Mekong ASEAN có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Trần Đức Bình – Vụ trưởng Vụ ASEAN về quá trình trưởng thành và dấu ấn của Việt Nam trong ASEAN, những nhiệm vụ đặt ra đối với ASEAN trên hành trình phát triển phía trước.
Đại sứ Trần Đức Bình: Cách tốt nhất để đánh giá những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong tiến trình liên kết khu vực là cùng ngược dòng thời gian về 30 năm trước và làm phép so sánh giữa Việt Nam ngày ấy và bây giờ. Tham gia ASEAN lúc đó được ví như mở ra một cánh cửa đưa chúng ta đến thời kỳ phát triển mới với những vận hội mới mà chúng ta vẫn gói gọn trong ba từ: an ninh, phát triển và vị thế.
Củng cố hòa bình, an ninh, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho đất nước phát triển là lợi ích quan trọng hàng đầu chúng ta có được khi tham gia ASEAN. Với một quốc gia trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh như Việt Nam và với khu vực Đông Nam Á từng bị phủ bóng bởi nghi kị và đối đầu, giá trị trân quý của hòa bình là điều không gì có thể so sánh được. Kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam luôn nỗ lực hết mình cùng các nước thành viên thúc đẩy hợp tác khu vực... đóng góp cho “hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng”.
Nhìn từ góc độ kinh tế, tham gia ASEAN đưa đến cho chúng ta những lợi ích cụ thể và thiết thực. Tham gia tích cực vào liên kết kinh tế trong khuôn khổ ASEAN đã mang lại diện mạo mới cho kinh tế Việt Nam, cởi mở hơn và hấp dẫn hơn. Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) năm 1996 khởi nguồn cho liên kết kinh tế khu vực và tiếp sau đó là sự gia tăng mạnh mẽ của các thỏa thuận đa phương đã mở rộng không gian và tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư cho Việt Nam.
Qua lăng kính văn hóa - xã hội, có thể thấy rõ sự tương đồng trong quan điểm của Việt Nam với ASEAN về xây dựng một Cộng đồng thực sự của người dân, do người dân và vì người dân. Sự tham gia chủ động, tích cực của Việt Nam cùng hiện thực hóa các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cải thiện đáng kể phúc lợi và an sinh xã hội, phát triển con người toàn diện, đề cao bản sắc Cộng đồng, thúc đẩy các giá trị tiến bộ xã hội, cùng hợp tác ứng phó các vấn đề chung như dịch bệnh, môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực …
Cuối cùng, không thể không nói đến hiệu ứng lan tỏa của công tác hội nhập đến tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, giúp đào tạo những thế hệ cán bộ có năng lực, trình độ, chuyên môn, ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện. Đây chính là yếu tố quyết định giúp chúng ta vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, nhanh chóng bắt kịp nhịp độ hội nhập, để tự tin vươn xa ở những sân chơi rộng lớn hơn của khu vực và toàn cầu như Liên Hợp Quốc, APEC, ASEM.
Đại sứ Trần Đức Bình: 30 năm tham gia ASEAN chứng kiến quá trình trưởng thành và bản lĩnh vững vàng của Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam cũng có là rất nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển và lớn mạnh của ASEAN.
Khác với giai đoạn đầu tham gia ASEAN, khi chúng ta tập trung hoàn thành các nghĩa vụ của thành viên ở mức đầy đủ và tròn trách nhiệm, đến nay, chúng ta đã tham gia sâu rộng hơn và chủ động hơn, sẵn sàng xung phong đảm nhận nhiều trọng trách. Các nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN 2000-2001, Chủ tịch ASEAN 2010 và gần đây nhất là Chủ tịch ASEAN 2020 là minh chứng đậm nét cho vai trò dẫn dắt, phương thức linh hoạt và ứng xử sáng tạo của Việt Nam.
Câu chuyện về Covid-19 dường như đã qua đi khi không còn nhiều người nhắc đến, nhưng tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch thì không ai trong chúng ta có thể quên. Những gì ASEAN đã làm được và làm rất tốt trong năm 2020 dưới sự dẫn dắt của Việt Nam vẫn luôn được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Các sáng kiến và khuôn khổ được khởi xướng khi đó như Quỹ ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Khung hành lang đi lại ASEAN vẫn còn nguyên giá trị và là những bài học kinh nghiệm quý giá cho các nước thành viên, khu vực và cộng đồng quốc tế.
