Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hưng Yên và các thành viên UBND tỉnh vừa tổ chức phiên họp (ngày 21/8) để xem xét, cho ý kiến về việc xây dựng dự thảo Báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 24/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Đề án Phát triển tổng thể kinh tế - xã hội vùng bãi sông Hồng, sông Luộc tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án). Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn chủ trì phiên họp.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TVHY. |
Theo Đề án, đến năm 2025 tỉnh Hưng Yên phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng bãi bình quân 5 năm đạt 7,0 - 8,0%; giá trị thu được từ một ha đất canh tác đạt trên 250 triệu đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo vùng bãi đạt 71%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1% vào cuối năm 2025; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt 100%.
Cùng với đó, phát triển một số khu đô thị mới, đô thị sinh thái, nhà ở cao cấp, trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao cao cấp gắn với phát triển dịch vụ, du lịch...
Phát triển 3 tuyến du lịch văn hóa, lịch sử (quần thể di tích Phố Hiến; đền Đa Hòa, xã Bình Minh - đền Hóa, xã Dạ Trạch, lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung; địa điểm cây đa và đền La Tiến, đền Tống Trân - Cúc Hoa); mở rộng phát triển du lịch văn hóa, lịch sử gắn với du lịch tham quan, trải nghiệm, sinh thái, trang trại, nông nghiệp nông thôn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế...
Hưng Yên sẽ phát triển một số khu đô thị mới, mở rộng phát triển du lịch văn hóa, lịch sử gắn với du lịch tham quan, trải nghiệm… vùng bãi sông Hồng, sông Luộc. |
Báo cáo cáo tại phiên họp cho biết, đến tháng 6/2023, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu của Đề án như tốc độ tăng trưởng bình quân vùng bãi đạt 7% (đạt 100% mục tiêu Đề án); duy trì số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%, 100% số trạm y tế xã đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được ít nhất 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã (đạt 100% mục tiêu của Đề án).
Ngoài ra, tại các xã vùng bãi trên địa bàn tỉnh có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 100,5% mục tiêu Đề án), 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 100% mục tiêu Đề án) và có 46 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (đạt 150% mục tiêu Đề án)...
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn định hướng một số nội dung trong việc thực hiện các giải pháp thực hiện Đề án. Trong đó, điều chỉnh mục tiêu phát triển Đề án giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 có tầm nhìn đến 2050 với một số mục tiêu cụ thể như phát triển nông nghiệp công nghệ cao; một phần diện tích điều chỉnh thêm đất ở đô thị; phấn đấu Hưng Yên trở thành điểm đến phát triển du lịch và thủ phủ sân golf của trung tâm đồng bằng Bắc Bộ...
Theo Kế hoạch 110/KH-UBND ngày 8/6/2022 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc thực hiện Nghị Quyết số 22-NQ/TU ngày 24/03/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án Phát triển tổng thể kinh tế - xã hội vùng bãi sông Hồng, sông Luộc tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030: Tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện Đề án ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2025 là 36.000 tỷ đồng và định hướng đến 2030 là 64.000 tỷ đồng).
Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư khoảng 18.000 tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2025 là 12.000 tỷ; 2026 - 2030 là 6.000 tỷ); Nguồn kinh phí đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp khoảng 72.000 tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2025 là 24.000 tỷ; 2026-2030 là 48.000 tỷ); Nguồn kinh phí tự đầu tư của nhân dân 10.000 tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2025 là 5.000 tỷ; 2026 - 2030 là 5.000 tỷ).