Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: VGP |
Vùng đất "đầu gối Trường Sơn", "vai kề biên giới"
Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 14/12, tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Bình Phước có vị trí địa lý chiến lược "đầu gối Trường Sơn", "vai kề biên giới" nước bạn Campuchia, giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, kết nối kinh tế, văn hóa, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, tiểu vùng Mekong và ASEAN.
Sau hơn 25 năm kể từ ngày tái lập, từ một tỉnh nghèo, khó khăn, quy mô nền kinh tế của tỉnh Bình Phước năm 2024 tăng gấp 92 lần so với năm 1997. Tốc độ tăng trưởng GRDP hơn 25 năm qua luôn ở mức cao so với bình quân chung cả nước, đạt 8,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 108,4 triệu đồng/người/năm. Thu hút đầu tư nước ngoài lũy kế đến năm 2024 đạt gần 4,5 tỷ USD. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng đồng bộ. Tốc độ đô thị hóa đạt tỷ lệ hơn 41%.
Quy hoạch tỉnh Bình Phước được công bố là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị với tầm nhìn chiến lược, tổ chức không gian phát triển dựa trên tiềm năng, tài nguyên, vị thế chiến lược, giá trị văn hoá và con người. Đặc biệt là hệ thống hạ tầng liên vùng, xuyên Á sẽ kết nối không gian kinh tế TP HCM - Bình Dương - Bình Phước; hành lang kinh tế Tây Nguyên - Đông Nam Bộ - tiểu vùng Mekong.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Quy hoạch sẽ tạo ra không gian mới, tầm nhìn mới, giá trị mới để hiện thực hóa khát vọng của các thế hệ lãnh đạo, của Đảng bộ và nhân dân: Đưa Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, là đầu mối kết nối kinh tế với khu vực Tây Nguyên, có không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; là "điểm đến hấp dẫn" của vùng Đông Nam Bộ.
"Cơ sở pháp lý đã có, tiềm năng đã được nhận diện, định hướng phát triển đã được xác định, giải pháp đã rõ, vấn đề còn lại mang tính quyết định là tư duy, đột phá, năng động hơn, sáng tạo hơn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Phước, cùng các doanh nghiệp, doanh nhân, các cơ sở nghiên cứu, giáo dục và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ cùng với Bình Phước tổ chức thực hiện quy hoạch,” Phó Thủ tướng nói.
Đồng bộ hơn, nhanh hơn, xanh hơn, bền vững hơn
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, với lợi thế của địa phương đi sau, trong quá trình thực hiện quy hoạch Bình Phước phải "đồng bộ hơn, bài bản hơn, nhanh hơn, xanh hơn, bền vững hơn".
Trao đổi về chìa khoá phát triển nhanh, bền vững, đúng hướng của Bình Phước, Phó Thủ tướng cho rằng tỉnh phải cụ thể hoá quy hoạch chung bằng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch ngành đồng bộ, đồng thời; có cơ chế đặc thù thu hút các nhà khoa học, tư vấn lập quy hoạch, nhà đầu tư hàng đầu.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VGP. |
Bình Phước cần đẩy mạnh kết nối giao thông giữa các trục phát triển, nhằm giảm chi phí thời gian, logistics cho các doanh nghiệp ở Bình Phước; đồng thời phát huy vị trí kết nối cửa ngõ Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, Đông Nam Á, nhằm "rút ngắn khoảng cách trong cuộc đua tranh với các địa phương trong vùng".
Với tiềm năng thuỷ điện, năng lượng tái tạo, Bình Phước có sức hấp dẫn rất lớn các nhà đầu tư sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch trong kỷ nguyên chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cam kết giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 (Net Zero).
Phó Thủ tướng mong muốn Bình Phước phải xây dựng những khu công nghiệp xanh, sạch, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường…, để sản phẩm của các doanh nghiệp không phải đóng thuế carbon, cạnh tranh sòng phẳng ở các thị trường trên thế giới. Những dự án đầu tư về hoá chất, công nghiệp phải có tiêu chuẩn xanh nghiêm ngặt, hài hoà với tiêu chuẩn của các nước phát triển xanh.
Tỉnh cần có chiến lược thu hút các dự án, lĩnh vực đầu tư công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, trong đó, các dự án công nghiệp phải tiếp cận tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, tạo ra các doanh nghiệp cộng sinh trong khu công nghiệp, khu kinh tế không khí thải, không rác thải, không nước thải. Nhà đầu tư phải cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, làm chủ các chuỗi giá trị.
Kinh tế nông nghiệp chú trọng chất lượng cao, sinh thái, công nghiệp hoá, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, hình thành các hệ sinh thái bền vững, phát triển du lịch nông nghiệp.
Đặc biệt, Bình Phước cần chú trọng thực hiện phân vùng đầu tư theo tiểu vùng sinh thái để vừa tận dụng lợi thế sức lan tỏa mạnh mẽ từ công nghiệp xanh, nông nghiệp hiện đại kết hợp với kinh tế đô thị. Đồng thời, tập trung phát triển hệ thống đô thị tạo động lực lan tỏa cho phát triển kinh tế, liên kết vùng đô thị vùng, đặc biệt là tại khu vực tam giác phát triển gồm thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Phước dành nguồn lực Nhà nước để hiện thực hoá công cuộc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tránh những khó khăn, bất cập, hạn chế nhiều đô thị, nhiều địa phương gặp phải như chưa phát triển đã ô nhiễm, tắc nghẽn, ngập lụt, quá tải hạ tầng xã hội.
