Hào hùng Lễ hội quân trên sông Lục Đầu ở Hải Dương

Hào hùng Lễ hội quân trên sông Lục Đầu ở Hải Dương

Lễ hội Hải Dương
17:53 - 01/10/2023
Trong không gian linh thiêng tại Khu di tích Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương), sáng 1/10 (17/8 Âm lịch) đã diễn ra Lễ hội quân trên sông Lục Đầu. Tại đây, người dân và du khách được chứng kiến, cảm nhận về khí thế sục sôi của hào khí Đông A lẫm liệt một thời.

Lễ hội quân trên sông Lục Đầu là cuộc diễu hành, tái hiện lực lượng mạnh mẽ của cuộc ra quân xưa với nhiều tướng lĩnh cùng các đạo quân, làm sống lại chiến công hiển hách của Hưng Đạo Đại vương trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông (thế kỷ 13).

Hàng trăm võ sinh, tiêu binh, diễn viên không chuyên, các đội lân sư rồng, trống, chiêng và 32 chiếc thuyền của ngư dân tham gia lễ hội quân trên sông Lục Đầu, sáng 1/10.

Hàng trăm võ sinh, tiêu binh, diễn viên không chuyên, các đội lân sư rồng, trống, chiêng và 32 chiếc thuyền của ngư dân tham gia lễ hội quân trên sông Lục Đầu, sáng 1/10.

Theo các nguồn tài liệu, trước kia vào mỗi dịp lễ hội đền Kiếp Bạc, địa phương đều tổ chức lễ hội quân trên sông Lục Đầu nhằm tưởng nhớ về một thời oanh liệt, với những trận thuỷ chiến diệt giặc Nguyên Mông lẫy lừng trong lịch sử. Nghi lễ được duy trì cho đến đầu thế kỷ 20, tuy nhiên sau này do chiến tranh, những biến động xã hội nên không còn được tổ chức tại lễ hội đền Kiếp Bạc.

Các đội lân sư rồng biểu diễn trên bờ.

Các đội lân sư rồng biểu diễn trên bờ.

Từ năm 2006, thực hiện dự án nâng cấp lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chỉ đạo Viện Văn hoá Thông tin, Sở Văn hoá Thông tin Hải Dương phục dựng lễ hội quân trên sông Lục Đầu với quy mô lớn. Toàn bộ thư tịch cổ, tư liệu điền dã được vận dụng khoa học vào kịch bản tổ chức nghi lễ.

Dưới sông, những chiếc thuyền được trang hoàng cờ hội, binh khí... nhiều màu sắc tái hiện cảnh hợp quân.

Dưới sông, những chiếc thuyền được trang hoàng cờ hội, binh khí... nhiều màu sắc tái hiện cảnh hợp quân.

Lực lượng tham gia lễ rước được huy động tối đa khoảng 5.000 người gồm nhân dân địa phương, ngư dân Cát Bà, Quần Mục (Hải Phòng), Trà Cổ (Quảng Ninh), Kênh Giang (Hải Dương) với trên 50 thuyền rước cùng đông đảo nhân dân, du khách thập phương.

Công tác trang trí lễ đài, thuyền rước được đặc biệt chú trọng và hoành tráng gồm cờ, hoa, đèn, phướn rực rỡ. Hơn 20 tay trống, 30 đô múa rồng của 2 làng Dược Sơn, Vạn Yên được các chuyên gia khôi phục và chuyển giao kỹ nghệ. Nghi lễ diễn ra long trọng, là điểm nhấn trong lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Tiếng trống, chiêng trong màn diễn xướng hội quân.

Tiếng trống, chiêng trong màn diễn xướng hội quân.

Năm nay, Lễ hội quân diễn ra ngay sau Lễ tưởng niệm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Tại đây, các đại biểu cùng hạng vạn người dân và du khách thập phương tiến về bến Vạn Kiếp trước cửa đền Kiếp Bạc để theo dõi màn trình diễn hoành tráng và công phu.

Diễn xướng hội quân với 3 chủ đề: Hào khí Đông A, Hùng khí Lục Đầu, Ca khúc khải hoàn.

Diễn xướng hội quân với 3 chủ đề: Hào khí Đông A, Hùng khí Lục Đầu, Ca khúc khải hoàn.

Tại bến Vạn Kiếp, 500 võ sinh môn phái Võ Nhất Nam, 100 tiêu binh, các đội lân sư rồng, trống, chiêng, diễn viên không chuyên trong trang phục cổ truyền nhiều màu sắc. Dưới sông Lục Đầu Giang, 32 chiếc thuyền của ngư dân Kênh Giang (Đông Triều, Quảng Ninh) được trang hoàng rực rỡ.

Các võ sinh biểu diễn.

Các võ sinh biểu diễn.

Sau tiếng pháo hiệu, tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên, các lực lượng trên bờ, dưới nước phối hợp nhịp nhàng dàn trận, hiệp đồng diễn xướng hội quân theo 3 chủ đề. Chủ đề 1 “Hào khí Đông A” gợi nhớ về cuộc duyệt binh biểu dương lực lượng chuẩn bị kháng chiến ở Đông Bộ Đầu tháng Tám năm Giáp Thân (1284) và cuộc hội 20 vạn quân ở Vạn Kiếp năm 1285 với sức mạnh ba quân hừng hực ý chí chiến đấu và quyết tâm sát Thát át cả sao Ngâu.

Hàng vạn người dân và du khách thập phương đến xem, thưởng thức lễ hội quân trên sông Lục Đầu.

Hàng vạn người dân và du khách thập phương đến xem, thưởng thức lễ hội quân trên sông Lục Đầu.

Tiếp đến là chủ đề 2 “Hùng khí Lục Đầu”, tái hiện lại khí thế đánh giặc cứu nước của quân dân Đại Việt, với chiến thắng Vạn Kiếp năm 1285 khiến chủ tướng giặc là Thoát Hoan phải chui vào ống đồng chạy trốn. Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, bắt sống tướng chỉ huy của giặc là Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng. Và chủ đề 3 là “Ca khúc khải hoàn” diễn tả phong cảnh thanh bình của đất nước sau chiến thắng giặc ngoại xâm.

Theo Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, đây là lễ hội quân trên sông duy nhất tại Việt Nam, nằm trong khuôn khổ một lễ hội đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Dòng người từ mọi miền đất nước nườm nượp kéo về khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Dòng người từ mọi miền đất nước nườm nượp kéo về khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Trong những ngày này, về với lễ hội, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là dịp để mỗi người cảm nhận hồn thiêng sông núi, khí thế ngất trời của quân dân Đại Việt và khí phách lẫm liệt của vị anh hùng dân tộc kiệt xuất - Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đồng thời, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc và tinh thần chống giặc ngoại xâm cho các thệ hệ con dân nước Việt ngày nay và mai sau.

Đọc tiếp