Hệ thống chiếu sáng thông minh có thể giảm tới 80% chi phí điện năng

Hệ thống chiếu sáng thông minh có thể giảm tới 80% chi phí điện năng

chiếu sáng Signify
10:54 - 11/11/2022
Thời gian gần đây, thế giới đang chứng kiến sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang dẫn đến tình trạng khủng hoảng năng lượng, ảnh hưởng trầm trọng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năng lượng dành để thắp sáng chiếm gần 20% lượng điện tiêu thụ và 6% lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới.

Để góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, một trong những bước dễ dàng, chủ động và ít tốn kém nhất là áp dụng hệ thống chiếu sáng thông minh được kết nối.

Hệ thống chiếu sáng thông minh được quản lý có thể giảm tới 80% chi phí năng lượng liên quan đến chiếu sáng, một lợi ích sâu rộng rất cần được cân nhắc cho phát triển bền vững.

Mekong-ASEAN có dịp trao đổi cùng ông Phùng Hoài Dương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Signify Việt Nam, một trong những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn giải pháp và cung cấp dịch vụ chiếu sáng thông minh.

Mekong – ASEAN: Thưa ông, từ đầu năm đến nay, thế giới đã chứng kiến sự khắc nghiệt của thời tiết, hậu quả của biến đổi khí hậu và sự trầm trọng của khủng hoảng năng lượng, dẫn đến việc nhiều nước đã phải nhanh chóng khởi động những nguồn năng lượng khác như năng lượng tái tạo, hạt nhân… nhằm bù đắp sự thiếu hụt. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Phùng Hoài Dương: Theo nhận định của Liên hợp quốc, sản xuất năng lượng từ nguyên liệu hóa thạch là nguồn phát thải khí nhà kính nhiều nhất. Bên cạnh đó các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, sản xuất lương thực thực phẩm, giao thông vận tải, xây dựng… cũng là những nguồn phát thải carbon dioxit, metan và các loại khí nhà kính rất lớn do sử dụng năng lượng hóa thạch trong quá trình sản xuất. Vì vậy việc chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất nên là yêu cầu bắt buộc.

Vấn đề cần thiết phải chuyển đổi năng lượng không phải bây giờ mới đặt ra mà đã được đề cập đến từ nhiều năm trước do sự nóng lên của trái đất, ô nhiễm môi trường và sự cạn kiệt dần các nguồn tài nguyên.

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022 - COP27 đang diễn ra tại Ai Cập từ ngày 6-18/11, ngoài những vấn đề thời sự về chiến tranh, khủng hoảng lương thực, lạm phát, khủng hoảng năng lượng, hội nghị cũng sẽ bàn thảo các biện pháp chống biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu, ô nhiễm môi trường và chuyển đổi năng lượng.

Tại Việt Nam, ngay sau Hội nghị COP26, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban. Ngoài ra, các khuôn khổ pháp lý liên quan đang được Việt Nam tích cực hoàn thiện, rà soát và các chiến lược, quy hoạch cũng được nghiêm túc điều chỉnh để thực hiện các cam kết này.

Từ đầu năm đến nay liên tục có những cảnh báo về sự thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu xăng dầu và điện. Vì vậy, chúng ta cần nhanh chóng chuyển dịch để tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo từ thủy điện, điện gió, điện mặt trời… đồng thời cũng phải tuyên truyền để tất cả các ngành, lĩnh vực, từ chính quyền đến doanh nghiệp, người dân đều sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn năng lượng.

Mekong – ASEAN: Như ông vừa đề cập, để đối phó với tình trạng khủng hoảng năng lượng, thì tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả chính là một trong những biện pháp hữu hiệu. Cụ thể vấn đề này là như thế nào?

Ông Phùng Hoài Dương: Theo Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 9/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2020 cả nước có 2.961 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (trong đó có 2.480 cơ sở sản xuất công nghiệp, 13 cơ sở sản xuất nông nghiệp, 80 đơn vị vận tải, 388 công trình xây dựng) với mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE (tấn dầu quy đổi) tương đương 6 triệu kWh điện/năm trở lên.

