Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo cập nhật của Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank – Mã: HDB), trong đó có đề cập đến thông tin ngân hàng có thể tham gia nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.
Trong đó, báo cáo viết: "Với những diễn biến gần đây trong việc nhận chuyển giao bắt buộc một số tổ chức tín dụng và kỳ vọng của các cơ quan chức năng về một hệ thống ngân hàng cô đặc hơn, chúng tôi cũng kì vọng ngân hàng có thể phát triển thông qua M&A hoặc phát hành riêng lẻ trong tương lai."
Về hoạt động kinh doanh của HDBank, VDSC dự báo năm 2022 lợi nhuận trước thuế ngân hàng có thể đạt 10.600 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Tăng trưởng tín dụng tăng 24% gồm khoảng 8.000 tỷ đồng từ hạn mức năm 2021.
Trong đó, tăng trưởng tín dụng, NIM và chi phí tín dụng sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm nay, các chuyên gia nhận định. Thu nhập phí thuần cũng được kỳ vọng sẽ là một động lực khác của lợi nhuận nhờ thu nhập từ bancassurance đang tăng nhanh và nền so sánh thấp của nó. Nhìn chung, tổng thu nhập hoạt động sẽ tăng nhẹ 7% theo quý lên 5.500 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 28% theo năm.
Tại quý I/2022, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của HDB giảm tốc và đạt 20% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được đưa ra là tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại, biên NIM giảm trong năm 2021, đóng góp thấp hơn từ CIR và đà tăng ổn định của chi phí tín dụng biên hợp nhất, dẫn dắt bởi HDSaison.
Tới quý II/2022, VCSC dự kiến lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 2.800 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó các yếu tố chính dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trong quý II này là tăng trưởng thu nhập lãi thuần, thu nhập dịch vụ thuần cùng với việc giảm chi phí dự phòng.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần sẽ đạt 4.200 tỷ đồng, tương đương mức tăng 21% theo năm và 4% theo quý, chủ yếu nhờ vào tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ (tăng 23% so với cùng kỳ) và NIM mở rộng.
Về vấn đề nợ xấu, ngân hàng đã hoàn thành trích lập dự phòng cho tổng dư nợ của các khách hàng cơ cấu vào cuối năm 2021. VDSC kỳ vọng nợ xấu hình thành sẽ giảm dần về phía cuối năm và làm giảm áp lực cho chi phí tín dụng
Trong năm 2022, chi phí dự phòng được dự phóng sẽ tăng 14% và 21% vào năm 2023 khiến chi phí tín dụng biên gần như đi ngang (1,1%).
Riêng trong quý I, chi phí dự phòng của ngân hàng cao hơn 53% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Áp lực trích lập dự phòng lớn chủ yếu đến từ HDSaison khi mà công ty tài chính tiêu dùng này có mức độ hình thành nợ xấu tăng cao trong hai quý vừa qua.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân là độ trễ của tác động từ đại dịch. Những thách thức về chất lượng tài sản sẽ vẫn còn trong ngắn hạn nhưng đóng góp của HDSaison vào kết quả hợp nhất sẽ tương đối được cải thiện nhờ doanh thu tốt hơn.
Mảng tài chính tiêu dùng của ngân hàng đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu 6,5% trong năm nay, so với 7,3% trong quý I. Điều này đòi hỏi sự cải thiện mạnh mẽ trong công tác quản lý nợ xấu để giảm tỷ lệ hình thành nợ xấu và tăng khả năng thu hồi nợ khó đòi cũng như tích cực xử lý rủi ro.
Trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra như dự kiến, các chuyên gia cho rằng tỷ lệ nợ xấu hình thành và chi phí tín dụng biên sẽ đạt đỉnh trong vòng hai quý tới.