Không chỉ huy động các nỗ lực chung kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi, duy trì ổn định các hoạt động hợp tác ASEAN, chúng ta còn chủ động định hướng phát triển Cộng đồng ASEAN trong giai đoạn mới. Tuyên bố Hà Nội về xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 đã xác lập hướng tiếp cận cho việc hoạch định đường hướng của ASEAN, đó là toàn diện, thực tế, cân bằng, bao trùm và hài hòa. Vừa qua, triển khai sáng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 với chủ đề “Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm” đã được tổ chức thành công tại Việt Nam.
Còn trên bình diện quan hệ đối ngoại, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN thúc đẩy quá trình mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Đến nay, mạng lưới đối tác của ASEAN đã được mở rộng, bao trùm nhiều quốc gia và khu vực khác nhau trên thế giới với những hình thái đa dạng như quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Australia, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, quan hệ Đối tác chiến lược với Nga, Canada, Liên minh Châu Âu, New Zealand, Hàn Quốc, quan hệ Đối tác đối thoại với Anh và tiếp tục chào đón thêm nhiều Đối tác theo lĩnh vực và Đối tác phát triển khác.
Thông qua các cơ chế do ASEAN khởi xướng như ASEAN+1, ASEAN+3, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), ASEAN đã chủ động dẫn dắt, gắn kết các đối tác vào hợp tác khu vực, thúc đẩy văn hóa đối thoại, tham vấn và cùng ứng phó các thách thức chung.
Hoàn thành tốt các trọng trách trên, chúng ta đã phát huy vai trò cầu nối, góp phần triển khai thực chất các khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác với nhiều sáng kiến, kết quả tích cực, không chỉ thu hút nguồn lực hỗ trợ xây dựng Cộng đồng, mà khai thác và mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực mới, tiềm năng như chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, hạ tầng bền vững…
Đại sứ Trần Đức Bình: Trong thế giới ngày nay, trước sự gia tăng mạnh mẽ của nhiều vấn đề “không biên giới” như an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, môi trường, biến đổi khí hậu… mà không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết, hợp tác đa phương là lựa chọn tất yếu của tất cả các nước.
Với Việt Nam, đối ngoại đa phương chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại. Sự tham gia của Việt Nam tại các cơ chế đa phương đã mang lại những kết quả có ý nghĩa vô cùng to lớn. Kết luận số 59-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 8/8/2023 nêu rõ tầm quan trọng của ASEAN là “cơ chế hợp tác đa phương gắn bó trực tiếp, quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam”.
Phát huy hơn nữa vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên Hợp Quốc là nhiệm vụ đặt ra cho đối ngoại Việt Nam, nhằm khai thác và tận dụng hiệu quả hơn nữa lợi ích mà hợp tác đa phương mang lại. Thời gian tới, theo tôi, chúng ta cần tập trung ba nhiệm vụ như sau:
Thứ nhất, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự kết nối, bổ trợ và liên thông cho sự tham gia của ta tại các diễn đàn, hướng tới tạo “thương hiệu” Việt Nam tại các cơ chế đa phương. Chúng ta đã triển khai khá tốt theo hướng này trong giai đoạn đảm nhận vai trò “kép” Chủ tịch ASEAN 2020 và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giai đoạn 2020-2021.
Thứ hai, phát huy vai trò nòng cốt và dẫn dắt. Với vị thế và uy tín quốc tế hiện nay, Việt Nam đã thuộc nhóm các nước đứng đầu trong ASEAN trên nhiều phương diện, được kỳ vọng đóng vai trò lớn hơn, đóng góp hiệu quả hơn vào công việc chung của ASEAN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone - Chủ tịch ASEAN 2024 cùng trưởng đoàn các nước ASEAN dự Diễn đàn Tương lai ASEAN, Hà Nội, ngày 23/4/2024. Ảnh: VGP |
Chúng ta cần xác định tham gia ASEAN chủ động hơn, mạnh dạn hơn trong việc đề xuất các sáng kiến, ý tưởng, đáp ứng “đúng và trúng” quan tâm của các nước và khu vực. Các sáng kiến như Diễn đàn Tương lai ASEAN vừa qua là một điểm nhấn sắc nét, khẳng định vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong định hình các trao đổi ở khu vực, góp phần nâng cao tầm vóc đối ngoại của đất nước.