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hồi đầu tháng 10 cho biết, tổng số điện năng tiêu thụ mỗi năm của các cơ sở này là hơn 70 tỷ kWh, chiếm hơn 32% tổng mức tiêu thụ điện toàn quốc. Nếu các cơ sở này chỉ cần tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ mỗi năm thì hàng năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ kWh điện (tương đương khoảng 2.700 tỷ đồng).

Ông Phùng Hoài Dương giới thiệu các giải pháp công nghệ chiếu sáng của Tập đoàn Signify tại Tọa đàm "Công nghệ chiếu sáng kết nối hướng đến phát triển bền vững".

Các chuyên gia ngành năng lượng và tiết kiệm điện đã tính toán và chỉ ra rằng, chỉ cần áp dụng những biện pháp hợp lý hóa quy trình sản xuất; thay thế, cải tạo, nâng cấp các thiết bị cũ, sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao… Việt Nam đã có thể tiết kiệm từ 10% đến 20% năng lượng tại các nhà máy sản xuất.

Tại khu vực đô thị, các toà nhà, khu dân cư, trung tâm thương mại tiêu thụ hơn một nửa mức tiêu thụ điện trên toàn cầu do phải sử dụng năng lượng để sưởi ấm hoặc làm mát, chiếu sáng và sử dụng thiết bị gia dụng/thiết bị kết nối điều đó đồng nghĩa với việc thải ra một lượng khí thải nhà kính đáng kể.

Về chiếu sáng, điện năng sử dụng cho chiếu sáng chiếm khoảng 20% điện năng tiêu thụ. Nếu sử dụng hệ thống chiếu sáng thông minh được quản lý có thể giảm tới 80% chi phí năng lượng.

Mekong – ASEAN: Hệ thống chiếu sáng thông minh được quản lý như thế nào thưa ông?

Ông Phùng Hoài Dương: Nhiều thành phố trên khắp thế giới đã triển khai hàng loạt dự án đổi mới công nghệ đèn LED ở các quy mô khác nhau. Hệ thống chiếu sáng công cộng trong các thành phố này sử dụng các đèn LED được vận hành từ xa bằng một phần mềm quản lý chiếu sáng thông minh. Các bộ đèn này được kết nối không dây với nhau và được quản lý từ xa trên màn hình máy tính hoặc điện thoại di động, được lập trình sẵn thời gian bật tắt, tăng, giảm sáng và các chức năng thông minh khác.

Giải pháp chiếu sáng IoT mang tên Interact. Interact IoT là một nền tảng đám mây có tính bảo mật cao, hoạt động như một trung tâm thu nhận thông tin, kết nối, giám sát, và điều hành tất cả mọi hoạt động của hệ thống chiếu sáng IoT. Signify đã phát triển và tích hợp Interact vào các hệ thống chiếu sáng Philips LED hiện hữu dành cho thành phố thông minh, văn phòng, nhà máy, khách sạn, siêu thị, cảnh quan và khu thể thao.

Các cấu phần chiếu sáng IoT sẽ giúp đô thị và doanh nghiệp tận dụng chiếu sáng thông minh để nâng cao hiệu suất, cải thiện chất lượng sáng, giảm thiểu chi phí vận hành, giúp người quản lý ra quyết định và hành động hiệu quả hơn.

Cầu Rồng (Đà Nẵng) sử dụng hệ thống đèn LED thông minh của Signify

Cầu Rồng (Đà Nẵng) sử dụng hệ thống đèn LED thông minh của Signify

Mekong – ASEAN: Hệ thống chiếu sáng thông minh đã triển khai như thế nào trong phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam?

Ông Phùng Hoài Dương: Việc triển khai thực hiện các giải pháp chiếu sáng thông minh (bao gồm nguồn sáng, cảm biến, bộ điều khiển và truyền thông) góp phần tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải carbon, bảo vệ môi trường.

