Tenaga National Behard (TNB) và Sembcorp ký kết thỏa thuận giao dịch năng lượng tái tạo xuyên biên giới đầu tiên từ Malaysia sang Singapore ngày 9/12/2024. Ảnh: Sembcorp Industries |
Lượng điện năng này được cấp Chứng chỉ năng lượng tái tạo (RECs), truyền tải tới Singapore sử dụng mạng lưới kết nối Malaysia - Singapore hiện có.
Đây là một phần của Chương trình Bán điện xuyên biên giới cho năng lượng tái tạo (CBES RE), phù hợp với sáng kiến Lưới điện ASEAN (APG) và các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Malaysia, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch năng lượng tái tạo với các nước láng giềng thông qua Sàn giao dịch năng lượng Malaysia (Energy Exchange Malaysia - ENEGEM).
Nguồn cung cấp điện xanh xuyên biên giới này là kết quả của quá trình đấu thầu cạnh tranh được thực hiện thông qua ENEGEM vào tháng 6 vừa qua. Trong phiên đấu giá đầu tiên của ENEGEM do Single Buyer điều hành, Sembcorp đã đảm bảo phân bổ 50MW điện xanh với Chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC), có nguồn gốc từ hoạt động sản xuất thủy điện và năng lượng mặt trời của Malaysia.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành TNB, ông Datuk Ir. Megat Jalaluddin Megat Hassan cho biết: “Việc thành lập ENEGEM và thực hiện thành công thỏa thuận này phản ánh cam kết vững chắc của TNB trong việc thúc đẩy hội nhập năng lượng khu vực và thúc đẩy các mục tiêu năng lượng tái tạo của ASEAN.
Sáng kiến này giúp Malaysia trở thành quốc gia đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh điện xanh và thúc đẩy an ninh năng lượng, hiệu quả và bền vững trên toàn khu vực.”
Thỏa thuận hai năm, bắt đầu từ tháng 12/2024, sẽ là lần đầu tiên nhập khẩu năng lượng tái tạo với RECs vào Singapore. Các RECs cung cấp bằng chứng về nguồn gốc của việc sản xuất năng lượng tái tạo, đảm bảo rằng năng lượng được cung cấp bền vững.
Năm 2022, Singapore lần đầu tiên nhập khẩu năng lượng tái tạo và ký thỏa thuận mua điện với Lào trong thời hạn hai năm. Kế hoạch thu được 100 MW (megawatt) điện xanh thông qua lưới điện của Thái Lan và Malaysia. Dự án hợp tác xuyên biên giới này có tên là "Dự án tích hợp điện Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore (LTMS-PIP)," đã chính thức kết thúc vào ngày 22/6/2024.
Hiện tại, công suất kết nối giữa Malaysia và Singapore là 1.000MW, với 300MW được phân bổ cho Chương trình CBES RE và 200MW cho Dự án tích hợp điện Lào - Thái Lan – Malaysia - Singapore (LTMS-PIP) Giai đoạn 2. Sáng kiến Lưới điện ASEAN là nền tảng của APG, hình dung một hệ thống năng lượng bền vững và kết nối cho khu vực.
Ấn Độ và ASEAN gia tăng hợp tác năng lượng tái tạo |
Sembcorp Utilities được cấp phép nhập khẩu 1,2GW năng lượng tái tạo từ PTSC |