Sau hai năm bị chia cắt bởi Covid-19, Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Việt Nam - Nhật Bản nâng tầm quan hệ hợp tác cùng phát triển” sáng 25/11 là sự kiện kết nối đầu tư đầu tiên của hai nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ cảm nhận được sự chân thành và tin tưởng của nhà đầu tư Nhật với Việt Nam. Ngoài việc cam kết tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, lần này ông dành nhiều thời gian hơn để nói về việc sẽ đảm bảo sự ổn định chính trị và an ninh con người cho nhà đầu tư Nhật Bản.
|
Theo ông, ổn định chính trị là điều hết sức quan trọng với mọi nhà đầu tư để có thể phát triển các ý tưởng kinh doanh và gắn bó lâu dài. Ông nhắc lại những điểm nhấn của tuyên bố chung Việt - Nhật đã đạt được sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Thủ tướng đánh giá hoạt động đầu tư đang diễn ra trong bối cảnh quan hệ và bầu không khí chính trị của hai nước "tốt đẹp nhất".
Chia sẻ với các nhà đầu tư Nhật Bản, ông đề cập một trong những điểm mới của Đại hội XIII của Đảng vừa qua là phát huy giá trị con người, lấy con người vừa là trung tâm vừa là chủ thể, động lực và mục tiêu cho sự phát triển. Ông tin mọi nhà đầu tư đều muốn làm ăn ở một nước có những con người đáp ứng được chiến lược lâu dài. Người Việt Nam, theo ông, có những ưu điểm đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư như cần cù, cầu thị, thông minh linh hoạt trong các điều kiện, đặc biệt là trong khó khăn.
"Dân tộc chúng tôi càng khó khăn càng đoàn kết, càng tìm cách vượt qua nó. Mỗi lần khó khăn đều trưởng thành và khẳng định giá trị con người Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. Điểm mới nữa ông muốn chia sẻ với nhà đầu tư là việc đã đưa vấn đề bảo vệ an ninh con người vào chủ trương của Việt Nam. Việc này cũng đang được thể chế hoá để đưa vào thực tế. "Các bạn đến đầu tư, được bảo vệ quyền con người, an ninh. Có cơ hội thực hiện ý tưởng kinh doanh hay không còn phụ thuộc vào sự an toàn", ông nói thêm.
Không chỉ nói về những cơ hội Việt Nam mang tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề cập những khó khăn của một đất nước đang phát triển và ông kêu gọi sự chia sẻ của các nước phát triển như Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam khắc phục.
Hợp tác phát triển kinh tế xanh và bền vững
Dù có nhiều thuận lợi, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và sự nóng lên của trái đất, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, già hóa dân số… “Đây là những vấn đề có tính chất toàn cầu, tác động đến toàn dân nên cần cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và cần đoàn kết, chung tay vượt qua thách thức cùng nhau phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các nhà đầu tư vào Việt Nam sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đổi mới sáng tạo. Đồng thời, ông kêu gọi tranh thủ các nguồn tài chính, đặc biệt tài chính xanh để phục vụ cho phát triển xanh, bền vững; kêu gọi công nghệ xanh, công nghệ sạch để phát triển bền vững. Về phần mình, ông cam kết Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, chống tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu.
“Nhật Bản có thế mạnh, còn Việt Nam có cơ hội. Chúng ta cũng có một nền tảng là tình cảm giữa hai nước và sự chân thành, tin cậy được kiểm chứng, nuôi dưỡng, phát huy trong gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao”, Thủ tướng chia sẻ và đánh giá đây là những điều kiện thuận lợi để hai bên cùng nhau hợp tác, cùng nhau chiến thắng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang có chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 22 đến 25/11. Ông là lãnh đạo đầu tiên tới thăm chính thức Nhật Bản kể từ khi ông Kishida Fumio nhậm chức hồi đầu tháng 10.
Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam vào năm 2011. Nhật cũng là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Nhật Bản gần đây là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam, đồng thời là thị trường tiềm năng cho lao động Việt Nam.