Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản hay tạm dừng thắt chặt tiền tệ?

LÃI SUẤT FED
18:59 - 21/03/2023
Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản hay tạm dừng thắt chặt tiền tệ?
0:00 / 0:00
0:00
Tâm điểm thị trường tài chính thế giới tuần này đổ dồn vào cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 21-22/3 khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ đưa ra quyết định về lãi suất.

Câu hỏi mà giới đầu tư đang trông đợi là Fed sẽ tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát hay tạm dừng trong bối cảnh những vấn đề của ngành ngân hàng nước này đang căng thẳng.

Tình thế khó của Fed

Đầu tháng này, Fed dường như đã sẵn sàng tăng lãi suất từ 25 đến 50 điểm cơ bản, lần tăng thứ 9 liên tiếp, nhằm đối phó với lạm phát cao hơn mục tiêu 2%.

Chủ tịch Fed Jerome Powell khi đó đã để ngỏ khả năng tăng lãi suất với bước nhảy lớn hơn trong cuộc họp tháng 3, trong bối cảnh có những tín hiệu cho thấy nền kinh tế lại đang tăng tốc ngoài dự kiến.

"Không có dữ liệu nào cho thấy rằng chúng tôi đã thắt chặt quá nhiều", ông Powell nói trong cuộc điều trần hôm 7/3 trước Uỷ ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ.

Một năm vừa qua, trong chu kỳ thắt chặt định lượng mạnh tay nhất kể từ thập niên 1980, Fed đã có 8 lần nâng lãi suất liên tiếp. Đáng chú ý là 4 đợt tăng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp và 1 đợt tăng 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất cơ bản lên mức 4,25-4,5% vào tháng 12/2022.

Trong khi đó, đợt nâng mới đây nhất diễn ra vào tháng 2, với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 4,5-4,75%.

Tuy nhiên, câu chuyện bắt đầu thay đổi khi 3 ngân hàng là Silvergate Bank, Silicon Valley Bank và Signature Bank lần lượt sụp đổ đưa Fed vào một tình thế khó, buộc Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông phải lựa chọn xem đâu là vấn đề mà cơ quan này phải đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu: xử lý chấn thương thị trường tài chính hay tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát.

Việc tăng lãi suất có thể gia tăng căng thẳng cho cuộc khủng hoảng ngân hàng và khiến giới đầu tư lo lắng. Mặt khác, việc tạm dừng thắt chặt có thể báo hiệu rằng Fed lung lay vào khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng hoặc nền kinh tế.

Hôm thứ Hai, 20/3, một số nhà phân tích tài chính quốc tế đã cảnh báo rằng loạt biến cố những ngày qua có thể dẫn tới những thay đổi căn bản trong cách thức vận hành của hệ thống ngân hàng. Nếu các ngân hàng đối mặt với sự giảm sút liên tục của các giao dịch tiền gửi không được bảo hiểm của khách hàng doanh nghiệp, họ sẽ giảm cấp vốn tín dụng, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lực lượng tạo công ăn việc làm quan trọng trong nền kinh tế.

Nhớ lại thời điểm 2008, Fed có lúc đã chần chừ trong việc cắt giảm lãi suất khi cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng trở nên căng thẳng vì một số nhà hoạch định chính sách lo ngại lạm phát bị đẩy lên cao do giá dầu tăng vọt.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, nếu Fed trở nên kém quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống lạm phát và cuộc khủng hoảng này được giải quyết nhanh hơn, vấn đề lạm phát có thể trở nên trầm trọng hơn.

Chưa kể, hiện tại, lạm phát Mỹ đang ở mức cao nhất trong bốn thập kỷ. Lạm phát lõi (không bao gồm hai nhóm mặt hàng có nhiều biến động là thực phẩm và năng lượng) cũng đang ở mức rất cao.

"Yêu cầu đầu tiên của doanh nghiệp đối với Fed là đảm bảo hệ thống ngân hàng khoẻ mạnh và ổn định. Nhưng nếu những biện pháp này khiến cho các điều kiện tài chính nới lỏng, sẽ không thể biết được áp lực lạm phát sẽ đi chệch hướng như thế nào", bà Diane Swonk, chuyên gia kinh tế trưởng của KPMG nhận định.

Giới chuyên gia dự báo gì?

