Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, Mekong ASEAN có cuộc trao đổi với ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, để đánh giá kết quả sau 2 năm triển khai Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Ông Mai Phan Dũng: Theo ước tính, cộng đồng NVNONN hiện có khoảng 6 triệu người đang sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ (trên 80% là ở các nước phát triển). Kiều bào hội nhập ngày càng sâu rộng, khẳng định vị thế, đóng góp cho phát triển của sở tại và thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
Phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cộng đồng NVNONN ngay từ khi mới hình thành, đã luôn đồng hành cùng đất nước, tham gia đóng góp nguồn lực tri thức, nguồn lực kinh tế và nguồn lực “mềm” cho Tổ quốc.
Với thế mạnh là tri thức và kinh nghiệm, NVNONN là nguồn lực chất xám quan trọng đóng góp cho đất nước. Theo ước tính, số người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10-12% (khoảng 600.000 người), với nhiều nhà khoa học thành danh trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao, kinh tế, tài chính…
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng chụp ảnh với kiều bào trước Tượng đài Bác, TP HCM, ngày 2/2/2024. Ảnh: Tạp chí Xây dựng Đảng |
Nhiều hội chuyên gia, trí thức người Việt tại các nước đã được thành lập, hoạt động tích cực, sôi nổi trong và ngoài nước, tạo ra các cơ chế làm việc, hợp tác linh hoạt cho các chuyên gia khi tham gia các dự án, chương trình của Việt Nam. Tiêu biểu có thể kể đến là Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu AVSE Global, Hội Trí thức Việt Nam tại Vương quốc Anh và Ailen…
Một nguồn lực vô cùng quan trọng khác của kiều bào đóng góp cho sự phát triển của đất nước là nguồn lực về kinh tế. Đến nay, kiều bào đã đầu tư 421 dự án FDI tại 42/63 tỉnh, thành ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,722 tỷ USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho lao động ở địa phương và tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, còn có nguồn vốn đầu tư của kiều bào về nước theo hình thức đầu tư trong nước hoặc theo các hình thức gián tiếp khác. Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ. Việt Nam nhiều năm liền nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Ngoài ra, doanh nhân kiều bào cũng có nhiều đóng góp trong xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư và quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt ở sở tại, đặc biệt là những mặt hàng thế mạnh của ta như may mặc, nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ…
Về nguồn lực “mềm”, kiều bào ở các nước ngày càng hội nhập sâu vào xã hội sở tại, có vị thế vững chắc hơn, tham gia vào hệ thống chính trị ở các cấp độ khác nhau như tại Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…. Số người Việt/gốc Việt tham gia, giữ vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế có xu hướng tăng lên. Đây là tiền đề quan trọng, góp phần tăng cường lòng tin, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với nhân dân, chính giới, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, ngày 19/5/2023. Ảnh: VGP |
Với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn dân tộc, kiều bào là những “sứ giả” quảng bá về văn hoá, đất nước, con người Việt Nam, đóng góp quan trọng trong kết nối, tăng cường quan hệ đối ngoại, giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Kiều bào cũng góp sức vào công cuộc bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc của Tổ quốc, như: thành lập các Câu lạc bộ vì Trường Sa Hoàng Sa, Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, toạ đàm, hội thảo, sưu tập bản đồ… chứng minh chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông... Các hoạt động này giúp cộng đồng và bạn bè quốc tế hiểu rõ, đúng đắn hơn về Việt Nam và góp phần tranh thủ, vận động thế giới ủng hộ cho Việt Nam.
Ngoài ra, cộng đồng NVNONN còn luôn tích cực tham gia các chương trình từ thiện, nhân đạo do trong nước phát động; kịp thời vận động quyên góp, hỗ trợ khi đất nước xảy ra thiên tai, dịch bệnh như trong đại dịch Covid-19 vừa qua... Nhiều đoàn, dự án thiện nguyện do kiều bào tổ chức đã đến tận nơi hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn, thể hiện truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc.
