Với mức tăng trưởng này, GDP quý 3/2023 của Malaysia vượt qua dự báo trung bình 3% được đưa ra trong cuộc khảo sát các chuyên gia kinh tế của Reuters và không có nhiều cải thiện so với con số 2,9% ghi nhận được trong quý 2/2023 trước đó.
Trong quý đầu tiên của năm, tổng sản phẩm quốc nội của Malaysia đã tăng 5,6%, vượt xa kỳ vọng của thị trường và đưa nước này trở thành một trong những quốc gia có thành tích hàng đầu trong khu vực. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại tại các quý sau.
Với mức tăng trưởng 3,3%, GDP quý 3/2023 của Malaysia hiện thấp hơn mức tăng trưởng mạnh mẽ 5,9% của Philippines và 4,94% của Indonesia trong cùng khoảng thời gian tháng 7 - 9/2023.
Về các lĩnh vực cụ thể, Nikkei Asia cho biết xuất khẩu quý 3 của Malaysia giảm 12%. Lĩnh vực sản xuất cũng đồng thời giảm 0,1% do nhu cầu yếu hơn đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của đất nước bao gồm điện tử, hóa dầu, các sản phẩm cao su và nhựa.
Tuy nhiên, tiêu dùng tư nhân tăng 4,6% trong khi các lĩnh vực khác như dịch vụ tăng 5,0%, xây dựng tăng 7,2% và nông nghiệp tăng 0,8% trong quý 3 đã góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Theo nhận định của thống đốc ngân hàng trung ương Malaysia Abdul Rasheed Ghaffour trong cuộc họp báo hôm 17/11, bất chấp môi trường toàn cầu đầy thách thức, nền kinh tế Malaysia được dự đoán sẽ tăng trưởng khoảng 4% vào năm 2023 và từ 4% đến 5% vào năm 2024.
Ông cho biết: "Tăng trưởng sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi sự mở rộng nhu cầu trong nước trong bối cảnh triển vọng việc làm và thu nhập ổn định, đặc biệt là trong các lĩnh vực định hướng nội địa. Hiệu suất tăng trưởng này, cùng với những phát triển kinh tế thuận lợi khác, sẽ hỗ trợ cho đồng Ringgit".
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Malaysia đã dự báo nền kinh tế quốc gia này sẽ tăng trưởng từ 4% đến 5% trong năm nay, so với mức 8,7% vào năm 2022. Vào tháng 10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ mục tiêu tăng trưởng của Malaysia xuống 3,9% từ 4,3% cho năm 2023, với lý do nhu cầu bên ngoài giảm đáng kể.