Dự báo về kịch bản điều chỉnh lãi suất của Fed, ngân hàng Goldman Sachs cho rằng Fed sẽ không nâng lãi suất trong tuần này. Fed sẽ đưa ra một lập trường ngắn hạn thận trọng hơn để tránh làm gia tăng nỗi lo sợ trên thị trường về sức ép đối với hệ thống ngân hàng, nhóm phân tích của Goldman Sachs nhận định.

Goldman Sachs cũng tiếp tục dự đoán mức tăng 0,25% tại các cuộc họp vào tháng 5, tháng 6 và tháng 7, đưa lãi suất cuối cùng ở mức 5,25 đến 5,5%.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics nhận định với CNBC rằng, chắc chắn Fed không nên thắt chặt chính sách. Mọi người đều đang bất an và bất kỳ một hành động nhỏ nào cũng có thể khiến họ lo sợ hơn. Tại sao Fed không xoay trục chính sách và tập trung vào vấn đề ổn định tài chính?

"Tôi vẫn nghĩ chúng ta sẽ vượt qua được giai đoạn này mà không rơi vào suy thoái, nhưng việc đó đòi hỏi sự hoạch định chính sách tốt ở Fed. Nếu họ nâng lãi suất, đó sẽ là một sai lầm", chuyên gia Moody’s Analytics nhận định.

Ở chiều quan điểm ngược lại, một số cựu quan chức Fed nhận thấy việc tiếp tục tăng lãi suất, với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm là hợp lý nếu cuộc khủng hoảng ngân hàng không chuyển biến xấu hơn.

Ông Richard Clarida, cựu Phó Chủ tịch Fed khuyến nghị, Fed nên tiếp tục tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Nếu dừng tăng lãi suất, xu hướng nghi ngờ kiểu như "hay là Fed đang biết điều gì mà chúng ta không biết" có thể sẽ dấy lên.

Nhà kinh tế học Ellen Meade thuộc Đại học Duke, cựu cố vấn của Fed, cũng cho rằng, việc dừng tăng lãi suất có thể dẫn tới chính sách tiền tệ tập trung thái quá vào nhiệm vụ chống bất ổn thị trường tài chính và nhiệm vụ chống lạm phát bị ngó lơ.

"Ông Powell đã rất cố gắng với tư cách là một chiến binh chống lạm phát. Nếu không tăng lãi suất lần này, đồng nghĩa với việc ông ấy sẽ đi ngược hướng", cựu cố vấn của Fed nêu.

Đồng quan điểm, ngân hàng Citigroup dự báo Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tuần này, với quan điểm các ngân hàng trung ương sẽ hướng trọng tâm trở lại cuộc chiến chống lạm phát - nhiệm vụ đòi hỏi phải có thêm những đợt tăng lãi suất.

Các chuyên gia ngân hàng Citigroup nhìn nhận, thực chất, điều mà nhà đầu tư đang quan tâm là giới chức Fed nhìn nhận thế nào về những biến động tài chính đang xảy ra và liệu những biến động đó có ảnh hưởng như thế nào đến việc hoạch định chính sách tiền tệ.

Theo giới chuyên gia, việc tăng 25 điểm cơ bản hay tạm dừng sẽ không làm thay đổi quyết tâm của Fed trong việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% khi đó vẫn là một cam kết. Song, việc tạm dừng có thể thay đổi nhận định của thị trường về phản ứng của Fed.

Trước những diễn biến bất ngờ trên thị trường tài chính gần đây, Fed cũng đã có những động thái kiểm soát khủng hoảng nhằm bảo vệ tiền gửi tại các ngân hàng và cải thiện thanh khoản cho các ngân hàng.

Theo CNN, hơn 400 tỷ USD cho đến nay đã được các ngân hàng trung ương cam kết hỗ trợ trực tiếp. Để đảm bảo tất cả các khoản tiền gửi tại SVB và Signature Bank, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang sẵn sàng chịu trách nhiệm với số tiền 140 tỷ USD.

Fed cũng đã đồng ý cung cấp những khoản vay kỷ lục cho các nhà băng tại Mỹ trong tuần trước. Các ngân hàng đã vay gần 153 tỷ USD từ Fed trong những ngày gần đây, phá vỡ kỷ lục 112 tỷ USD được thiết lập trong cuộc khủng hoảng năm 2008.

Các nhà băng cũng nhận được các khoản vay trị giá gần 12 tỷ USD từ chương trình cho vay khẩn cấp mới của Fed - được thành lập từ đầu tuần trước nhằm ngăn chặn việc có thêm ngân hàng sụp đổ.

Đọc tiếp