Phó tướng cũng đề nghị tỉnh Bình Phước trong phát triển hạ tầng xã hội cần làm cho "yếu tố bản sắc văn hoá thấm đẫm trong từng bản thiết kế, quy hoạch, từng mái nhà, từng khu dân cư", nhằm bảo tồn, phát huy không gian văn hoá của các dân tộc qua sinh kế, đời sống hàng, sinh hoạt ngày của người dân.
Bên cạnh đó, làm tốt hơn nữa trong xây dựng chính quyền phục vụ thông qua chuyển đổi số, kinh tế số, trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế, quản lý nhà nước cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
Trước sự tham dự của đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Phó Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư trực tiếp tìm hiểu tổng thể hơn về tầm nhìn, không gian phát triển mới, những tiềm năng, thế mạnh, cơ hội của Bình Phước, xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững theo những định hướng, ưu tiên của quy hoạch tỉnh.
Phó Thủ tướng tin tưởng, với sự khởi đầu hết sức tốt đẹp, cùng với vốn quý là lòng tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa, tinh thần vượt khó, năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Phước, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, Bình Phước sẽ bước đi đầy tự tin, với sức trẻ, nhiệt huyết để bước vào kỷ nguyên mới để phát triển nhanh, bền vững, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 doanh nghiệp với 32 dự án có tổng số vốn đầu tư 628,7 triệu USD. Trao thư quan tâm của UBND tỉnh cho 3 doanh nghiệp, gồm: CTCP Tập đoàn Trường Tươi, CTCP Đầu tư bất động sản Thành Phương, CTCP Tập đoàn TH.
UBND tỉnh Bình Phước trao giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư. Ảnh: VGP. |
Đồng thời, ký bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Bình Phước với Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam và công ty TNHH MTV Greenity Hậu Giang.
Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 và được điều chỉnh tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 24/10/2024.
Quy hoạch đặt ra mục tiêu tổng quát là đến năm 2030 Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là "điểm đến hấp dẫn" của vùng Đông Nam Bộ, GRDP bình quân/người đạt 180 triệu đồng (tương đương 7.500 USD). Thu ngân sách đạt 30.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%. Giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh thành lập mới 15.000 doanh nghiệp…
Đến năm 2050, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước; không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ.
Theo quy hoạch, Bình Phước cũng ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối liên vùng gồm: Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Phát triển hệ thống kết nối giao thông giữa 3 trục phát triển và các tuyến đường chính của tỉnh.
Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP HCM - Lộc Ninh; tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên, đoạn Chơn Thành - Đắk Nông. Quy hoạch sân bay quân sự Technic chuyển thành sân bay chuyên dùng Hớn Quản, diện tích khoảng 350ha. Đầu tư xây dựng 3 cảng cạn (tại cửa khẩu quốc tế Hoa Lư quy mô khoảng 25 ha, tại Chơn Thành khoảng 46 ha, tại Đồng Phú khoảng 40 ha).
Bình Phước khánh thành, khởi công loạt dự án quan trọng
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự lễ động thổ cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước; khởi công giai đoạn 2 khu công nghiệp Becamex - Bình Phước và dự lễ khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sản xuất lốp ô tô Haohua tại khu công nghiệp Minh Hưng – Sikico.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước và giai đoạn 2 khu công nghiệp Becamex Bình Phước. Ảnh: VGP. |
Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là một trong 8 dự án trọng điểm quốc gia về giao thông vận tải, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là tuyến giao thông chiến lược, được quy hoạch kết nối với Tây Nguyên xuyên qua các trung tâm công nghiệp sản xuất lớn của Bình Phước, Bình Dương hướng về TP HCM, kết nối đồng bộ với hàng loạt tuyến cao tốc, cảng biển và sân bay quốc tế Long Thành. Dự án có tổng chiều dài khoảng 70km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Bình Phước là 6,6km, qua Bình Dương là 52 km.
Còn khu công nghiệp Becamex - Bình Phước nằm trên địa bàn thị xã Chơn Thành, với tổng diện tích quy hoạch sử dụng đất hơn 4.500 ha. Trong đó, khu công nghiệp có diện tích hơn 2.448 ha, còn lại là khu dân cư. Dự án xây dựng trên mô hình kết hợp giữa công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị với tổng ngân sách đầu tư lên tới 20.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1, dự án đã thu hút vốn đăng ký hơn 1,1 tỷ USD.
Cũng trong ngày 14/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã dự lễ khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sản xuất lốp ô tô Haohua tại Khu công nghiệp Minh Hưng – Sikico.
Nhà máy sản xuất lốp ô tô Haohua có tổng diện tích giai đoạn 1 là 43 ha, tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, công suất dự kiến 14,4 triệu bộ lốp/năm. Tại lễ khánh thành, UBND tỉnh Bình Phước đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giai đoạn 2 của dự án với tổng vốn đầu tư là 280 triệu USD và dự kiến sau năm 2025 sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 3 với tổng số vốn 120 triệu USD.
Khi hoàn thành và đi vào hoạt động tối đa, dự án sẽ đạt quy mô doanh thu hàng năm lên tới 1,4 tỷ USD, đưa Bình Phước trở thành một trong những trung tâm sản xuất lốp xe ô tô của cả nước và khu vực.