Mekong ASEAN ghi nhận tại nhà ga Hà Nội, từ khoảng 8h sáng các ngày trước kỳ nghỉ lễ có rất đông hành khách tập trung ở nhà chờ tàu hỏa đi các tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Sài Gòn, Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Thanh Hóa, Hà Nội - Huế... |
Nhiều gia đình, nhóm du khách thuộc các đơn vị, công ty du lịch đã có mặt tại ga từ sớm để lên tàu đi chơi, về quê. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Hành khách tay xách nách mang hành lý chờ qua cửa kiểm soát vào ga, đi tàu. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Hầu hết vé tàu đã được hành khách đặt trước dịp nghỉ lễ. Chia sẻ với Mekong ASEAN, chị Thương, một đại lý chuyên book tour và phòng lưu trú trên phố Hàng Bè (Hà Nội), năm nay doanh nghiệp của chị chú trọng khai thác nhiều hơn về tàu hỏa. Theo chị Thương, năm nay số lượng khách đăng ký vé tàu hỏa tuyến Hà Nội - Huế, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Sài Gòn, Hà Nội - Quảng Bình...tăng 30-40% so với năm ngoái, chiếm phần lớn là giới trẻ và gia đình. |
Trong phòng đợi tàu, rất đông hành khách ngồi chờ chuyến tàu tiếp theo. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Đón chuyến tàu SE11 (Hà Nội - Sài Gòn) khởi hành từ nhà ga lúc 21h20, chị Thùy Dương (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, đây là lần đầu gia đình chị nghỉ lễ bằng tàu hỏa vì thông thường mua vé máy bay để rút ngắn hành trình. Tuy nhiên, giá vé máy bay năm nay khá cao nên nếu tính riêng khoản tiền vé cả cho cả gia đình chị cũng mất khoảng 15 triệu đồng."Ngay sau khi biết lịch nghỉ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày, tôi cùng chồng lên mạng đặt mua 4 vé tàu, mỗi vé giường nằm chỉ khoảng 1,6 triệu đồng. Với mức giá này tôi thấy phù hợp với túi tiền cho mọi gia đình trẻ. Dịch vụ trên tàu giờ đây rất tiện nghi, đầy đủ. Đây cũng là trải nghiệm mới, thú vị, vừa đi vừa ngắm cảnh đẹp," chị Dương nói. |
Nhiều gia đình mang theo con nhỏ đi du lịch, về quê trong kỳ nghỉ lễ này. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Trao đổi với Mekong ASEAN về xu hướng trên, ông Phạm Duy Nghĩa, CEO Vietfoot Travel cho biết, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, công ty đã chốt được hơn 2.000 khách, chủ yếu là các combo đường bộ ngắn ngày, chiếm 3/4 khách đi nội địa. Nhiều khách hàng cá nhân, gia đình Hà Nội có nhu cầu rất lớn về các tour, combo du lịch giá rẻ, điểm đến là các địa điểm lân cận Hà Nội như Ninh Bình (Tràng An, Chùa Bái Đính), Quảng Ninh (Hạ Long, đảo Quan Lạn) hay Thanh Hóa (Pù Luông, Hải Tiến)..."Việc giá vé máy bay tăng cao là một thách thức với phát triển du lịch nội địa. Bởi giá vé máy bay chiếm 40-60% cấu thành giá tour nên khi giá vé tăng cao thì sẽ đẩy giá tour lên theo. Điều này khiến cho du khách sẽ chuyển hướng, thay vì đi xa bằng máy bay thì họ chuyển sang các điểm đến gần, đi bằng đường bộ, tàu hỏa hoặc phương tiện cá nhân. Lượng đi tàu hỏa năm nay tăng cao là do hành khách, nhất là lớp trẻ có tâm lý muốn trải nghiệm. Hơn nữa, việc di chuyển bằng tàu hỏa cũng rất thuận tiện, chất lượng dịch vụ của ngành đường sắt ngày càng được cải thiện, việc đặt vé dễ dàng thực hiện qua nền tảng Internet," ông Nghĩa thông tin. |
Mặc dù hành khách đến nhà ga đông, nhưng khu vực quảng trường trước ga Hà Nội không xảy ra tình trạng ùn tắc. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Thời gian qua, trên các diễn đàn, mạng xã hội xuất hiện một số website giới thiệu và chào bán vé tàu của ngành đường sắt. Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn vừa phát khuyến cáo hành khách không nên mua vé tàu qua các website giả mạo. Đã có trường hợp khách mua vé qua những website này phải trả tiền cao hơn giá vé mua của ngành đường sắt. Một số khách hàng mua vé nhận được thẻ lên tàu bị cạo sửa thông tin như giá vé, đối tượng khuyến mại, ngày đi tàu, ga đi, ga đến.... nên không có giá trị đi tàu. |