Ông Mai Phan Dũng: Cộng đồng NVNONN với khoảng 6 triệu người hiện sinh sống ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, thực sự là lực lượng to lớn có thể tạo nên nguồn lực “mềm”, đóng góp cho đất nước, đặc biệt trong việc quảng bá, lan tỏa văn hóa và hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Hiện nay, cộng đồng NVNONN đang giữ gìn, thực hành và giới thiệu ra thế giới bản sắc văn hóa Việt với nội dung rất đa dạng, từ thể hiện và phát triển triết lý văn hóa của người Việt thông qua truyền thống, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng; đến thông qua ngôn ngữ, nghệ thuật, qua trang phục hay ẩm thực, võ thuật…
Trong gia đình, đa phần bà con đều ý thức và giữ gìn phong tục tập quán như thờ cúng Tổ tiên, giáo dục con cái về văn hóa ứng xử, truyền thống gắn bó, đùm bọc, tương trợ của người Việt… Trong cộng đồng, bà con thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa truyền thống như: Tết Nguyên Đán, Giỗ Tổ, Trung Thu, các hội chợ, không gian văn hóa truyền thống…; thành lập trung tâm văn hóa, các lớp dạy tiếng Việt, văn hóa và lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ...
Kiều bào ở nhiều nước còn mở nhà hàng hoặc tổ chức các sự kiện liên quan đến ẩm thực, qua đó giới thiệu, tạo cơ hội để người dân sở tại trải nghiệm văn hóa ẩm thực Việt… Những món ăn như: Phở, Nem.... và các món ăn khác đang được khám phá và biết đến ngày càng nhiều hơn ở các quốc gia trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cắt băng khánh thành Vietnam Town - Phố Việt Nam tại tỉnh Udon Thani, Thái Lan, 9/12/2023. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Các hoạt động văn hóa trong cộng đồng NVNONN càng thêm sôi động và đa dạng cùng với bước phát triển vững mạnh của tự thân cộng đồng, với sự cải thiện và tăng cường quan hệ hợp tác song phương của nước ta với các nước sở tại, với sự quan tâm, hậu thuẫn và hợp tác của các cơ quan, địa phương ở trong nước và của các cơ quan đại diện ngoại giao của ta ở nước ngoài.
Bạn bè thế giới có thể khám phá những giá trị tinh thần đậm đà bản sắc Việt Nam qua không gian văn hóa truyền thống được trưng bày tại các sự kiện đối ngoại do cơ quan đại diện Việt Nam tại sở tại tổ chức, các hoạt động kỷ niệm của hội, đoàn.
Chúng ta có thể tự hào rằng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một cộng đồng năng động và đang phát triển nhanh chóng. Điển hình có thể kể đến là những cộng đồng người Việt lớn, phát triển, đóng góp xứng đáng và được chính quyền sở tại công nhận như cộng đồng người Việt tại Mỹ, Pháp, Czech, Đức, Australia…
Đặc biệt, cuối tháng 8/2023, cộng đồng người Việt Nam tại Slovakia đã được công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14 của quốc gia này nhờ đã hội nhập sâu rộng, đóng góp tích cực nhưng vẫn khẳng định và giữ được bản sắc văn hóa riêng của mình. Cũng trong năm vừa qua, cộng đồng ta ở Udon Thani (Thái Lan) đã khánh thành Vietnam Town - Phố Việt Nam đầu tiên của người Việt tại Thái Lan cũng như trên toàn thế giới.
Khu phố với không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, sẽ giúp các thế hệ người Việt tại đây thêm gắn bó với Tổ quốc và phát triển các hoạt động kinh doanh, văn hoá, du lịch, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Thái Lan. Có thể nói, đây là mô hình để nghiên cứu, áp dụng tại nhiều địa phương phù hợp khác ở Thái Lan cũng như trên thế giới.
Ủy ban Nhà nước về NVNONN và cá nhân tôi đánh giá rất cao tâm huyết, nỗ lực và thành quả đạt được của cộng đồng NVNONN trong việc quảng bá văn hoá Việt Nam ở các nước sở tại, điều đó rất có ý nghĩa trong việc xây dựng và bồi đắp tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.
Ông Mai Phan Dũng: Từ năm 2021 đến nay, cộng đồng người Việt trên thế giới đã phát triển từ 5,3 triệu người lên gần 6 triệu người, tăng hơn 13%, vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng NVNONN trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao.
