Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương, nhằm đưa đến tận tay người tiêu dùng sản phẩm đặc sản, có thương hiệu, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. |
Ngày 13/6, tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh và các đơn vị liên quan tổ chức sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà và các nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương năm 2024.
Ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương phát biểu tại sự kiện. |
Sự kiện được tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương đến với du khách trong nước và quốc tế thăm quan, du lịch tại tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, hỗ trợ, kết nối giữa người sản xuất với chuỗi nhà hàng, khách sạn tỉnh Quảng Ninh để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vải thiều và các loại nông sản khác của tỉnh Hải Dương tại Quảng Ninh.
Phát huy tối đa thị trường trong nước
Ông Bùi Văn Thăng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương là tỉnh Đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ, tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tỉnh có đất đai phì nhiêu, màu mỡ, được thiên nhiên ưu đãi và được đánh giá là địa phương có tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp với sản phẩm nông nghiệp đa dạng, phong phú, chất lượng và sản lượng cao.
Toàn tỉnh có trên 82.400 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó trên 62.000 ha là đất trồng cây hàng năm, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Sản xuất nông nghiệp của Hải Dương đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ. Hàng năm, sản xuất được khoảng 750.000 tấn lúa gạo, 700.000 tấn rau, củ các loại, 300.000 tấn quả và khoảng 200.000 tấn thịt gia súc, gia cầm và thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại sự kiện. |
Đặc biệt, Hải Dương có sản phẩm vải thiều Thanh Hà nổi tiếng trong và ngoài nước. Vải thiều Thanh Hà được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, tiêu chuẩn xuất khẩu, đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và được dán tem truy xuất nguồn gốc, đang được Trung ương xem xét phê duyệt là sản phẩm OCOP 5 sao; quả vải thiều Thanh Hà được bình chọn, vinh danh là “Tinh hoa đặc sản ba miền”, Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng…
Các đại biểu cắt băng khai mạc sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà và các nông sản chủ lực tỉnh Hải Dương năm 2024. |
“Cùng với việc quan tâm đầu tư sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, những năm qua, Hải Dương cũng rất quan tâm đến công tác quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh trong đó có vải thiều Thanh Hà. Vì vậy, nông sản của tỉnh Hải Dương đã chinh phục không chỉ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, nhất là các thị trường cao cấp”, ông Bùi Văn Thăng nhấn mạnh.
Riêng quả vải thiều Thanh Hà đã xuất khẩu thành công sang hầu hết các các thị trường cao cấp, khó tính trên thế giới như Nhật, Mỹ, Anh, Australia, Canada, New Zealand, Thái Lan và một số nước thuộc EU... Đối với thị trường trong nước, nông sản của Hải Dương đã được đưa vào hệ thống siêu thị lớn như WinMart, Saigon Mart, Fivimart, Coopmart, GO!...
Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương giới thiệu các nông sản chủ lực của tỉnh đến các đại biểu và du khách. |
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Bùi Văn Thăng khẳng định, việc xuất khẩu nông sản là quan trọng, song việc phát huy tối đa thị trường trong nước là ưu tiên hàng đầu, bởi đây là thị trường “màu mỡ”, còn rất nhiều dư địa để khai thác.
Chỉ tính riêng tỉnh Quảng Ninh, với dân số đông gần 1,5 triệu người và hàng năm có lượng du khách trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch rất lớn, chính vì thế, đây là thị trường mà các nông sản của Hải Dương đã và đang hướng đến. Tiêu thụ tại thị trường Quảng Ninh sẽ đáp ứng được cả hai yếu tố là tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tại chỗ.
Sản phẩm vải thiều Thanh Hà, Hải Dương được trưng bày, giới thiệu tại sự kiện. |
Quảng Ninh - thị trường nhiều tiềm năng
Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, trong những năm qua, tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần phối hợp để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nghiệp của hai tỉnh.
Tuy nhiên, đây là sự kiện có nét mới, tính chất khác biệt hơn đó là Hải Dương đang hướng đến thị trường Quảng Ninh không chỉ là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong tỉnh Quảng Ninh mà còn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tại chỗ, cụ thể cho người nước ngoài đến du lịch và làm việc tại Quảng Ninh thông qua chuỗi các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung và thành phố Hạ Long nói riêng.
