Ngày 15/3, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.979 đồng/USD, tăng 12 đồng so với phiên hôm qua. Áp dụng biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch với tỷ giá trần hôm nay là 25.178 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.780 đồng/USD.
Tỷ giá bán cũng được Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tăng 12 đồng, đưa phạm vi mua - bán lên mức 23.400-25.127 đồng/USD.
Tỷ giá USD/VND tại nhiều ngân hàng thương mại cũng được điều chỉnh tăng cao. Giá USD bán ra tại các ngân hàng đều lên mốc 24.900 đồng/USD, vượt đỉnh cao 24.888 đồng/USD ghi nhận hôm 25/10/2022.
Theo ghi nhận của Mekong ASEAN, đầu giờ chiều 15/3, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 24.540-24.910 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 40 đồng/USD ở cả chiều mua vào và bán ra so với hôm qua. Đây là mức giá bán USD niêm yết cao nhất tại Vietcombank từ trước đến nay, phá vỡ kỷ lục cũ là 24.888 USD/VND ghi nhận vào tháng 10/2022.
Trong khi đó, VietinBank cũng nâng giá USD lên 50 đồng/USD ở cả hai chiều so với phiên giao dịch hôm qua, mua vào ở mức 24.485 đồng/USD và bán ra ở mức 24.905 đồng/USD.
Sacombank đang niêm yết giá USD ở mức 24.520 - 24.985 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Tỷ giá biến động đang khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi dư nợ vay và chi phí ngoại tệ ở mức cao. Vấn đề này cũng được các doanh nghiệp nêu ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô diễn ra ngày 14/3.
Thông tin tại Hội nghị này, ông Đặng Ngọc Hòa Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, nếu tỷ giá tăng lên 1% thì Vietnam Airlines mất thêm 300 tỷ đồng, nếu biến động tăng 5% thì chi phí của hãng hàng không quốc gia tăng lên 1.500 tỷ/năm.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cho biết,hiện nay dư nợ vay ngoại tệ của PVN là 38.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,55 tỷ USD. Do đó, biến động và rủi ro tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn.
Liên quan đến diễn biến nóng của tỷ giá thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái nhằm hạ nhiệt tỷ giá khi trở lại phát hành tín phiếu từ ngày 11/3. Sau 4 phiên từ 11-14/3, NHNN đã phát hành gần 60.000 tỷ đồng tín phiếu, qua đó hút về số tiền tương ứng khỏi hệ thống.
Trên thị trường quốc tế, chỉ số US Dollar Index (DXY) - đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) cùng thời điểm giao dịch ở mức 103,41 điểm, tăng nhẹ so với phiên giao dịch liền trước.
Đồng USD tăng giá vào phiên giao dịch hôm nay được thúc đẩy bởi dữ liệu cho thấy giá sản xuất tháng trước nóng hơn dự kiến, và ít người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hơn, điều này cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm số lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Tỷ giá sẽ tăng khoảng 1,5% trong năm 2024
Báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán KB phân tích về các yếu tố khiến tỷ giá tăng nóng ngay từ đầu năm, cho rằng, tỷ giá tăng xuất phát từ các yếu tố: USD Index (DXY) tiếp tục mạnh lên; áp lực từ chênh lệch lãi suất USD – VND vẫn hiện hữu và một lượng lớn ngoại tệ chảy ra khỏi hệ thống phục vụ hoạt động nhập khẩu hàng hoá, nguyên vật liệu của doanh nghiệp giai đoạn đầu năm. Trong khi đó, nguồn ngoại tệ thu về từ các doanh nghiệp xuất khẩu chưa ngay lập tức quay trở lại hệ thống.
Dù vậy, KBSV dự báo tỷ giá năm nay sẽ chỉ tăng 1,5% trong năm nay, đạt 24.600 USD/VND do cán cân tổng thể dự báo tích cực hơn, trong bối cảnh áp lực từ chênh lệch lãi suất âm giữa USD và VND dù có giảm nhưng vẫn duy trì trong suốt cả năm.
Trong đó, xuất khẩu dự kiến phục hồi tích cực với mức tăng trưởng dự báo đạt 8% - 12% nhờ tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu tích cực, cán cân thương mại không thặng dư lớn như năm 2023 nhưng dự kiến đạt 12 – 18 tỷ USD.