Hỗn loạn khi Pháp thông qua dự luật nâng tuổi nghỉ hưu

Biểu tình Pháp
14:06 - 17/03/2023
Tối ngày 16/3, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã sử dụng một thủ tục đặc biệt nhằm thúc đẩy dự luật cải cách tuổi nghỉ hưu thông qua Quốc hội mà không cần bỏ phiếu, gây ra tình trạng hỗn loạn không chỉ ở Quốc hội mà còn trên đường phố Paris.

Việc thông qua dự luật này sau nhiều tuần phản đối và tranh luận gay gắt sẽ đồng nghĩa với việc tuổi nghỉ hưu cho người lao động tại Pháp sẽ tăng thêm 2 năm từ 62 lên 64 tuổi. Chính phủ Pháp cho biết điều này là cần thiết để đảm bảo hệ thống lương hưu không lâm vào khủng hoảng trong bối cảnh dân số già hóa.

Tuy nhiên, việc thúc đẩy dự luật thông qua mà không cần bỏ phiếu cũng thể hiện Tổng thống Emmanuel Macron và chính phủ của ông đã không giành được đa số ủng hộ trong Quốc hội. Thêm vào đó, nó còn tạo ra một khung cảnh hỗn loạn tại đây.

Theo Reuters, ngay khi bà Elisabeth Borne tới Quốc hội để đưa ra thông báo viện dẫn điều 49.3 của hiến pháp trong việc bỏ qua việc bỏ phiếu tối ngày 16/3, bà đã ngay lập tức vấp phải nhiều tiếng la ó và chế nhạo yêu cầu bà từ chức. Trả lời về lý do viện dẫn điều 49.3, bà Borne tuyên bố chính phủ “không thể đánh cược vào tương lai của hệ thống lương hưu”, do đó “cải cách này là cần thiết”.

Lời giải thích này không thể làm hài lòng các nghị sĩ có mặt tại đó. Phiên họp thậm chí còn phải tạm dừng trong 2 phút do các nhà lập pháp cánh tả hát quốc ca lớn tới mức bà Borne không thể phát biểu trong khi một số người khác giơ cao các tấm biển với dòng chữ “Nói không với 64 năm”. Dù phiên họp có thể tiếp tục sau đó, bài phát biểu của bà Borne vẫn liên tục bị át đi bởi những tiếng la ó và phản đối.

Khi đưa ra nhận định về động thái này, Reuters trích dẫn lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen tuyên bố bà Borne nên từ chức. Theo bà Le Pen, “việc sử dụng điều 49.3 vào phút cuối này là một dấu hiệu của sự yếu đuối”, đồng thời khẳng định Thủ tướng Pháp “cần phải ra đi”.

Ngược lại, bà Elisabeth Borne bày tỏ thái độ không đồng tình với khả năng từ chức của mình trong một cuộc phỏng vấn với bản tin buổi tối của đài truyền hình TF1. Bà cho biết mình vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước mắt trong bối cảnh “cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng khí hậu và chiến sự tại Ukraine đang tiếp diễn”.

Người biểu tình giương biểu ngữ khi tập trung tại Place de la Concorde gần Quốc hội. Ảnh: Reuters

Người biểu tình giương biểu ngữ khi tập trung tại Place de la Concorde gần Quốc hội. Ảnh: Reuters

Trong lúc Quốc hội Pháp gặp hỗn loạn, đường phố Paris cũng đang gặp phải tình trạng tương tự. Ngay khi thông tin dự luật cải cách tuổi nghỉ hưu được thông qua mà không cần bỏ phiếu được công bố, một cuộc biểu tình tự phát và không có kế hoạch của khoảng 7.000 người đã diễn ra tại Place de la Concorde ở Paris, đối diện với quốc hội bên kia sông Seine.

Cảnh sát đã phải sử dụng tới hơi cay và vòi rồng trong nỗ lực giải tán đám đông khi một số người biểu tình ném đá cuội. Theo Le Figaro, cảnh sát đã bắt giữ 120 người trong khi một sĩ quan cảnh sát được cho là đã bị thương khi đối phó với những người biểu tình.

Một số thành phố khác của Pháp bao gồm cả Marseille cũng có những cuộc biểu tình tự phát chống lại cải cách. Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh cũng nổ ra ở các thành phố Nantes và Rennes phía tây cũng như Lyon ở phía đông nam.

Các công đoàn cũng thể hiện động thái phản đối gay gắt của mình khi kêu gọi thêm một ngày đình công vào 23/3 tới để chống lại cải cách. Guardian trích dẫn người đứng đầu công đoàn CGT Philippe Martinez cho biết việc ép buộc thông qua luật “thể hiện sự coi thường đối với người dân”.

Trước đó khi trả lời hãng tin Reuters, người đứng đầu Đảng Xã hội Olivier Faure cũng từng nhận định việc sử dụng điều 49.3 có thể giải phóng "sự tức giận không thể kiểm soát" sau nhiều tuần đình công và biểu tình rầm rộ. Các yếu tố này có khả năng sẽ khiến tình hình phức tạp hơn trong bối cảnh sản xuất điện vốn đã bị ảnh hưởng, các chuyến hàng từ các nhà máy lọc dầu bị chặn trong khi rác thải chất đống trên đường phố Paris.

Các đảng đối lập cho biết sẽ yêu cầu một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ và việc bỏ phiếu sẽ được tiến hành trong những ngày tới, có khả năng cao là vào 20/3.

Người biểu tình tại Ancenis-Saint-Gereon, Pháp ngày 15/3. Ảnh: Reuters

Người biểu tình tại Ancenis-Saint-Gereon, Pháp ngày 15/3. Ảnh: Reuters

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.