Thứ ba, thúc đẩy sự phối hợp của ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Hợp tác ASEAN đã phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đang hướng mạnh tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, liên quan đến cả quan hệ giữa các đảng chính trị và nghị viện cũng như sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội khác, kể cả người dân và doanh nghiệp.
Đại sứ Trần Đức Bình: Xây dựng Cộng đồng ASEAN là một tiến trình liên tục với các kế hoạch và chương trình hành động tiếp nối nhau, như chúng ta thấy qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và nhiều bản lộ trình trước đó. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 vào tháng 9/2023 đã thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 hướng tới Cộng đồng tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm, xác lập khuôn khổ chiến lược cho hợp tác và liên kết của ASEAN trong 20 năm tới.
Việc hiện thực hóa những mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 chắc chắn sẽ đòi hỏi Việt Nam và các nước thành viên nỗ lực và phấn đấu nhiều hơn nữa để mang lại những thành quả mới cho ASEAN.
Thứ nhất, cần đặc biệt quan tâm tới việc thúc đẩy cách tiếp cận liên ngành, liên trụ cột trong xử lý mọi vấn đề và cùng với đó là các cơ chế theo dõi, giám sát và đánh giá để bảo đảm ASEAN luôn nhanh nhạy, linh hoạt và kịp thời thích ứng trong mọi hoàn cảnh và xử lý các vấn đề nảy sinh.
Thứ hai, cần đề cao yếu tố sáng tạo. Cách tiếp cận sáng tạo cùng tư duy đột phá là điều kiện tiên quyết để ASEAN chuyển mình mạnh mẽ hơn, vững tin vượt qua các thách thức, quan trọng hơn là chủ động đón nhận và thích ứng các xu hướng phát triển mới, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng.
Thứ ba, ở cấp độ quốc gia, đối với Việt Nam hay bất kỳ thành viên nào, chúng ta cũng cần có sự chuẩn bị tốt về mặt nội bộ để đóng góp hiệu quả cho ASEAN. Theo đó, xây dựng nhận thức đúng và đủ về giá trị và tầm quan trọng chiến lược của ASEAN đối với Việt Nam, để từ đó có sự quan tâm và đầu tư thích đáng cho việc tham gia hợp tác ASEAN.
Điều này đòi hỏi chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để có nhận thức đầy đủ và đúng mức về ASEAN cũng như những lợi ích quan trọng và thiết thực mà Việt Nam thu được trong quá trình tham gia hợp tác ASEAN. Tiếp đó, cần có sự chuẩn bị tốt về tổ chức bộ máy, năng lực cán bộ và nguồn lực thực hiện.
Đại sứ Trần Đức Bình: Với vị trí địa chiến lược, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương và trực tiếp hơn với chúng ta là Đông Nam Á, luôn là tâm điểm của hợp tác và cũng là trọng điểm của cạnh tranh. Với lịch sử tồn tại gần 60 năm, việc phải đối mặt với môi trường chiến lược phức tạp gần như là thực tế thường xuyên của ASEAN.
Điểm khác biệt trong bối cảnh ngày nay chủ yếu nằm ở mức độ, quy mô và phạm vi tác động của các biến động đối với ASEAN. Cạnh tranh địa chính trị quyết liệt hơn, rủi ro tiềm ẩn tại nhiều điểm nóng khó đoán định hơn và các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… diễn biến ngày càng gay gắt hơn.
Trong bối cảnh đó, ASEAN cần đặc biệt lưu tâm đến ba nhóm nguyên tắc cơ bản là cơ sở để định hình mọi sáng kiến và giải pháp cho ASEAN.
