Phát biểu tại Hội nghị hợp tác địa phương Việt Nam - Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Ảnh: TTX |
Chiều 23/11, tiếp tục chương trình chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị hợp tác địa phương Việt - Nhật do chính quyền tỉnh Tochigi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp tổ chức.
Lý giải việc lựa chọn Tochigi là điểm đến đầu tiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng về sự đón tiếp nồng hậu, thân tình của lãnh đạo và nhân dân nơi đây. Bên cạnh đó, Tochigi là tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, chú trọng phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội và các lĩnh vực khác.
"Với hướng phát triển cân bằng giữa công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và khoa học công nghệ, Tochigi đã đi đúng hướng và trở thành tỉnh có quy mô nền kinh tế lớn trên dưới 100 tỷ USD, bằng 1/4 tổng giá trị nền kinh tế của Việt Nam; có bình quân đầu người lớn thứ 3 trong các tỉnh, thành của Nhật Bản”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo trong đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trò chuyện với Thống đốc tỉnh Tochigi để chia sẻ về cơ hội hợp tác giữa hai bên. Ảnh: TTX |
Trong khi đó, quan hệ giữa các địa phương Việt Nam – Nhật Bản là một trụ cột hợp tác quan trọng trong hợp tác song phương. Hội nghị hợp tác địa phương tại Tochigi nhân chuyến thăm của thủ tướng Việt Nam hôm nay có sự tham gia của đại diện 10 tỉnh, thành phố tiêu biểu đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam, cho thấy tiềm năng hợp tác giữa tỉnh Tochigi và các địa phương của Việt Nam còn rất lớn.
Hiện đã có 22 doanh nghiệp của Tochigi đang đầu tư tại Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam hiện cũng là cộng đồng người nước ngoài lớn nhất tại tỉnh Tochigi với 8.000 người. Thống đốc tỉnh Tochigi đã nhiều lần dẫn đầu các đoàn đại biểu tới Việt Nam xúc tiến đầu tư, thương mại giữa các địa phương của hai bên.
Với nền tảng này, Thủ tướng khẳng định Việt Nam rất coi trọng và sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa để tỉnh tăng cường hợp tác với các địa phương của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các các doanh nghiệp tỉnh Tochigi nói riêng và Nhật Bản nói chung đầu tư thành công, bền vững ở Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu…
“Mong các bạn tới Việt Nam để tận mắt chứng kiến những sự thật mà tôi vừa nói. Quan trọng nhất là chúng ta có niềm tin, sự hiểu biết và sự tôn trọng lẫn nhau để hợp tác trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng phát biểu với lãnh đạo chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp địa phương.
Ông cũng nêu nhiều bối cảnh thuận lợi cho việc đầu tư trên, điển hình là độ tin cậy chính trị giữa hai nhà nước và nhân dân ngày càng được tăng cường. "Sau chuyến thăm này, độ tin cậy chính trị giữa hai bên sẽ được nâng lên, mở ra chương mới của sự phát triển, nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản; đồng thời, thúc đẩy quan hệ mọi mặt về thương mại, kinh tế, đầu tư", Thủ tướng nhấn mạnh.
Khẳng định Việt Nam có nền chính trị ổn định và cũng đang tích cực thực hiện các đột phá chiến lược, từng bước hoàn thiện và ổn định thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm chi phí đầu vào, Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên các doanh nghiệp Nhật Bản có thể yên tâm đầu tư lâu dài và có tính chiến lược vào thị trường Việt Nam.
Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh, khi Việt Nam chưa có vaccine và thuốc điều trị nên phải áp dụng các biện pháp hành chính, song Thủ tướng cũng cho rằng những khó khăn này chỉ là tạm thời. Ông mong các doanh nghiệp Nhật Bản luôn chia sẻ, thấu hiểu và kiên trì, mở rộng thị trường, mở rộng đầu tư về cả số lượng và chất lượng ở Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22 đến 25/11 theo lời mời của người đồng cấp Nhật Bản. Chuyến thăm không những thắt chặt hơn nữa quan hệ tốt đẹp giữa hai nước mà còn là cam kết của Thủ tướng trong quan hệ với Nhật Bản. Hiện Nhật là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam (khoảng 27 tỷ USD), đối tác lớn thứ 2 về vốn FDI (lũy kế đạt 64 tỷ USD), đối tác thứ 3 về khách du lịch (gần 1 triệu lượt khách Nhật tới Việt Nam trong năm 2019) và đối tác thương mại lớn thứ 4 (kim ngạch hai chiều đạt khoảng 40 tỷ USD/năm).