Chiều 26/11, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 2 của Hội đồng - Ảnh: VGP |
Chiều 26/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, chủ trì Hội nghị lần thứ hai của Hội đồng với chủ đề tham vấn Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh từ sau Đại hội lần thứ XIII, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng 6 vùng trong cả nước.
Quốc hội, Chính phủ ban hành các Nghị quyết triển khai, cụ thể hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội các vùng, trong đó có vùng Đông Nam Bộ.
Xác định quy hoạch phải đi trước một bước, phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược; giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thách thức, đồng thời chỉ ra, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của nơi được quy hoạch. Hiện nay, cả nước đã có 107/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt. Qua đó, việc triển khai lập và hoàn thiện quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ trong thời điểm này có rất nhiều thuận lợi.
Thủ tướng yêu cầu Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết Phát triển Vùng và Quy hoạch cấp Quốc gia vào Vùng; cụ thể hóa việc bố trí không gian phát triển các ngành quốc gia trên địa bàn; triển khai nghiên cứu các dự án mang tính kết nối quan trọng giữa các tỉnh trong vùng, liên vùng và liên ngành.
Việc xây dựng Quy hoạch Vùng phải phát huy nội lực con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử và các nguồn lực bên ngoài về tài chính, công nghệ, quản lý… để phát triển toàn diện, bền vững vùng Đông Nam Bộ - vùng động lực, cực tăng trưởng của cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển; giúp "mở đường", tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của cả nước, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.
Xác định rõ vị trí vai trò của quy hoạch, ngay từ những ngày đầu tổ chức lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng để triển khai lập quy hoạch vùng.
Quy hoạch vùng Đông Nam bộ đã nghiên cứu những lợi thế, tiềm năng cũng như hạn chế của vùng và đưa ra những nhận diện, đề xuất có tính mới, đột phá.
Thứ nhất, quy hoạch khẳng định quan điểm phải đổi mới tư duy về phát triển vùng, chủ động nắm bắt, tận dụng các cơ hội, tập trung nguồn lực giải quyết các điểm nghẽn, mâu thuẫn, xung đột, cản trở trong phát triển. Trong đó, việc quan trọng là phải tạo các cơ chế, chính sách để hình thành các động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới.
Thứ hai, quy hoạch nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới mô hình tăng trưởng, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp, dịch vụ hiện đại trở thành các động lực tăng trưởng mới như công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, dịch vụ tài chính (gắn với đưa TP HCM trở thành trung tâm tài chính toàn cầu)...
Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành và phát triển nhanh các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
"Đây là những định hướng hết sức căn bản để vùng Đông Nam bộ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế, đồng thời thực hiện vai trò đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thứ ba, quy hoạch vùng xác định rõ hệ thống các hành lang phát triển chủ yếu của vùng. Cùng với đó là cụ thể hóa các hành lang kinh tế trên địa bàn vùng được nêu trong quy hoạch tổng thể quốc gia.
Đồng thời, bổ sung các hành lang kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với vùng, bổ trợ cho các hành lang kinh tế của quốc gia, tăng cường liên kết và thúc đẩy phát triển các tiểu vùng. Ngoài ra, quy hoạch vùng đặt ra vấn đề khai thác không gian dọc theo sông Sài Gòn, sông Đồng Nai đóng vai trò một không gian xanh - sinh thái kết nối vùng.
Thứ tư, quy hoạch định hướng tổ chức lại không gian phát triển công nghiệp vùng gắn với chia sẻ chức năng giữa các địa phương trong vùng, đồng thời tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi công năng, mô hình phát triển các khu, cụm công nghiệp để dành không gian phát triển đô thị hiện đại tại các khu vực mật độ cao hiện hữu.
Thứ năm, quy hoạch nêu bật yêu cầu phải hình thành mạng lưới kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại; góp phần giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng. Chú trọng đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối thông suốt giữa các đô thị, trung tâm kinh tế, cảng biển của vùng và kết nối liên vùng.
Thứ sáu, quy hoạch xác định rõ hơn các nhiệm vụ chủ yếu trong liên kết vùng, cụ thể là tập trung thúc đẩy và nâng cao hiệu quả phát triển dọc theo các hành lang kinh tế; phân bố lại không gian sản xuất công nghiệp gắn với phát triển đô thị hiện đại; phát triển dịch vụ logistics, du lịch; khai thác không gian phát triển gắn với sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và xử lý các vấn đề môi trường, bảo đảm an ninh nguồn nước mang tính liên tỉnh, liên vùng.
Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, của vùng và các địa phương trong vùng.
Vùng Đông Nam Bộ gồm TP HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Vùng có diện tích 23.551 km2, chiếm 7,1% diện tích cả nước; dân số khoảng 18,8 triệu người, chiếm 18,9% dân số cả nước (năm 2022) và là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước.
Vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Năm 2022, GRDP vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 31% cả nước; xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38% cả nước; GRDP bình quân đầu người của vùng Đông Nam Bộ gấp 1,64 lần cả nước; tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 66,5%, gấp 1,8 lần trung bình cả nước.