Đồng bào ta sống xa Tổ quốc ngày càng gắn bó và hướng về quê hương, thực sự trở thành một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đóng góp tích cực về mọi mặt, nhất là nguồn lực kinh tế, tri thức cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập của đất nước.
Trong bối cảnh đó, nhận thức và sự quan tâm của cả xã hội về vai trò của cộng đồng NVNONN trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được nâng cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Saudi Arabia, ngày 20/10/2023. Ảnh: VGP |
Các chủ trương, chính sách đối với NVNONN hiện nay tương đối toàn diện. Điểm nổi bật là, các chỉ đạo trong KL12 đã được cụ thể hóa thành Nghị quyết 169/NQ-CP của Chính phủ về công tác NVNONN giai đoạn 2021-2026 và các Đề án lớn về đại đoàn kết, bảo tồn văn hóa, tiếng Việt và phát huy nguồn lực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những chính sách pháp luật liên quan đến NVNONN về quốc tịch, căn cước công dân, mua, sở hữu nhà ở, đất ở..., đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của bà con.
Các hoạt động đối với NVNONN được triển khai toàn diện ở tất cả các lĩnh vực, tại nhiều địa bàn, trong đó công tác đại đoàn kết, vận động và phát huy nguồn lực NVNONN là hai mảng công tác được đặc biệt chú trọng. Các hoạt động thường niên như Xuân Quê hương, Đoàn kiều bào về Giỗ tổ Vua Hùng, Đoàn kiều bào thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè Việt Nam… thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào.
Đoàn đại biểu 100 kiều bào tiêu biểu do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan dẫn đầu chụp ảnh lưu niệm trước Khu tưởng niệm các vua Hùng, ngày 1/2/2024. Ảnh: VGP |
Các hoạt động kết nối, phát huy nguồn lực kiều bào được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, mở rộng về số lượng và quy mô, thu hút bà con tham gia và hiến kế cho Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình phát triển; tham mưu, tư vấn chính sách nhằm giải quyết các vấn đề nổi lên trong thời gian qua như năng lượng sạch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo... Ngoài ra, việc hỗ trợ kiều bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở sở tại rất được quan tâm.
Song song với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, công tác tiếng Việt được quan tâm sâu sắc. Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2022, có thể coi là đột phá trong công tác này, tạo động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, học tập và đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu thiết thực của cộng đồng.
Bên cạnh đó, công tác thông tin tới NVNONN - với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan truyền thông báo chí trong nước và cộng đồng - được đổi mới, đa dạng về nội dung và hình thức, đặc biệt phát triển mạnh các nội dung trên nền tảng số, giúp kiều bào có thể dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận thông tin khách quan về mọi mặt tình hình đất nước.
Như vậy, có thể nói, sau hơn 2 năm KL 12 được ban hành, công tác NVNONN đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, ngày càng bài bản, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của cộng đồng NVNONN đối với sự phát triển của đất nước, phát huy nguồn lực to lớn của kiều bào cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Ông Mai Phan Dũng: Đây là Đề án có ý nghĩa tổng thể, huy động nguồn lực NVNONN tham gia vào quá trình phát triển đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nhằm hướng đến mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Trước hết, Đề án tập trung vào việc thống nhất nhận thức về vai trò ngày càng quan trọng của nguồn lực NVNONN trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu là xây dựng các định hướng, chủ trương, biện pháp mang tính tổng thể, cơ bản và lâu dài, nhằm nuôi dưỡng, chăm sóc, phát huy và tối đa hóa nguồn lực từ cộng đồng.
Thứ hai, Đề án đặt ra nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương trong việc phát huy nguồn lực từ kiều bào. Đồng thời, thiết lập cơ chế triển khai và phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở và trên phạm vi toàn quốc, cả trong và ngoài nước, với các nhiệm vụ chính như tạo môi trường thuận lợi để NVNONN có thể yên tâm gắn bó và đóng góp cho đất nước.
