Chiều 7/7, UBND tỉnh Hưng Yên đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên Trần Quốc Toản cho biết, hội nghị công bố quy hoạch tỉnh có ý nghĩa quan trọng đối với Hưng Yên nhằm thông tin tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân về phương hướng phát triển, phương án tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và các phương án quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành để phát triển tỉnh Hưng Yên nhanh và bền vững.
Để quy hoạch phát huy hiệu quả, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, cùng với việc công bố các nội dung cơ bản của quy hoạch, tỉnh Hưng Yên còn giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, định hướng thu hút đầu tư đến các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp và trao các quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ, các Ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng và sự đồng hành, hợp tác của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và sự ủng hộ, hỗ trợ của toàn thể nhân dân trong quá trình thực hiện quy hoạch tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN. |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Hưng Yên có rất nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt Hưng Yên còn "gần Hà Nội hơn Hà Nội". Tuy nhiên để khai thác hết những tiềm năng vốn có, Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần ưu tiên cho phát triển hạ tầng, kết nối giao thông để Hưng Yên gần hơn với Hà Nội, Hải Phòng, các trung tâm kinh tế lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Khẳng định quy hoạch có vai trò rất quan trọng, dẫn dắt, định hướng khai thác, sử dụng hiệu quả không gian; tạo cơ hội lớn, lâu dài; là động lực quan trọng cho phát triển nhanh, bền vững đất nước và các địa phương, Thủ tướng yêu cầu Đảng Bộ, lãnh đạo tỉnh phải luôn đổi mới tư duy, cách làm để triển khai quy hoạch một cách đồng bộ, hiệu quả, hiện đại, thông minh.
Gợi ý một số phương hướng phát triển, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hưng Yên tập trung khai thác giá trị cốt lõi của Phố Hiến. Theo Thủ tướng, khu vực này nổi tiếng với câu nói "Nhất kinh kỳ, nhì Phố Hiến", tiềm năng thì có nhưng phát triển thì chưa cao, do vậy tỉnh cần tận dụng tối đa lợi thế khác biệt, tiềm năng sẵn có để mở rộng không gian phát triển, đưa Phố Hiến trở thành hạt nhân phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh.
Cùng với đó tỉnh cần phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm; đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất cung ứng, nhất là những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.
Thủ tướng cũng đề nghị Hưng Yên tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tìm hiểu, lập dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh; làm tốt công tác thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn.
Không hy sinh các giá trị xã hội cho phát triển công nghiệp
Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh Hưng Yên trong quá trình phát triển phải lưu ý yếu tố con người, đảm bảo an sinh xã hội bên cạnh phát triển các khu công nghiệp cũng cần phát triển y tế, giáo dục. Thủ tướng đề nghị mở rộng phát triển các khu công nghiệp ra các vùng lân cận, ngoại ô, các quỹ đất trong trung tâm thành phố ưu tiên cho giáo dục, không thể vì thiếu vài trăm héc ta đất làm khu công nghiệp mà bỏ đi khu Đại học Hưng Yên.
Thủ tướng lưu ý Hưng Yên cần đầu tư cho yếu tố con người. |
"Tư tưởng quy hoạch khu Đại học Hưng Yên là rất chính xác, góp phần làm Hưng Yên phát triển bền vững và nhanh hơn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đề xuất khi tỉnh có điều kiện hơn có thể mở rộng các khu công nghiệp ra các vùng lân cận như Ân Thi bởi ở các khu vực này đất đai vẫn còn rất nhiều, Hưng Yên định hướng phát triển đô thị xanh và bền vững thì cần phát triển các khu công nghiệp ở vùng ngoại ô, khu vực trung tâm ưu tiên cho giáo dục, y tế, dịch vụ.
Thủ tướng cũng đề nghị Hưng Yên trong quá trình phát triển phải chú trọng vấn đề môi trường và có biện pháp xử lý vấn đề môi trường ở khu vực sông Bắc - Hưng - Hải.
Nhắc đến Hưng Yên là nhắc đến nông nghiệp, do vậy Thủ tướng yêu cầu tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh; chú trọng phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao.
Hoan nghênh các doanh nghiệp đã chọn Hưng Yên để đầu tư, Thủ tướng tin tưởng các dự án sẽ thành công, mang lại hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp, nhà đầu tư kinh doanh và đầu tư đúng quy định của pháp luật; thực hiện thật tốt văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, đảm bảo các chế độ, chính sách cho người lao động.
Tỉnh Hưng Yên trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao tỉnh Hưng Yên tiếp tục bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển; thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc trung ương
Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 489/QĐ-TTg, ngày 10/6/2024, xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Về kinh tế, mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 9,0%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 278 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2030: Nông nghiệp, thủy sản 3,6%; công nghiệp, xây dựng 64,1%; khu vực dịch vụ 25,4%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2030 khoảng 700.000 tỷ đồng.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 12-13 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng đạt tăng 8,5-9,0%/năm giai đoạn 2021-2030.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc trung ương; thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là nơi đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là trung tâm kết nối giữa các địa phương trong vùng và cả nước.
Quy hoạch tỉnh Hưng Yên xác định 3 ngành quan trọng gồm công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp; tổ chức hoạt động kinh tế xã hội theo mô hình “mạng lưới,” đa cực tích hợp, dựa trên cấu trúc khung phát triển gồm 2 vùng, 2 hành lang, 5 trục, 3 trung tâm.
Trong số đó, 2 vùng kinh tế xã hội gồm: Vùng phát triển phía Nam là vùng phát triển đô thị - khoa học công nghệ - dịch vụ - du lịch và công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng phát triển phía Bắc là vùng phát triển đô thị công nghiệp năng động của tỉnh gắn với Thủ đô Hà Nội, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trục hành lang kinh tế đô thị quan trọng quốc gia, quốc tế và cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.
Hai hành lang kinh tế là hành lang công nghiệp đô thị cấp vùng gắn với quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và hành lang văn hóa - lịch sử - sinh thái sông Hồng, phát triển du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái gắn với tuyến đường “Di sản” ven sông Hồng.