Hệ sinh thái xe máy điện cho giao vận Selex Motors, một tầm nhìn ra Đông Nam Á

Hệ sinh thái xe máy điện cho giao vận Selex Motors, một tầm nhìn ra Đông Nam Á

Selex Motors Việt nAM
11:23 - 23/01/2023
Khởi nghiệp từ con số "0" như cách họ tự mô tả mình, những người sáng lập Selex Motors đặt mục tiêu phát triển một thương hiệu xe máy điện phục vụ giao vận hàng đầu Đông Nam Á.

3 chàng trai, Nguyễn Hữu Phước Nguyên (Giám đốc điều hành/Giám đốc công nghệ), Nguyễn Trọng Hải (Kỹ sư trưởng Kỹ thuật Cơ khí) và Nguyễn Đình Quảng (Kỹ sư trưởng Phần mềm) khởi nghiệp Selex Motor từ 2018 với một lựa chọn nhiều thách thức: nghiên cứu và phát triển một hệ sinh thái toàn diện và tối ưu cho xe máy điện với khát vọng cống hiến cho nước nhà, điều mà tưởng chừng như “không thể” đối với một start up sở hữu nguồn lực ít ỏi.

Tốt nghiệp tiến sĩ cơ khí từ Đại học Michigan tại Ann Arbor, Hoa Kỳ, Nguyễn Hữu Phước Nguyên từng làm việc cho các công ty trong lĩnh vực ô tô và quốc phòng ở Hoa Kỳ, Malaysia và Việt Nam. Chia sẻ với Mekong ASEAN vào một buổi chiều Tất niên, anh Nguyên nhìn nhận, giao thông thế giới đang đứng trước những thách thức lớn về ô nhiễm không khí, chi phí xăng dầu đắt đỏ và hiệu suất vận tải thấp. Nhiều thế hệ xe đã lạc hậu về công nghệ, không đáp ứng được các nhu cầu mới mẻ và đa dạng của người dùng đối với phương tiện giao thông trong kỷ nguyên công nghệ.

“Điều đó đã đưa nhân loại đến điểm đứt gãy thứ hai trong giao thông, mở ra thời đại của các phương tiện giao thông điện thông minh”, anh Nguyên nói.

Điểm đứt gãy thứ nhất xảy ra khi loài người rời khỏi lưng ngựa để bước lên những phương tiện mới lạ hoàn toàn vận hành bằng động cơ đốt trong như tàu hoả, ô tô. Và bây giờ, công nghệ đang đưa những phương tiện sử dụng nhiên liệu hoá thạch như xe máy đối diện với một sự đào thải mới của sự phát triển.

Việt Nam là thị trường xe máy lớn thứ tư thế giới (chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia) với hơn 50 triệu xe đã được tiêu thụ (bao gồm cả xe vận chuyển hàng hóa). Theo anh Nguyên, mỗi năm ước tính lượng xe máy này của Việt Nam “đốt” khoảng 5 tỷ USD tiền nhiên liệu và thải ra một lượng khí carbon khổng lồ.

Xe điện vì lẽ đó, là một thị trường tiềm năng, là xu thế tất yếu mặc dù còn rất nhiều loay hoay để có thể trở thành phương tiện giao thông chủ đạo tại Việt Nam. Một trong những vấn đề lớn nhất của phát triển xe điện ở Việt Nam là sự bất đồng trong quá trình nạp năng lượng. “Trung bình, người dùng đang phải mất thời gian quá lâu (3-8 giờ) để sạc đầy pin. Hơn hết, thị trường hiện nay quá thiếu cơ sở hạ tầng cho việc sạc pin hay thu nạp pin”, anh Nguyên nói.

Chính từ những bài toán khó ấy mà Selex Motors đã được thành lập với một tầm nhìn dù có vẻ vĩ cuồng nhưng đầy khao khát một lộ trình thực tế - trở thành một trong công ty hàng đầu về công nghệ tương lai, hướng tới phát triển bền vững phương tiện điện thông minh và đưa năng lượng sạch vào giao thông.

Tuy nhiên, việc bắt đầu từ con số “0” không bao giờ là dễ dàng. Anh Nguyễn Hữu Phước Nguyên chia sẻ, khởi nghiệp có khó khăn riêng của khởi nghiệp, nhất là trong gọi vốn đầu tư, đặc biệt khi đây là một lĩnh vực khá mới mẻ và có tính cạnh tranh cao. Đội ngũ sáng lập Selex Motors đã từng phải sử dụng tiền túi của mình để phục vụ nghiên cứu và duy trì công ty.

Cái khó tiếp là việc nghiên cứu và phát triển một sản phẩm xe điện hoàn chỉnh. Theo anh Nguyên, làm xe điện thì có nhiều cách và độ khó cũng khác nhau. Ví dụ như có thể mua sản phẩm từ nơi khác về và dán nhãn, bán dưới thương hiệu Việt Nam; đây là con đường mà rất nhiều người làm vì nó dễ và không tốn nhiều công sức. Hay có thể đặt thiết kế, mua công nghệ từ nước ngoài về lắp ráp trong nước cũng là một phương án dễ thực hiện nhưng lại đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn.