Đề án rà soát tổng thể, sửa đổi và bổ sung các quy định pháp luật để NVNONN có môi trường pháp lý tương đương với người trong nước khi tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh, nghiên cứu - công nghệ…; tạo khuôn khổ, cơ chế bền vững nhằm khuyến khích NVNONN tham gia phát triển đất nước trên các lĩnh vực phù hợp với nguồn lực của cộng đồng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Italy, ngày 25/7/2023. Ảnh: TTXVN |
Về lâu dài, Đề án nhằm góp phần củng cố mạng lưới NVNONN trên toàn thế giới, bồi dưỡng, phát triển và đảm bảo sự phát triển bền vững của nguồn lực này thông qua các nhiệm vụ cụ thể như triển khai các biện pháp chăm sóc và hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là tại những địa bàn khó khăn; thành lập mới, củng cố mạng lưới các tổ chức, hội đoàn NVNONN với các hình thức đa dạng, làm nòng cốt trong tập hợp, vận động kiều bào đoàn kết, xây dựng cộng đồng và hướng về đất nước.
Bên cạnh đó, Đề án nhằm phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố tích cực, có ảnh hưởng trong cộng đồng và trong quan hệ của Việt Nam với nước sở tại; tăng cường các hoạt động vận động thế hệ kiều bào trẻ để nâng cao nhận thức về cội nguồn, truyền thống lịch sử, văn hóa, qua đó nuôi dưỡng, tăng cường tình cảm gắn bó với quê hương, lòng tự hào dân tộc và ý thức đóng góp xây dựng đất nước.
Ông Mai Phan Dũng: Năm 2023, Ủy ban đã chủ trì, phối hợp, bảo trợ, hỗ trợ tổ chức 15 hội nghị, hội thảo, tọa đàm, chương trình, sự kiện nhằm kết nối, vận động các nguồn lực của NVNONN đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương.
Nổi bật là, chúng tôi đã phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia tổ chức Hội thảo “Thu hút nguồn lực NVNONN cho phát triển du lịch”; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai Chương trình “Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu”; phối hợp với Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt-Úc tổ chức Hội nghị nông nghiệp thông minh; tham dự, ủng hộ các hoạt động của kiều bào tổ chức (như Diễn đàn doanh nghiệp kiều bào lần thứ 12 tại Hungary, Diễn đàn kinh tế kiều bào lần thứ 2 tại Fukuoka-Nhật Bản, Diễn đàn doanh nghiệp kiều bào 5 nước Việt Nam-Thái Lan-Lào-Campuchia-Myanmar, Ngày hội Văn hóa và Quảng bá sản phẩm Việt Nam lần thứ nhất tại Đài Loan…).
Ủy ban cũng hỗ trợ các hội doanh nhân, trí thức kiều bào tổ chức các hoạt động gắn kết với trong nước; hỗ trợ Liên hiệp hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam tại châu Âu tổ chức festival Thanh niên, sinh viên lần thứ 9, Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ tổ chức Chương trình Vòng tay nước Mỹ.
Đặc biệt, tháng 12/2023, Ủy ban phối hợp với UBND TP. Hải Phòng tổ chức Hội nghị “Phát huy nguồn lực NVNONN - Kết nối địa phương và doanh nghiệp”. Tại Hội nghị, đã có tổng cộng trên 40 lượt tham luận và phát biểu, tập trung vào các chủ đề đầu tư xanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển chuỗi cung ứng.
Hội nghị Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp do Bộ Ngoại giao – Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và UBND TP Hải Phòng phối hợp tổ chức, ngày 27/12/2023. Ảnh: CTTĐT TP Hải Phòng |
Các nội dung thảo luận tại Hội nghị phù hợp với những định hướng, ưu tiên phát triển của đất nước, các địa phương, cũng như sự quan tâm của kiều bào và doanh nghiệp. Hoạt động kết nối giữa kiều bào với các địa phương, doanh nghiệp diễn ra sôi nổi; đã có 8 thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa các hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương tham gia Hội nghị.
Kết quả của các hoạt động nói trên là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để kiều bào đóng góp cho sự phát triển của đất nước; thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa kiều bào với các địa phương, doanh nghiệp trong nước và mang lại những dự án, kế hoạch hợp tác cụ thể, cơ hội đầu tư, kinh doanh ở cả thị trường Việt Nam và nước ngoài.
