Không chỉ được dùng để may trang phục, lụa là chất liệu góp phần làm giàu cho "dòng chảy" nghệ thuật Việt Nam từ xưa đến nay. Không chỉ đơn thuần tồn tại trong ngành công nghiệp may mặc, dưới những bàn tay và tâm hồn nghệ sĩ, lụa được thể hiện với những nét riêng, có hồn, có màu sắc và dường như có cả âm thanh.
Triển lãm "Sợi kết nối" do nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn giám tuyển với sự tham gia của 24 nghệ sĩ trẻ tốt nghiệp Khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đang được trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) Hà Nội, thể hiện nhiều hơn những câu chuyện về cuộc sống thông qua sự sáng tạo của từng cá nhân nghệ sĩ với chất liệu lụa.
Tác phẩm "sắp đặt lụa, guồng quay tơ" của tác giả Phạm Ngọc Hà. Ảnh: Thu Trang |
Là nguyên liệu chính tạo nên những tác phẩm trong Triển lãm “Sợi kết nối”, lụa vốn là một chất liệu dân gian nhưng lại tạo nên những tác phẩm đầy tính hiện đại. Những bó tơ đủ sắc màu thông qua những guồng quay đã tạo ra được những tấm vải đặc trưng dùng để may áo dài, làm dịu dàng thêm vẻ đẹp duyên dáng của người con gái Việt.
Tác phẩm "Hộp đèn" - tác giả Đàm Hồng Dương. Ảnh: Thu Trang |
Triển lãm lần này còn có sự kết nối với những nghệ nhân của làng nghề lụa Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội. Câu chuyện giữa những người nghệ nhân hiếm hoi còn làm nghề trồng dâu nuôi tằm với những họa sĩ trẻ sáng tác thử nghiệm trên chất liệu lụa, sẽ là sự tiếp nối thú vị giữa thực hành sáng tạo nghệ thuật và hoạt động văn hóa của làng nghề truyền thống
Cận cảnh từng đường nét của bức tranh được thêu dệt lên từ những bó tơ lụa. Ảnh: Thu Trang |
Tác phẩm mang tên "Người đành qua mười cánh hoa" của nghệ sĩ Hồ Tuấn Duy. Ảnh: Thu Trang |
Sự kỳ công và tỉ mẩn của những người nghệ sĩ để mang đến những tác phẩm từ tơ lụa đẹp và độc nhất. Chia sẻ tại buổi khai mạc triển lãm, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết, dự án này ngoài câu chuyện giới thiệu sản phẩm còn là sự liên kết giữa con người với lụa. Đây không phải là câu chuyện của cá nhân mà là sự tương tác nghệ thuật giữa các họa sĩ trẻ với một người nghệ nhân lão thành.
Theo anh Thế Sơn, trong mấy chục năm qua không còn nhiều người vẽ tranh lụa và nguồn nguyên liệu để vẽ tranh lụa cũng rất khan hiếm. Nhờ nghệ nhân lụa mà các sáng tác hội họa về lụa nước nhà phát triển, chăm chút và giữ được vật liệu phục vụ cho ngành mỹ thuật. Ý tưởng của triển lãm này là kể câu chuyện có giá trị khi mà mọi người chia sẻ với nhau, làm việc trong hệ sinh thái, tạo ra sự sáng tạo mới.
Một số tác phẩm được làm từ lụa Việt Nam được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Thu Trang |
Lụa là một trong những chất liệu được đưa vào giảng dạy và sáng tác trong môi trường đào tạo mỹ thuật ở Việt Nam trong suốt gần một thế kỷ qua. Từ khi là trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đến trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, nhiều thế hệ thầy trò đã thực nghiệm tìm tòi cách thể hiện độc đáo trên lụa, cùng nhau định hình một tiếng nói đặc sắc cho chất liệu truyền thống lâu đời.
Tác phẩm "Quán cô Tiên" - Phạm Thuỷ Tiên. Ảnh Thu Trang |
Cùng với sơn mài, chất liệu lụa tự thân có lẽ đã trở thành một chất liệu nghệ thuật gắn kết được tinh thần mỹ thuật truyền thống của dân tộc, cảm thức phương Đông với thẩm mỹ tạo hình hiện đại của phương Tây, trở thành một chất liệu trung gian dung hoà được tinh thần giữa truyền thống và hiện đại.
|
Hình ảnh gợi nhớ đến những ngày tháng Việt Nam chống chọi với Covid-19, cả nước phải giãn cách, hàng quán đều chia vách ngăn. Tác phẩm của hoạ sĩ Phạm Thuỷ Tiên đã đem lại sự gần gũi hơn khi khắc hoạ những chi tiết cụ thể lên những tấm vách ngăn ấy. Đặc biệt hơn, tất cả đều được thể hiện dưới chất liệu lụa.
|
Sức sống mới của tranh lụa sau vài thập niên trôi vào quên lãng được đón nhận trở lại. Kể từ giai đoạn đổi mới (1986) đến nay, số lượng họa sĩ vẽ tranh lụa ngày càng ít dần do thị trường dành cho dòng này ngày càng bị thu hẹp, giá trị của tranh lụa không cao nên không thể thu hút những nghệ sĩ giỏi.
Các bé thích thú với trang phục cổ truyền bên những các tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: Thu Trang |
Triển lãm "Sợi kết nối" đang gợi lại những nét đẹp riêng của lụa ẩn mình qua từng tác phẩm. Các chủ đề thể hiện được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, như lịch sử nghệ thuật, văn hóa tín ngưỡng, ký hiệu học văn hóa và tâm lý học... Mỗi tác phẩm cũng thể hiện sự sáng tạo độc đáo của từng cá nhân nghệ sĩ.
Giới thiệu đến công chúng gần 80 tác phẩm khác nhau, triển lãm sẽ mở cửa tự do đến hết ngày 11/9 cho khách tham quan tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), B1-R3 Vincom Mega Mall Royal City, 72 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.