Dù chọn con đường khó, sau 5 năm, Selex Motors đã đạt được những thành quả nhất định. Anh Nguyên chia sẻ, tính đến hết năm 2022, Selex Motors đã sở hữu 10 bằng sáng chế, 5 thiết kế kiểu dáng công nghiệp, 4 nhãn hiệu được cấp...Selex Motors cũng đã thiết kế và xây dựng nhà máy sản xuất xe máy điện và pack pin lithium-ion với công suất lên đến 20.000 xe và 100.000 pack pin/năm. Các sản phẩm của công ty được sản xuất với tỷ lệ nội địa hoá hơn 70%, nhờ việc làm chủ toàn bộ quá trình phát triển và sản xuất xe máy điện thế hệ mới và pack pin lithium-ion.

Ngày 27/11 vừa qua, Selex Motors đã chính thức giới thiệu và cho ra mắt hệ sinh thái xe máy điện cho giao vận đầu tiên tại Việt Nam. Hệ sinh thái gồm 4 thành phần: xe máy điện Selex Camel, pin tương thích cao, trạm đổi pin tự động và ứng dụng quản lý xe.

Theo Selex Motors, mệnh danh là mẫu xe máy điện "bán tải", Selex Camel hướng đến khách hàng giao vận, chuyên chở hàng như những chú lạc đà (Camel) với năng lực chuyên chở vượt trội 50% khối lượng hoặc thể tích so với các dòng xe khác nhờ vào thiết kế độc đáo. Ngoài ra, xe có chi phí bảo trì thấp hơn 50% so với các dòng xe máy xăng phổ thông.

Về lý do chọn phân khúc xe điện cho giao vận để phát triển, nhà sáng lập của Selex Motors cho rằng, những người làm lĩnh vực giao vận sẽ là đối tượng quan tâm đến giá trị của xe điện nhiều nhất. Bởi lẽ, họ có nhu cầu di chuyển tương đối lớn, ước tính chi phí xe và nhiên liệu chiếm khoảng 50-60%.

"Do đó, để tối ưu trong chi phí vận chuyển thì xe điện dùng trong giao vận chặng cuối là sự lựa chọn hoàn toàn phù hợp”, anh Nguyên nhìn nhận.

Trong hệ sinh thái xe điện mà Selex Motors cung cấp, giải pháp đổi pin được coi là trọng tâm. Thay vì sạc pin mất 3-8 tiếng, người dùng có thể đổi pin đã hết, lấy pin đầy tại các trạm của Selex thông qua ứng dụng trên smartphone. “Quá trình đổi pin chỉ mất chưa đến 2 phút. Chi phí đổi pin thấp hơn giá xăng từ 25-35% tính trên cùng một quãng đường đi được”, anh Nguyên cho biết.

Đại diện Selex Motors cũng chia sẻ đã đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ bản quyền nhằm sản xuất ra loại pin có độ tính tương thích cao, sử dụng tốt cho 70% chủng loại xe máy điện đang lưu hành trên thị trường. Lợi thế này giúp người dùng của rất nhiều hãng xe điện khác có thể chia sẻ cùng một mạng lưới đổi pin, mở ra cơ hội xây dựng hạ tầng năng lượng chung cho xe máy điện.

Hiện tại, Selex Motors đang vận hành cơ chế cho thuê pin với 4 gói, gồm Economy, Saving, Super Saving và Max Saving. Thay vì thuê pin theo tháng, Selex Motors chọn cách cho thuê pin theo số km.

Hệ thống trạm sạc của Selex Motors dự kiến sẽ được đặt ở những nơi công cộng hay các trung tâm thương mại, sảnh chung cư,… nơi có thể thuận tiện nhất cho việc đổi pin của khách hàng.

Trả lời câu hỏi của Mekong ASEAN về việc bảo đảm an ninh cho trạm sạc, ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên cho biết những trạm sạc này đều được quản lý từ xa bằng phần mềm thông minh, có camera giám sát 24/24. “Khi trạm sạc xảy ra các vấn đề như cháy, bị dịch chuyển khỏi vị trí đặt hay có dấu hiệu lỗi, hỏng hóc,… thì trung tâm điều hành sẽ nhận được tín hiệu qua ứng dụng quản lý và sẽ xử lý kịp thời những lỗi này”, ông Nguyên thông tin.

Dự kiến thời gian tới, Selex Motors sẽ tập trung mở rộng mạng lưới đổi pin ở Hà Nội và TP HCM lên 200 trạm phục vụ các đối tác giao vận, hướng đến mở rộng mạng lưới đổi pin trên toàn quốc.

Sự thành công thực tiễn sẽ chỉ có thể được nhìn thấy ở thì tương lai. Hiện tại Selex Motors vẫn trong hình hài một doanh nghiệp trẻ với những khát vọng mạnh mẽ. Trong trung hạn, ngoài đối tác đã ký kết hợp tác - Lazada logistics, Selex Motors có kế hoạch hợp tác với những hãng giao vận khác, phát triển các mẫu xe nhắm tới các phân khúc khác nhau và hướng đến mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tháng 1/2022, Selex Motors gọi vốn thành công 2,1 triệu USD vòng hạt giống, với sự tham gia của các nhà đầu tư như ADB Ventures - Quỹ đầu tư mạo hiểm của Ngân hàng Phát triển châu Á và Nextrans - một trong những Quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc tích cực nhất tại Việt Nam.

Đọc tiếp