Thông qua Interact, những bài toán khó về chiếu sáng công cộng mà một hệ thống chiếu sáng thông minh cho thành phố cần giải quyết, đó là: an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội, ô nhiễm ánh sáng.

Cụ thể, một hệ thống Interact có thể tiết kiệm đến 80% năng lượng tiêu thụ cho chiếu sáng đô thị; cải thiện 50% hiệu suất vận hành chiếu sáng thành phố; giảm thời gian tắt đèn do sự cố xuống dưới 1% nhờ khả năng báo lỗi và xử lý sự cố kịp thời.

Theo đó, không gian đô thị thực sự trở nên đáng sống hơn cho tất cả công dân khi hệ thống chiếu sáng thông minh có thể giảm tới 30% tai nạn, giảm 20% tỉ lệ tội phạm, cải thiện mức độ an toàn cho giao thông và người đi bộ, giảm đến 80% khí thải CO2.

Các thành phố lớn tại Việt Nam như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… cũng đang triển khai thay thế hoàn toàn đèn cao áp truyền thống bằng đèn LED. Và hầu hết các cơ quan nhà nước đã sử dụng đèn LED tại các vị trí thích hợp nhằm tiết kiệm điện.

Mekong – ASEAN: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về hệ thống chiếu sáng thông minh do Signify phát triển?

Ông Phùng Hoài Dương: Signify tập trung cung cấp các sản phẩm, hệ thống và giải pháp chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, bao gồm đèn LED, các hệ thống chiếu sáng thông minh, có kết nối hỗ trợ con người (nền tảng IoT Interact), chiếu sáng hiệu suất cao, dành cho thị trường dân dụng lẫn chuyên dụng.

Giải pháp hệ thống chiếu sáng thông minh cho đô thị - theo triết lý và ứng dụng thực tế của Signify - phải đáp ứng ba nguyên tắc:

Thứ nhất, được xây dựng trên nền tảng hệ thống mở, đạt tiêu chuẩn công nghiệp để tối ưu khả năng kết hợp với các thiết bị từ nhiều nền tảng khác nhau.

Thứ hai, có khả năng mở rộng, ví dụ từ chục ngàn điểm đèn công cộng lên tới trăm ngàn điểm đèn chỉ sau một vài năm, phục vụ tầm nhìn phát triển lâu dài của hạ tầng đô thị.

Thứ ba, có khả năng kết nối, tích hợp với trung tâm điều khiển của thành phố để phục vụ công tác quản lý đô thị của các nhà chức trách.

Mekong – ASEAN: Được biết, bên cạnh hệ thống chiếu sáng thông minh cho đô thị, Signify còn phát triển các giải pháp chiếu sáng áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Giải pháp và hiệu quả kinh tế mang lại ra sao, thưa ông?

Ông Phùng Hoài Dương: Trong lĩnh vực thủy sản, Signify đã nghiên cứu và đưa ra kết quả thể hiện qua 3 khía cạnh quan trọng của ánh sáng, đó là quang phổ, cường độ và chu kỳ ánh sáng. Đây là giải pháp Philips LED Aqua-lighting mà Signify Việt Nam và ShrimpVet đã hợp tác thử nghiệm và đạt được thành công trong việc tăng năng suất nuôi tôm.

Hệ thống đèn chiếu giúp loại bỏ các thay đổi đột ngột của ánh sáng, căng thẳng và giảm thiểu tỷ lệ tử vong, đồng thời tăng cường khả năng miễn dịch của tôm. Tôm nuôi dưới hệ thống đèn này tiêu thụ ít thức ăn hơn nuôi trong điều kiện bình thường, giúp tăng hệ số chuyển đổi thức ăn từ 5-10%.

Hơn nữa, kết quả thử nghiệm cho thấy, cùng một lượng thức như bình thường, tôm nuôi tăng từ 10-15% trọng lượng cơ thể. Như vậy, phương thức áp dụng công nghệ ánh sáng này đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người nuôi tôm.

Giải pháp chiếu sáng cho nuôi trồng thủy sản Philips LED Aqua-lighting.

