Hungary cảnh báo có thể không chấp nhận Ukraine gia nhập NATO và EU

ukraine eu
11:39 - 26/03/2023
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: Global Look Press
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: Global Look Press
0:00 / 0:00
0:00
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố nước này sẽ không đồng ý để Ukraine gia nhập NATO và EU, nếu Kiev vẫn còn tiếp tục phân biệt đối xử với người dân tộc Hungary sống ở Transcarpathia.

Theo RT, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết nói ông đã nêu vấn đề này tại cuộc họp với bà Ilze Brands Kehris, trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về nhân quyền.

"Tôi đã nói rõ với bà Ilze Brands Kehris rằng Hungary sẽ không thể ủng hộ Ukraine gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) trong bất kỳ trường hợp nào, chừng nào các trường học Hungary ở khu vực Transcarpathia còn gặp nguy hiểm", ông Szijjarto viết trên Facebook hôm 24/3.

Quan chức này cho biết có tới 99 trường tiểu học và trung học cơ sở Hungary có nguy cơ bị đóng cửa ở Ukraine do luật giáo dục của nước này.

Hungary cảnh báo có thể không chấp nhận Ukraine gia nhập NATO và EU ảnh 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU), tháng 2/2022. Ảnh: Reuters

Năm 2017, dưới thời Tổng thống Pyotr Poroshenko, Kiev đã thông qua Luật Ngôn ngữ nhà nước về việc bắt buộc sử dụng tiếng Ukraine trong giáo dục và truyền hình. Năm 2018, nước này đã thông luật cấm dạy tiếng Nga, cũng như tiếng Rumani, tiếng Ba Lan và tiếng Hungary ngoài cấp tiểu học.

Năm 2019, Ủy ban Venice của Hội đồng châu Âu đã chỉ trích luật này của Ukraine, cho rằng nó "không đạt được sự cân bằng giữa việc củng cố tiếng Ukraine và bảo vệ quyền ngôn ngữ của các nhóm thiểu số".

Hungary là một trong những quốc gia chỉ trích gay gắt nhất các chính sách ngôn ngữ của Ukraine ở phương Tây. Ngoại trưởng Szijjarto cho biết Kiev đã không có bất cứ động thái gì đáng kể để giải quyết những lo ngại của Budapest.

"8 năm qua, chúng tôi liên tục nhận được những cam kết từ Ukraine rằng họ sẽ giải quyết vấn đề này, nhưng thực tế họ đã không làm gì cả", ông Szijjarto nói.

Hiện có khoảng 156.000 người dân tộc Hungary sống ở Ukraine, trong đó hầu hết tập trung ở khu vực phía Tây của Transcarpathia. Ukraine cũng là nơi sinh sống của khoảng 150.000 người dân tộc Romania và hơn 250.000 người Moldova. Bucharest trước đó cũng đã yêu cầu Ukraine sửa đổi luật ngôn ngữ.

Hồi tháng 2 năm nay, Ngoại trưởng Szijjarto tuyên bố Hội đồng châu Âu sẽ xem xét cách Ukraine đối xử với các nhóm thiểu số và đưa ra báo cáo về cáo buộc phân biệt đối xử đối với người dân tộc Hungary và người Romania sống ở Ukraine.

Ngoài ra, ông Szijjarto cũng đề cập đến một đạo luật khác được thông qua vào tháng 12/2022, quy định bắt buộc sử dụng tiếng Ukraine trong đời sống hàng ngày và công cộng, bao gồm cả trường học.

Ukraine đã chính thức nộp đơn xin gia nhập EU ngày 28/2/2022, 4 ngày sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt. Đến tháng 3/2022, Hội đồng châu Âu chia sẻ lập trường "nhìn nhận nguyện vọng và sự lựa chọn của thiên về châu Âu của Ukraine", đồng thời khẳng định đã "nhanh chóng" chuyển thủ tục giấy tờ của Kiev cho Ủy ban châu Âu.

Cuối tháng 6/2022, lãnh đạo 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí trao tư cách ứng viên gia nhập khối cho Ukraine, thể hiện cam kết rộng mở chào đón Kiev gia nhập cũng như thực hiện nhiều ngoại lệ trong việc đẩy nhanh tiến trình gia nhập.

Ngày 30/9/2022, Ukraine đã nộp đơn chính thức để xin gia nhập NATO, ngay sau khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 khu vực ly khai từ Ukraine.

Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng việc Ukraine trở thành thành viên EU sẽ không thể chấp nhận được đối với Moscow, cũng giống như việc Kiev muốn gia nhập NATO. Moscow cũng đã yêu cầu phương Tây phải đảm bảo sự ràng buộc về mặt pháp lý để Ukraine không bao giờ được kết nạp vào NATO, cũng như yêu cầu Kiev phải giữ vị thế trung lập.

Tin liên quan

Đọc tiếp