Indonesia nâng cảnh báo lên mức cao nhất khi núi lửa Semeru phun trào

Núi lửa Indonesia
16:20 - 04/12/2022
Núi lửa Semeru phun trào tạo ra cột khói bụi cao 15km. Ảnh: AP
Núi lửa Semeru phun trào tạo ra cột khói bụi cao 15km. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Giới chức Indonesia đang nâng cảnh báo lên mức cao nhất sau khi núi lửa Semeru trên đảo Java phun trào sáng sớm 4/12, tạo ra những đám mây tro bụi cao phủ kín một vùng trời. 

Theo CNA, vụ phun trào của núi lửa Semeru - ngọn núi cao nhất trên đảo Java của Indonesia, cách thủ đô Jakarta khoảng 800km về phía đông nam, đã khiến người dân tại các ngôi làng gần đó phải sơ tán.

Ông Hendra Gunawan, người phát ngôn của Trung tâm Giảm nhẹ Thảm họa địa chất và núi lửa nói với đài truyền hình Kompas TV rằng mức độ cảnh báo tăng lên có nghĩa là "mối nguy hiểm đã đe dọa khu định cư của người dân và hoạt động của núi lửa đã leo thang".

Khói bụi mù mịt tại khu vực núi lửa Semeru phun trào, ngày 4/12. Video: Twitter @BNPB_Indonesia

Trong khi đó, ông Abdul Muhari, người phát ngôn của Cơ quan Giảm nhẹ thảm họa quốc gia, cho biết "những trận tuyết lở nóng" được tạo ra bởi dòng dung nham ở đỉnh núi lửa đã trào xuống mặt đất sau vụ phun trào.

Không có báo cáo về thương vong sau vụ phun trào. Tuy nhiên, ông Gunawan khuyến cáo người dân gần đó đi sơ tán, không di chuyển tới các khu vực trong phạm vi 8 km quanh miệng núi lửa sau khi mức độ đe dọa được nâng lên cấp 4, cũng như cách xa các bờ sông 500m để tránh các dòng dung nham. Quan chức này cho biết họ đã chuẩn bị các nơi trú ẩn cho những cư dân đang sơ tán.

"Rất nhiều người đã bắt đầu sơ tán", ông Thoriqul Haq, người đứng đầu chính quyền địa phương, cho biết. Cơ quan cứu hộ địa phương đã phát khẩu trang miễn phí cho dân chúng vì mối nguy từ không khí ô nhiễm có thể tác động đến những cư dân dễ bị tổn thương.

Người dân được khuyến cáo đi sơ tán, không di chuyển tới các khu vực trong phạm vi 8 km quanh miệng núi lửa, cách xa các bờ sông 500m. Ảnh: AP

Người dân được khuyến cáo đi sơ tán, không di chuyển tới các khu vực trong phạm vi 8 km quanh miệng núi lửa, cách xa các bờ sông 500m. Ảnh: AP

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, cơ quan đang theo dõi khả năng xảy ra sóng thần sau vụ phun trào ở đảo Java, cho biết cột khói từ núi lửa đạt tới độ cao 15 km. Cơ quan này đồng thời phát đi cảnh báo sóng thần có thể ập đến các đảo Miyako và Yaeyama thuộc tỉnh Okinawa, miền nam Nhật Bản vào khoảng 14h30 ngày 4/12 (tức 12h30 giờ Việt Nam), theo Kyodo.

Tuy nhiên, một tiếng sau đó, không có báo cáo về bất kỳ thiệt hại nào.

Núi Semeru phun trào lần gần nhất cách đây một năm, khiến ít nhất 51 người thiệt mạng. Thảm họa khiến toàn bộ đường phố trong những ngôi làng gần núi lửa ngập trong bùn và tro, cuốn trôi nhà cửa và xe cộ và 10.000 người phải tìm nơi trú ẩn an toàn.

Tình trạng cảnh báo của Semeru vẫn ở mức cao thứ hai kể từ đợt phun trào lớn trước đó vào tháng 12/2020, khiến hàng nghìn người phải sơ tán và khiến các ngôi làng bị bao phủ bởi tro bụi.

Indonesia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi các mảng lục địa gặp nhau gây ra hoạt động địa chấn và núi lửa cao. Với 142 ngọn núi lửa, Indonesia hiện là quốc gia có dân số lớn nhất trên toàn cầu sống trong phạm vi gần núi lửa, với 8,6 triệu người sinh sống trong phạm vi 10 km quanh các khu vực nhiều nguy cơ này.

Quốc gia Đông Nam Á này có gần 130 ngọn núi lửa đang hoạt động. Cuối năm 2018, một ngọn núi lửa ở eo biển giữa đảo Java và đảo Sumatra phun trào, gây ra động đất dưới lòng biển và tạo ra sóng thần khiến hơn 400 người thiệt mạng.

Tin liên quan

Đọc tiếp