Hơn 1 triệu người Pháp tiếp tục biểu tình phản đối nâng tuổi hưu

Biểu tình Pháp
08:59 - 24/03/2023
Cảnh sát Pháp ngày 23/3 buộc phải sử dụng hơi cay để đối phó với những người biểu tình bạo lực khi người dân xuống đường tuần hành phản đối kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu của chính phủ trong một cuộc biểu tình toàn quốc.

Ngày 23/3, Bộ Nội vụ Pháp cho biết khoảng 1,089 triệu người đã biểu tình trên khắp đất nước, trong đó có 119.000 người ở thủ đô. Đây là một kỷ lục kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng 1. Trong khi đó, công đoàn CGT cho biết 3,5 triệu người đã tuần hành trong nước, bằng với mức cao trước đó vào ngày 7/3.

Theo hãng tin Reuters, ngày thứ 9 của các cuộc biểu tình trên toàn quốc tại Pháp làm gián đoạn giao thông tàu hỏa cùng đường hàng không trong khi giáo viên cũng bắt đầu tham gia vào việc đình công phản đối.

Sản lượng điện bị cắt giảm khi các công đoàn gây áp lực lên chính phủ để rút lại luật. Cơ quan hàng không dân dụng Pháp cho biết các chuyến bay sẽ tiếp tục giảm vào cuối tuần này.

Các cuộc biểu tình cũng nhằm vào các kho chứa dầu và chặn một nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở thành phố phía bắc Dunkirk. Các cuộc đình công dồn dập tại các kho chứa dầu và nhà máy lọc dầu đã dẫn đến tình trạng thiếu xăng nghiêm trọng ở miền đông nam và miền tây nước Pháp.

Một người đàn ông ở Lille, miền bắc nước Pháp, giơ biểu ngữ "không" tại cuộc biểu tình ngày 23/3. Ảnh: Getty Images

Một người đàn ông ở Lille, miền bắc nước Pháp, giơ biểu ngữ "không" tại cuộc biểu tình ngày 23/3. Ảnh: Getty Images

Tại trung tâm thủ đô Paris, một số nhóm như nhóm theo chủ nghĩa vô chính phủ Black Bloc đã đập phá cửa sổ các cửa hàng, phá dỡ đồ đạc trên đường phố và lục soát một nhà hàng McDonald's. Các cuộc đụng độ xảy ra sau đó khi cảnh sát chống bạo động đẩy lùi những người này bằng hơi cay và lựu đạn gây choáng.

Cho tới tận đêm khuya, các nhóm nhỏ vẫn tiếp tục đụng độ với cảnh sát Paris và đốt lửa khắp trung tâm thành phố. Cảnh sát cũng đã bắn hơi cay vào một số người biểu tình ở một số thành phố khác, bao gồm Nantes và Lorient ở phía tây, Lille ở phía bắc, và sử dụng vòi rồng chống lại những người biểu tình khác ở Rennes phía tây bắc.

Trong khi đó, các công đoàn cũng tiếp tục kêu gọi một cuộc biểu tình mới ngày 28/3 - ngày mà Vua Charles của Anh dự kiến sẽ từ Paris đến Bordeaux bằng tàu hỏa. Tuy nhiên lối vào chính của tòa thị chính Bordeaux đã bị đốt cháy trong cuộc biểu tình ngày 23/3, vài ngày trước khi ông chuẩn bị đi bộ trong chuyến thăm thành phố phía tây nam.

Phát biểu về cuộc biểu tình toàn quốc ngày 23/3, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết 149 cảnh sát bị thương và 172 người đã bị bắt trên cả nước. Hàng chục người biểu tình cũng bị thương, trong đó có một phụ nữ bị mất ngón tay cái ở thị trấn Rouen thuộc Normandy.

Khung cảnh biểu tình tại thủ đô Paris, Pháp ngày 23/3, Ảnh: Reuters

Khung cảnh biểu tình tại thủ đô Paris, Pháp ngày 23/3, Ảnh: Reuters

Việc Tổng thống Emmanuel Macron ngày 22/3 phá vỡ nhiều tuần im lặng về chính sách mới khi khẳng định luật sẽ bắt đầu đi vào hiệu lực từ cuối năm nay, đồng thời so sánh các cuộc biểu tình với cuộc tấn công vào Điện Capitol của Mỹ ngày 6/1/2021 không khiến tình hình bớt căng thẳng hơn.

Các liên đoàn lao động lo ngại các cuộc biểu tình có thể trở nên ngày càng bạo lực nếu chính phủ không chú ý đến sự tức giận ngày càng tăng của người dân đối với kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu. Theo Reuters trích dẫn phó tổng thư ký công đoàn CFDT Marylise Leon, “đây là phản ứng trước sự ngoan cố khó hiểu của tổng thống”. Bà khẳng định trách nhiệm của tình huống bùng nổ này không thuộc về các công đoàn mà thuộc về chính phủ.

Các cuộc thăm dò ý kiến từ lâu đã cho thấy đa số cử tri phản đối luật tăng tuổi nghỉ hưu. Sự tức giận dâng cao vào tuần trước khi chính phủ đưa ra những thay đổi thông qua hạ viện của quốc hội mà không cần bỏ phiếu.

Trong vòng một tuần kể từ thời điểm đó, các cuộc biểu tình ở Paris và các thành phố khác liên tục diễn ra với những thùng rác bị đốt cháy và người biểu tình đụng độ với cảnh sát. Đây là thách thức nghiêm trọng nhất đối với chính quyền của ông Macron kể từ cuộc biểu tình của những người có thu nhập thấp cách đây 4 năm.

Với lạm phát cao, chính phủ đang hy vọng các cuộc đình công sẽ dần mất đi động lực khi người lao động không đủ khả năng chi trả cho nhiều ngày lương bị mất do đình công. Bộ trưởng Lao động Pháp Olivier Dussopt cho biết chính phủ không phủ nhận các vấn đề nhưng muốn vượt qua chúng. Theo Laurent Berger, người đứng đầu công đoàn CFDT ôn hòa, khả năng đàm phán được để mở nhưng chính phủ phải có hành động trước.

Cảnh sát chống bạo động và người biểu tình đụng độ tại Nantes, Pháp ngày 23/3. Ảnh: Reuters

Cảnh sát chống bạo động và người biểu tình đụng độ tại Nantes, Pháp ngày 23/3. Ảnh: Reuters

Người biểu tình và cảnh sát đối đầu tại Nantes, Pháp ngày 23/3. Ảnh: Reuters

Người biểu tình và cảnh sát đối đầu tại Nantes, Pháp ngày 23/3. Ảnh: Reuters

Cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán đám đông tại Paris, Pháp ngày 23/3. Ảnh: Reuters

Cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán đám đông tại Paris, Pháp ngày 23/3. Ảnh: Reuters

Người biểu tình đốt lửa tại Nantes, Pháp với dòng chữ bên cạnh là "Macron = Hỗn loạn" ngày 23/3. Ảnh: Reuters

Người biểu tình đốt lửa tại Nantes, Pháp với dòng chữ bên cạnh là "Macron = Hỗn loạn" ngày 23/3. Ảnh: Reuters

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.