Trong lĩnh vực trồng trọt, chiếu sáng nhân tạo đóng vai trò quan trọng giúp cung cấp lượng ánh sáng cần thiết để kích thích và nuôi dưỡng cây trồng. Và đèn LED với nhiều ưu điểm vượt trội, đặc biệt với khả năng lựa chọn bước sóng, là sự lựa chọn phù hợp nhất trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao: giúp gia tăng sản lượng qua việc đem lại quang phổ ánh sáng tối ưu cho từng loại cây trồng mà không tăng độ nóng; cải thiện hương vị, hàm lượng vitamin C và tiết kiệm chi phí.

Mekong – ASEAN: Trong xu hướng kinh tế tuần hoàn hiện nay, Signify có biện pháp gì đối với các sản phẩm thải loại, rác thải công nghiệp?

Ông Phùng Hoài Dương: Trong nền kinh tế tuần hoàn, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng doanh thu, phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường cũng là một trong những tiêu chí Signify theo đuổi.

Tại tất cả các cơ sở sản xuất của Signify, chất thải công nghiệp được thu gom, tái chế và hạ được tỷ lệ rác thải đến bãi chôn lấp xuống bằng 0 từ năm 2020. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hoàn toàn sử dụng điện từ nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải carbon. Từ tháng 9/2020, Signify đã đạt mức trung hòa carbon 100% cho tất cả các hoạt động trên toàn thế giới.

Năm 2021, doanh thu của tập đoàn đạt 6,9 tỷ Euro. Trong đó, 25-27% doanh thu đến từ các sáng kiến đổi mới về ánh sáng giúp tăng lượng thực phẩm sẵn có, an toàn và an ninh, hoặc sức khỏe và hạnh phúc. 84,1% doanh số từ sản phẩm bền vững.

Bộ sưu tập đèn in 3D thả trần Coastal Breeze vừa được trao giải thưởng thiết kế Gold International Design Excellence Award (IDEA).

Trong năm 2022, công ty đang triển khai giải pháp mang tên 3D-printing, cung cấp các bộ đèn theo ý muốn chủ quan của khách hàng. Công nghệ đèn in 3D của Signify cho phép khách hàng tự thiết kế kiểu dáng, màu sắc, chất liệu của đèn tùy theo nhu cầu. Sau đó, đèn sẽ được sản xuất nhanh theo công nghệ in 3D.

Bằng cách này, sản phẩm sẽ chỉ được sản xuất khi có yêu cầu, hạn chế chi phí lưu kho và tối ưu hiệu quả sản xuất. Và đặc biệt, sản phẩm này được sản xuất từ nguyên vật liệu tái chế cũng như có khả năng tái chế cao.

Mekong – ASEAN: Ông có thể cho biết lý do Tập đoàn quyết định thay đổi tên thương hiệu Philips, đã nổi tiếng khắp toàn cầu và quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam, sang Signify?

Ông Phùng Hoài Dương: Từ 2018, tên công ty được đổi từ Tập đoàn Philips Lighting thành Signify, tuy nhiên thương hiệu toàn cầu vẫn là Philips. Bên cạnh thương hiệu Philips, chúng tôi cũng giới thiệu thêm nhiều thương hiệu nổi tiếng như Interact, Hue, WiZ, Color Kinetics, Dynalite.

Signify được cân nhắc, chọn lọc kỹ lưỡng dựa trên thực tiễn rằng ánh sáng đã trở thành một ngôn ngữ thông minh, có thể kết nối và truyền tải ý nghĩa.

Signify tái khẳng định mục đích mạnh mẽ của công việc mà công ty luôn nỗ lực thực hiện, đó là: khai phá tiềm năng phi thường của ánh sáng vì một cuộc sống tươi sáng và một thế giới tốt đẹp hơn”. Ngoài ra, tên mới cũng chuyển tải vị thế dẫn đầu ngành công nghiệp của công ty trong thời đại Kết Nối Vạn Vật (Internet of Things - IoT).

Xin cảm ơn ông!

Đọc tiếp