Một là, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu, ASEAN cần “phải xác định bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực đầu tiên và trên hết là trách nhiệm và nỗ lực tự thân của chính ASEAN”. Điều này có nghĩa những giá trị đã làm nên thành công của ASEAN, nhất là đoàn kết, thống nhất và đồng thuận, cần phải tiếp tục được củng cố và phát huy. Sự cân bằng và hài hòa giữa lợi ích quốc gia của các nước thành viên và lợi ích chung của khu vực là yếu tố quan trọng hàng đầu để đạt được mục tiêu này.
Hai là, phát huy sức hấp dẫn của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF và ADMM+. ASEAN cần nỗ lực duy trì vai trò trung tâm thông qua chủ động định hướng cho các tiến trình này phát triển phù hợp với lợi ích chung của ASEAN và khu vực; khuyến khích và tạo điều kiện cho các đối tác tham gia thúc đẩy đối thoại, hợp tác xây dựng lòng tin, và ứng phó với các thách thức đang nổi lên. Đồng thời, ASEAN cần có các biện pháp cải tiến cách thức hoạt động, bảo đảm các tiến trình này bổ trợ cho nhau, tăng cường sức mạnh cộng hưởng và hiệu quả hợp tác.
Ba là, chủ động phát huy vai trò và tiếng nói chung trong các vấn đề có tác động tới hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Theo đó, ASEAN cần tích cực tham vấn, phối hợp với nhau; phát huy các công cụ đối thoại, chia sẻ chuẩn mực ứng xử ở khu vực, trong đó có Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cùng Trung Quốc thúc đẩy đàm phán sớm đạt Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (1982), góp phần thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, và phát triển bền vững ở khu vực.
Trước hết phải khẳng định báo chí và truyền thông đóng vai trò quan trọng là cầu nối đưa ASEAN đến gần hơn với công chúng. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ về tuyên truyền và quảng bá ASEAN, với mục tiêu không chỉ nâng cao nhận thức của công chúng về ASEAN mà còn tạo đồng thuận, sự ủng hộ của người dân đối với hợp tác ASEAN, phát huy vai trò của người dân trong tham gia và đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng.
Thời gian qua, báo chí - truyền thông đã làm tốt công tác này, kịp thời thông tin về tình hình ASEAN, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến sự tham gia của Việt Nam trong ASEAN, giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ASEAN, cũng như vai trò, đóng góp và trách nhiệm của Việt Nam.
Sự đồng hành chủ động, tích cực của báo chí đã trang bị cho người dân, doanh nghiệp và các nhóm, giới khác hành trang thông tin cần thiết để có sự chuẩn bị sẵn sàng trước mỗi bước phát triển mới của ASEAN, qua đó nắm bắt và tranh thủ được lợi ích mà ASEAN mang lại.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và các nền tảng xã hội, độ bao phủ và lan tỏa thông tin liên quan đến ASEAN ngày càng tốt hơn và rộng rãi hơn. Những ưu tiên của ASEAN qua từng nhiệm kỳ Chủ tịch, thảo luận và quyết sách của Lãnh đạo Cấp cao ASEAN ở mỗi kỳ Hội nghị, kế hoạch hợp tác của ASEAN ở từng kênh chuyên ngành, đến những trọng trách của đất nước như Chủ tịch ASEAN 2010, Chủ tịch ASEAN 2020 đều được chuyển tải nhanh chóng dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bảo đảm tính thời sự, phục vụ nhu cầu, quan tâm của các đối tượng khác nhau.
Trong bối cảnh tình hình mới, khi liên kết ASEAN ngày càng sâu rộng với sự gia tăng của các hoạt động, cả về số lượng và tần suất, mong rằng báo chí - truyền thông sẽ tiếp tục đồng hành, gắn kết Chính phủ với công chúng thông qua dòng chảy thông tin thông suốt, đa dạng và ngày càng hấp dẫn.
Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), chúng tôi xin chúc đội ngũ những người làm báo cả nước nói chung và cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Mekong ASEAN nói riêng luôn “vững tay bút, chắc tay máy”, phát huy thành tựu vẻ vang của báo chí cách mạng, là lực lượng xung kích trên mặt trận thông tin.
Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!