôn ở mức thấp hơn khoảng 40% so với giá bán bình quân sang thị trường Mỹ. Báo cáo của SSI cho rằng, doanh thu từ Trung Quốc sẽ bù đắp một phần cho sự suy giảm doanh thu cá tra từ thị trường Mỹ và EU, nhưng không đủ để mang lại cơ hội phục hồi lợi nhuận của các công ty trong nửa đầu năm 2023. Điều này có thể là do mức lợi nhuận so sánh cao vào năm 2022.

Các chuyên gia vẫn quan ngại về mức độ không chắc chắn xung quanh các chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc. Dự báo, lợi nhuận của các công ty cá tra sẽ giảm trong năm 2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.