Đức bật đèn xanh cho Ba Lan viện trợ xe tăng tới Ukraine

chiến sự Nga - Ukraine
09:08 - 23/01/2023
Xe tăng Leopard 2. Ảnh: AP
Xe tăng Leopard 2. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết nước này sẽ không ngăn cản Ba Lan nếu nước này muốn chuyển giao các xe tăng Leopard 2 tới chiến trường Ukraine.

"Hiện tại, họ chưa đưa ra đề nghị này. Nhưng chúng tôi sẽ không ngăn cản nếu họ đưa ra đề nghị", Ngoại trưởng Đức Baerbock nói với Đài truyền hình Pháp LCI trong một cuộc phỏng vấn bên lề cuộc họp nội các Pháp - Đức kỷ niệm 60 năm hiệp ước Elysée, theo CNN.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. Ảnh: LCI

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. Ảnh: LCI

Khi được hỏi liệu điều này có đồng nghĩa Đức sẽ không ngăn Ba Lan chuyển xe tăng chủ lực Leopard 2 cho Ukraine hay không, bà Baerbock nói: "Các bạn đã hiểu đúng vấn đề".

"Chúng tôi có các quy tắc gọi là kiểm soát người dùng cuối cùng", bà Baerbock giải thích sự do dự của Đức trong quyết định chuyển xe tăng chủ lực tới vùng chiến sự.

Luật pháp của Đức quy định "vũ khí dùng cho chiến tranh chỉ có thể được sản xuất, vận chuyển và bán trên thị trường khi có sự cho phép của chính phủ liên bang". Theo đó, chính phủ phải đồng ý với bất kỳ hoạt động vận chuyển vũ khí do nước này sản xuất nào đến vùng chiến sự. Người đồng ý và đưa ra quyết định cuối cùng là Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz trước đó nhấn mạnh rằng, tất cả các quyết định viện trợ vũ khí sẽ đưa ra trên cơ sở phối hợp của các đồng minh, bao gồm cả Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cùng ngày cho biết ông mong đợi có một quyết định về chuyển giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Quan chức này nhận định Berlin sẽ không đưa ra quyết định vội vàng vì chính phủ cần xem xét nhiều yếu tố, trong đó có hệ quả đối với an ninh của người dân Đức.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AP

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AP

Trong những tuần qua, Đức đã chịu áp lực lớn về việc có chuyển xe tăng Leopard 2 cho Kiev hay không. Tuy nhiên, đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thủ tướng Scholz lo ngại những động thái bất ngờ có thể khiến cuộc xung đột Nga - Ukraine leo thang.

Các nguồn thạo tin của Reuters cho biết, Berlin sẵn sàng gửi xe tăng cho Kiev, với điều kiện Mỹ cũng đồng ý viện trợ xe tăng Abrams của họ cho Ukraine trước. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ khẳng định chính quyền Tổng thống Joe Biden không sẵn sàng cho kế hoạch này.

Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine sắp bước sang tháng thứ 12, các đồng minh NATO đang tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cung cấp các hệ thống vũ khí ngày càng tinh vi, tuy nhiên cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ leo thang xung đột.

Một số quốc gia thành viên NATO đã gửi tín hiệu sẵn sàng chuyển xe tăng cho Kiev. Ba Lan tuyên bố có thể chuyển xe tăng Leopard 2 cho Kiev mà không cần sự chấp thuận của Đức, còn Pháp đồng ý cung cấp xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC.

Trong cuộc gặp gỡ với cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 22/1 tại thủ đô Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục nhắc lại lời kêu gọi viện trợ xe tăng. "Chúng tôi cần thêm nhiều khí tài hơn, như xe tăng, máy bay, tên lửa tầm xa", ông Zelensky nói.

Ukraine khẳng định các xe tăng chiến đấu bọc thép hạng nặng của phương Tây sẽ giúp lực lượng bộ binh nước này cơ động hơn và được bảo vệ tốt hơn trước một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga trong thời gian tới. Ngoài ra, các khí tài này cũng sẽ giúp Ukraine giành lại một số lãnh thổ đã bị Nga kiểm soát.

Xe tăng chiến đấu Leclerc XLR. Ảnh: Reuters

Xe tăng chiến đấu Leclerc XLR. Ảnh: Reuters

Cuối tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiết lộ về khả năng gửi xe tăng Leclerc tới Ukraine. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh rằng viện trợ xe tăng phải đảm bảo không làm leo thang tình hình, phải tính đến thời gian huấn luyện binh sĩ Ukraine và không ảnh hưởng đến an ninh của Pháp. Ông cho biết thêm, động thái này sẽ dựa trên cơ sở phối hợp với các đồng minh như Đức trong những tuần tới.

Trong khi đó, Nga tiếp tục nhấn mạnh bất cứ vũ khí nào phương Tây đổ về Ukraine sẽ không giúp thay đổi tiến trình của cuộc xung đột, mà chỉ dẫn tới đổ máu không cần thiết. "Xe tăng Đức sẽ cháy rụi trên chiến trường Ukraine, giống như những vũ khí khác của phương Tây", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo.

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.