EU vẫn chia rẽ về vấn đề áp giá trần khí đốt

NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU
08:07 - 20/10/2022
EU không thể đi tới thống nhất về việc áp giá trần năng lượng do nhiều lo ngại. Ảnh: AP
EU không thể đi tới thống nhất về việc áp giá trần năng lượng do nhiều lo ngại. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Nhằm hạ giá năng lượng, các nhà lãnh đạo của 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ cùng họp lần thứ 2 vào 20/10, tuy nhiên các luồng ý kiến trái chiều trong khối đồng nghĩa với việc EU không thể áp giá trần khí đốt lúc này.

Trong bối cảnh lạm phát năng lượng gia tăng, khối 27 quốc gia này dự kiến sẽ nhóm họp về vấn đề đồng thuận một mức giá chuẩn cho việc mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng và mua khí đốt chung. Đề xuất này được đưa ra vài tháng sau khi EU thông qua cắt giảm tiêu thụ và áp dụng thuế đối với lợi nhuận thu được trong ngành năng lượng.

Tuy nhiên, đề xuất áp giá trần này không nhận được sự đồng thuận của các thành viên. Trên thực tế, các luồng ý kiến trong khối vẫn luôn chia rẽ về vấn đề làm thế nào để giới hạn giá khí đốt có tác dụng ngăn chặn lạm phát cao và ngăn chặn suy thoái nếu Nga cắt giảm dòng khí đốt.

Theo Reuters, trong khi có 15 nước trong khối gồm Pháp và Ba Lan muốn xúc tiến một số hình thức giới hạn giá khí đốt, các nước này lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nước khác. Trong số phản đối có 2 nền kinh tế top đầu châu Âu là Đức và Hà Lan - những khách hàng khí đốt lớn nhất, đồng thời là trung tâm buôn bán khí đốt lớn tại khu vực này.

Do đó nếu nhìn nhận vào tương lai của đề xuất, nhiều chuyên gia cho rằng một thỏa thuận sẽ rất khó có thể xảy ra. Các bộ trưởng năng lượng của EU sẽ gặp lại nhau vào tuần tới nhưng một nhà ngoại giao cấp cao khác của EU cho biết mình không mong đợi các quyết định chi tiết hơn trước tháng 11.

Ngoài bất đồng về giới hạn giá năng lượng, EU cũng đang gặp một số bất đồng về việc chi tiêu khẩn cấp để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng lên nền kinh tế cũng như 450 triệu công dân của mình.

Cụ thể, trong khi một số quốc gia kêu gọi khối phát hành khoản nợ chung mới, các thành viên khác lại cho rằng hàng trăm tỷ euro chưa được sử dụng từ các chương trình trước đó nên được chi tiêu trước.

Một bất đồng khác là liệu EU có nên cung cấp cứu trợ ngay lập tức thông qua trợ cấp trực tiếp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp hay nên đầu tư vào năng lượng xanh để làm cho khối bền vững hơn trong tương lai.

Tuy Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel nhấn mạnh vào việc EU đồng lòng, lợi ích đa dạng cũng như tình hình năng lượng khác biệt tại mỗi nước cùng đồng nghĩa với việc cuộc họp này có nguy cơ không đi đến hành động cụ thể được.

Theo nhận định của E3G, một tổ chức tư vấn chuyên về chuyển đổi khí hậu, sự chia rẽ giữa các quốc gia EU có thể làm suy yếu độ tin cậy của các giải pháp được khối này đưa ra.

Liên quan tới vấn đề Ukraine, cuộc họp sắp tới của EU cũng sẽ thảo luận về các phương án hỗ trợ nhiều hơn cho nước này như cung cấp thiết bị năng lượng, giúp khôi phục nguồn cung cấp điện và tài chính dài hạn để tái thiết đất nước.

EU cũng chỉ trích Nga vì những hành động không kích các cơ sở hạ tầng thiết yếu tại Ukraine, tuy nhiên dự kiến ​​sẽ không hỗ trợ thêm các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow. Trong khi đó, khối này đã bắt đầu áp đặt một vòng trừng phạt lên Iran vì đã cung cấp UAV cho quân đội Nga.

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.