IMF cân nhắc gói viện trợ Ukraine trị giá tới 16 tỷ USD

Viện trợ ukraine
10:54 - 27/01/2023
Khung cảnh đổ nát sau các cuộc giao tranh tại Ukraine. Ảnh: Bloomberg
Khung cảnh đổ nát sau các cuộc giao tranh tại Ukraine. Ảnh: Bloomberg
0:00 / 0:00
0:00
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể đang lên kế hoạch về gói viện trợ nhiều năm cho Ukraine trị giá tới 16 tỷ USD, nhằm giúp Kiev trang trải các nhu cầu đất nước và tạo động lực huy động thêm nhiều nguồn tài trợ quốc tế. 

Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết, kế hoạch trên có được thực hiện hay không phụ thuộc vào một loạt điều kiện, bao gồm cả sự chứng thực từ nhóm G7, cũng như các nhà tài trợ và chủ nợ của Ukraine, để đảm bảo tính bền vững của khoản nợ quốc gia.

Bên cạnh đó, IMF có thể phải thay đổi các quy tắc cho vay để khoản tài chính này có thể tiếp cận tới Ukraine. Kiev cũng sẽ cần phải cam kết thực hiện một loạt chính sách, ngoài việc đã hoàn thành thành công chương trình không dùng tiền mặt kéo dài 4 tháng của IMF - chương trình đã được phê duyệt vào năm ngoái.

Ukraine cho biết cần nhiều khoản viện trợ để tái thiết đất nước. Ảnh: AP

Ukraine cho biết cần nhiều khoản viện trợ để tái thiết đất nước. Ảnh: AP

Nếu được thông qua, chương trình viện trợ sẽ kéo dài từ 3 đến 4 năm và trị giá tổng cộng từ 14 - 16 tỷ USD, trong đó dự kiến sẽ giải ngân từ 5 - 7 tỷ USD trong năm đầu tiên. Kế hoạch được hy vọng sẽ thông qua vào cuối tháng 3 và đợt giải ngân sớm nhất có thể là vào tháng 4.

Trong một tuyên bố, IMF khẳng định "vẫn gắn bó chặt chẽ" với Ukraine và cho biết sự hợp tác "có thể mở đường cho một chương trình chính thức". Tuy nhiên, cơ quan này không nêu chi tiết quy mô tiềm năng của một khoản vay.

Bộ Tài chính Ukraine chưa đưa ra bình luận về thông tin này. Trong một tuyên bố riêng vào ngày 26/1, Bộ bày tỏ hy vọng về một chương trình "chính thức" với các quỹ tài chính.

Tuy nhiên, các nguồn tin cũng nêu ra trường hợp kế hoạch không nhận được sự hỗ trợ từ đủ các quốc gia thành viên IMF. Khi đó, IMF có thể hỗ trợ Ukraine bằng chương trình Công cụ tài chính nhanh trị giá 1,3 tỷ USD.

Vào tháng trước, IMF ước tính nhu cầu tài trợ bên ngoài của Ukraine ít nhất là 39,5 tỷ USD trong năm 2023. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko hôm 10/1 cho biết mức thâm hụt ngân sách hàng tháng của chính phủ sẽ lên tới 3,5 tỷ USD trong năm 2023, tổng cộng sẽ vào khoảng 42 tỷ USD.

Quốc gia này có thể sẽ cần viện trợ thêm khoảng 8 tỷ USD trong năm nay, vì cơ sở hạ tầng quan trọng trên cả nước bị hư hại trong các cuộc tấn công.

Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết cung cấp cho Ukraine khoản hỗ trợ tài chính trị giá 18 tỷ Euro (19,6 tỷ USD) trong năm nay và Mỹ dự kiến ​​sẽ hỗ trợ khoảng 10 tỷ USD.

Theo chương trình hỗ trợ tài chính hiện tại với IMF, chính phủ Ukraine đã cam kết thực hiện các biện pháp tăng doanh thu thuế, giảm sự hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương đối với ngân sách bị cuộc chiến làm suy yếu và tiếp tục cải thiện quản trị doanh nghiệp tại các công ty nhà nước. Khi cuộc xung đột kết thúc, Ukraine sẽ cần khoản hỗ trợ tài chính lớn cho việc tái thiết đất nước.

Hiện tại, tốc độ phục hồi kinh tế của Ukraine đang ở mức chậm. Ngân hàng Trung ương Ukraine cho biết, nền kinh tế đất nước dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm 2023, sau khi giảm 30,3% vào năm ngoái.

Đọc tiếp

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.