Chủ trì lễ ký kết giữa hai tỉnh có Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa và Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TVHY. |
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đã giới thiệu khái quát về kết quả công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay; một số định hướng phát triển chiến lược của tỉnh trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, Hưng Yên và Hà Tĩnh mặc dù khác nhau về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, dân cư nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, truyền thống, văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội, do đó, trong thời gian tới hai tỉnh có thể hợp tác, chia sẻ trên nhiều lĩnh vực.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên khẳng định, việc trao đổi kinh nghiệm, ký kết chương trình hợp tác phát triển giữa tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hà Tĩnh là cơ hội quan trọng để hai tỉnh thắt chặt mối quan hệ hợp tác nhằm phát huy truyền thống cách mạng, tăng cường gắn bó hữu nghị giữa Đảng bộ, chính quyền, nhân dân hai tỉnh. Đồng thời mở ra nhiều cơ hội phát triển cho cả hai tỉnh, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cũng đã giới thiệu khái quát tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay; mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới. Đồng thời mong muốn được tìm hiểu, học tập từ Hưng Yên kinh nghiệm thành công về thu hút đầu tư; phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị; xây dựng nông thôn mới; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị…
Ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển giữa hai tỉnh Hưng Yên và Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: BHT. |
Cũng tại hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa và Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển giữa hai tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, tập trung vào các nội dung: Trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; hợp tác về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; hợp tác trong lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển đô thị; hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; hợp tác trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số, cải cách hành chính; hợp tác về phát triển văn hóa và du lịch…
Các nội dung hợp tác sẽ là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành của hai tỉnh tổ chức triển khai thực hiện, qua đó phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và hỗ trợ, thúc đẩy cùng phát triển...