Chiều 12/7, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường châu Phi – Trung Đông với chủ đề: Tiềm năng thúc đẩy các sản phẩm nông sản Halal vào thị trường Trung Đông.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Minh Phương – Trưởng phòng Tây Á, châu Phi, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết,ước tính đến năm 2030, số người theo đạo Hồi trên thế giới dự kiến vượt ngưỡng 2 tỷ người, đây sẽ là thị trường rộng mở cho các sản phẩm Halal.
Ngành công nghiệp Halal bao gồm thực phẩm và đồ uống, du lịch, dược phẩm, mỹ phẩm và dụng cụ vệ sinh cá nhân, chất phụ gia thực phẩm, thực phẩm bổ sung, thuốc và vaccine, logistics, sản phẩm thuộc da, bảo hiểm, truyền thông... Tổng giá trị trao đổi thương mại các sản phẩm Halal toàn cầu hiện đạt khoảng 2.300 tỷ USD.
Đối với thị trường thực phẩm Halal, theo bà Phương, chi tiêu của người Hồi giáo cho thực phẩm vào khoảng 1.400 tỷ USD mỗi năm. Tổng kim ngạch thương mại thực phẩm Halal của các nước thành viên OIC (Tổ chức Hợp tác Hồi giáo) đạt khoảng 444 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu vào OIC đạt 179,6 tỷ USD, nhập khẩu từ OIC đạt 265,1 tỷ USD.
Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. |
Năm 2022, 10 thị trường xuất khẩu sản phẩm Halal vào OIC lớn nhất lần lượt là Brazil với 27,9 tỷ USD, Ấn Độ với 24,3 tỷ USD, Mỹ với 15,4 tỷ USD, Nga với 14,3 tỷ USD, Indonesia với 13,1 tỷ USD... Theo bà Phương, một số nước đã trở thành nhà xuất khẩu sản phẩm Halal nổi tiếng và có uy tín như Mỹ với sản phẩm thịt bò, thịt bò đông lạnh; Brazil với sản phẩm thịt gà đông lạnh và thịt bò; Pháp với thịt gà đông lạnh...
Ngược lại, các thành viên thuộc OIC có kim ngạch nhập khẩu sản phẩm Halal lớn nhất lần lượt là Indonesia với 25,8 tỷ USD, Malaysia với 22,7 tỷ USD, Thổ Nhĩ Kỳ với 21,9 tỷ USD, Arab Saudi với 19,8 tỷ USD...
Châu Á và châu Phi hiện là hai thị trường thực phẩm Halal chủ chốt, chiếm 3/4 tổng giá trị toàn cầu. Trong đó, Bắc Phi – Trung Đông có phần đông dân số thuộc các quốc gia theo Đạo Hồi nên nhu cầu sản phẩm Halal lớn.
Hàng hóa Việt chịu sự cạnh tranh từ đối thủ nào tại Trung Đông?
Rõ hơn về sự cạnh tranh nông sản, thực phẩm của Việt Nam tại khu vực, bà Phương cho biết, đối thủ có ưu thế tại Trung Đông hiện là Ấn Độ do lượng người Ấn sang đây làm việc nhiều. Sau Ấn Độ là Thái Lan, theo khảo sát, các mặt hàng của Thái Lan xuất hiện nhiều tại siêu thị của Trung Đông trong khi hàng Việt Nam tương đối ít.
Riêng tại thị trường Arab Saudi, ông Trần Trọng Kim – Bí thư thứ nhất, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Arab Saudi cho biết, hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc. Trong đó, đối với hai nước láng giềng, Trung Quốc và Thái Lan có lợi thế về đường bay thẳng tới Arab Saudi nên chi phí thấp hơn và mẫu mã hàng nông sản tươi được đảm bảo.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với các đối thủ khác như Jordan, Yemen, Pakistan do đây là các thị trường gần với Arab Saudi và có đường bay thẳng nên hàng hóa được vận chuyển nhanh gọn, độ tươi đảm bảo...
Dù là thị trường có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa lên tới 90%, tuy nhiên ông Kim cũng cho rằng, khi tiếp cận thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu cần nghiên cứu kỹ về thị hiếu, quy định của Arab Saudi về chất lượng, an toàn thực phẩm... Doanh nghiệp cần chủ động gửi sản phẩm mẫu cho đối tác và gửi đến phòng giới thiệu trưng bày của Thương vụ Việt Nam tại Arab Saudi. Các sản phẩm gửi đến phòng sẽ được Thương vụ mang đi quảng bá tại nước sở tại.
Trong bối cảnh xung đột Biển Đỏ hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng cần chú ý đến việc tăng cường tìm kiếm đối tác, tránh đi qua khu vực có xung đột. Khi giao dịch với đối tác cần thanh toán L/C có đặt cọc, không trả trước bất kỳ khoản phí nào liên quan đến phí môi giới hợp đồng, phát hành hóa đơn...
Q&A Doanh nghiệp: Đánh giá về tiềm năng sản phẩm tinh dầu tại Trung Đông? Bà Nguyễn Minh Phương: Trung Đông là thị trường rất ưa chuộng tinh dầu, nhu cầu về sản phẩm này rất lớn và các sản phẩm tinh dầu gần như bày bán ở mọi nơi của Trung Đông. Tuy nhiên, để xuất khẩu sản phẩm tinh dầu vào thị trường này không đơn giản bởi sự cạnh tranh từ các sản phẩm nội địa, người tiêu dùng khu vực cũng có văn hóa sử dụng mùi đặc trưng. Do đó, doanh nghiệp muốn vào thị trường này nên phối hợp với một đơn vị ở nước sở tại, ký hợp đồng với đối tác theo kiểu đặt hàng, nghĩa là đối tác yêu cầu nguyên liệu nào thì doanh nghiệp sẽ thực hiện. “Nếu doanh nghiệp làm theo hợp đồng thì khả năng thắng rất cao,” bà Phương nhận định. |