Ông Mai Phan Dũng: Trí thức NVNONN là nguồn lực quý và đã có đóng góp quan trọng trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Trong xu hướng phát triển chung của NVNONN, lực lượng trí thức kiều bào ngày càng gia tăng về số lượng, thành đạt và có uy tín ở sở tại.
Thời gian qua, trí thức kiều bào đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng, giúp chuyển giao những kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất vào Việt Nam, đào tạo đội ngũ cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Ủy ban Nhà nước về NVNONN - Bộ Ngoại giao cũng đã có nhiều sáng kiến kết nối và tích cực hỗ trợ trí thức kiều bào trong nhiều hoạt động hướng về quê hương.
Thời gian tới, tiếp tục triển khai chủ trương củng cố khối đại đoàn kết và phát huy nguồn lực kiều bào, đặc biệt là các biện pháp nhằm thu hút chuyên gia, trí thức, nhân tài NVNONN và người lao động có tay nghề cao và triển khai ngoại giao phục vụ phát triển, Ủy ban sẽ tiếp tục có các hoạt động cụ thể nhằm tập hợp, kết nối kiều bào hướng về đất nước, trong đó, nổi bật nhất là Diễn đàn tăng trưởng xanh dự kiến diễn ra vào quý II/2024.
Tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế xanh là những chủ đề được quan tâm hiện nay, trong đó, có những vấn đề nổi lên ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, thương mại quốc tế cũng như nền kinh tế của các quốc gia như chứng chỉ carbon, thuế tối thiểu toàn cầu… Đây là vấn đề mang tính cấp thiết, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong nước, phù hợp với xu thế chung toàn cầu, và cũng là thế mạnh nghiên cứu của cộng đồng trí thức kiều bào ta ở nước ngoài.
Ông Mai Phan Dũng: Nằm trong tổng thể công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới được nêu tại Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị, công tác thông tin đối ngoại đối với NVNONN tiếp tục được triển khai theo hướng đổi mới về nội dung, phương thức và tư duy đã được nêu tại KL12.
Theo đó, về nội dung, cần tập trung giới thiệu, lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng NVNONN và bạn bè quốc tế thông tin về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, lịch sử, các giá trị tinh thần cao đẹp của dân tộc Việt Nam; thành tựu công cuộc đổi mới; tình hình, chủ trương, đường lối, chính sách phát triển đất nước; công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương; chủ trương, lập trường, quan điểm của Việt Nam về các vấn đề quốc tế…
Cần tăng cường đổi mới nội dung theo hướng thuyết phục và đa chiều, đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò truyền tải những ý kiến đóng góp, tâm tư, nguyện vọng của bà con kiều bào tới nhân dân trong nước, góp phần gắn kết chặt chẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Về phương thức, cần tích cực đổi mới công tác thông tin đối ngoại với NVNONN theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, sát thực tiễn. Phát huy tối đa vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hội đoàn, cá nhân uy tín, phóng viên và kênh truyền thông tích cực của cộng đồng NVNONN trong truyền tải thông tin tới bạn bè quốc tế và đồng bào ta sống xa Tổ quốc.
Tăng cường kết nối và tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí, phóng viên kiều bào thường xuyên được trực tiếp tham gia tác nghiệp và đưa tin về tình hình, sự kiện trong nước. Quan tâm đến những người đã từng có thành kiến, nhưng nay ủng hộ Việt Nam, nhất là những người có ảnh hưởng trong cộng đồng để tranh thủ tiếng nói khách quan, đóng góp hiệu quả vào công tác thông tin đối ngoại.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; phát huy hiệu quả, lợi thế, sử dụng linh hoạt các phương tiện truyền thông truyền thống và hiện đại, mới. Đa dạng hóa và lồng ghép thông tin đối ngoại trong các hoạt động truyền thông, báo chí, du lịch, hoạt động của Việt Nam tổ chức ở các nước, hoạt động của NVNONN… Nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm văn hóa Việt Nam ở các nước.
Mekong ASEAN: Xin trân trọng cảm ơn ông!