Nhiều loại nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương như trứng gà, hành, tỏi... được trưng bày, giới thiệu tại sự kiện. |
Hiện Quảng Ninh có dân số khoảng trên 1,4 triệu người, tổng nhu cầu lương thực mỗi năm ước khoảng trên 165.000 tấn. Bên cạnh đó, mỗi năm tỉnh đón khoảng 15 triệu lượt khách du lịch, như vậy nhu cầu lương thực, thực phẩm cần đáp ứng là rất lớn.
Trong khi đó sản lượng lương thực, thực phẩm sản xuất tại chỗ của Quảng Ninh chỉ đáp ứng khoảng quá 50 - 60% so với nhu cầu thực tế, còn lại là phải nhập từ các tỉnh ngoài. “Qua đó cho thấy Quảng Ninh là thị trường đầy tiềm năng để tiêu thụ các sản phẩm nông sản của các tỉnh lân cận, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nông sản của tỉnh Hải Dương có thể kết nối để thúc đẩy tiêu thụ”, ông Nguyễn Văn Đức nhận định.
“Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới, ngoài sản phẩm vải thiều, sẽ có nhiều sản phẩm tiêu biểu, đặc sản của cả Hải Dương và Quảng Ninh được các cơ quan chuyên môn của tỉnh tổ chức chức nhiều hơn nữa các hoạt động, sự kiện, giới thiệu, quảng bá, kết nối đến các cơ sở kinh doanh, tiêu thụ trên địa bàn hai tỉnh, để đưa đến tận tay người tiêu dùng những sản phẩm tươi ngon, đảm bảo chất lượng, toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ,” Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đức bày tỏ.
Tại sự kiện, đại diện 3 doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại đến từ Hải Dương ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với đại diện chuỗi nhà hàng, khách sạn tại Quảng Ninh. |
Chia sẻ tại sự kiện, ông Đặng Văn Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch T & Y Group cho hay, hiện doanh nghiệp kinh doanh 3 nhà hàng, khách sạn tại Quảng Ninh trong đó có nhà hàng với sức chứa 1.000 chỗ ngồi. Doanh nghiệp mong muốn được hợp tác với bà con nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp của Hải Dương để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nông sản của Hải Dương, đồng thời mong muốn bà con sẽ sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của T&Y Group nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm.
Ông Jonathan, Tổng quản lý Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long cho biết, hiện ông cũng đang quản lý một khách sạn của công ty. Thời gian qua khách sạn cũng đã tích cực quảng bá những nét đẹp của địa phương đến du khách gần xa, các du khách khi đến với khách sạn luôn muốn thưởng thức những đặc sản của địa phương.
“Chúng tôi được biết Hạ Long còn là một thị trường hải sản rất lớn mạnh, bên cạnh đó thành phố có sự liên kết với các địa phương khác để quảng bá những sản phẩm ngoài hải sản. Chúng tôi sẽ cố gắng thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch đến để thưởng thức những đặc sản của địa phương tại khách sạn của chúng tôi,” ông Jonathan khẳng định.
Các đại biểu và du khách trải nghiệm các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản của Hải Dương. |
Theo ông Bùi Tấn Điều, Tổng Giám đốc điều hành Khách sạn Bảo Minh Radiant Hạ Long, khách sạn luôn quan tâm đến chất lượng các loại rau, củ, quả, thực phẩm nhằm đáp ứng đến thực khách một cách an toàn nhất. Qua sự kiện này, chúng tôi rất muốn được kết nối và hợp tác với các đơn vị, hợp tác xã sản xuất nông sản của Hải Dương để hình thành một chuỗi cung ứng hàng hóa trực tiếp nhằm giảm chi phí đặc biệt là chi phí về nguyên vật liệu cũng chiếm khá lớn trong thực phẩm hàng ngày tại khách sạn. Thông qua đó, khách sạn cũng góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm thế mạnh của Hải Dương đến du khách trong và ngoài nước.
Ông Mai Xuân Thịnh, Giám đốc CTCP Nông nghiệp hữu cơ HD-Green (có địa chỉ tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) chia sẻ, hiện tại công ty đang sản xuất trực tiếp trong nhà màng, nhà lưới khoảng 10 ha, bên cạnh đó có các vùng liên kết nông sản khoảng 50 ha; các sản phẩm rau, củ, quả này được sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap và đang hướng sản xuất một số sản phẩm theo hướng hữu cơ. Thị trường hiện tại cung cấp rau, củ, quả của doanh nghiệp tập trung tại các tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng. Thời gian tới, doanh nghiệp mong muốn được hợp tác với các đơn vị, nhà hàng và doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh...