Khai hội truyền thống chùa Nhẫm Dương tại Hải Dương

Khai hội truyền thống chùa Nhẫm Dương tại Hải Dương

Chùa Nhẫm Dương Kinh Môn
12:54 - 13/04/2024
Lễ hội chùa Nhẫm Dương là sự kiện văn hóa quan trọng của thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với các giá trị di sản văn hóa của cha ông để lại, tôn vinh những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, khoa học.

Sáng 13/4 (tức 5/3 âm lịch), tại di tích quốc gia đặc biệt Nhẫm Dương, (phường Duy Tân, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), UBND thị xã Kinh Môn phối hợp cùng Thiền phái Tào động Việt Nam trang trọng tổ chức khai hội truyền thống chùa Nhẫm Dương và tưởng niệm 320 năm ngày thánh tổ Quốc sư Đạo nam Thông giác Thủy Nguyệt nhập niết bàn (1704 - 2024).

Bà Mạc Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn phát biểu tại buổi lễ.
Bà Mạc Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn phát biểu tại buổi lễ.

Bà Mạc Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn cho biết, tổ đình Thánh Quang (khu dân cư Nhẫm Dương, phường Duy Tân) là cơ sở của Giáo Hội phật giáo Việt Nam được xây dựng vào thời nhà Trần niên hiệu Thiệu Bảo, Kỷ Mão nguyên niên (1279). Nơi đây đã trở thành trung tâm phật giáo lớn thời Trần và thời Hậu Lê. Chính mảnh đất linh thiêng này đã hun đúc và xuất hiện nhiều bậc cao tăng, quốc sư, thiền sư nổi tiếng trong sự nghiệp hộ quốc an dân.

Ông Trương Đức San, Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn đánh trống khai hội.

Ông Trương Đức San, Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn đánh trống khai hội.

Đặc biệt, khoảng thế kỷ XVII, thì Tào Động Tông do Thiền sư Thủy Nguyệt, pháp danh Đạo nam Thông giác truyền vào Việt Nam. Đệ nhất tổ - Quốc sư Đạo nam Thông giác Thủy Nguyệt đã tu hành và viên tịch tại hang Thánh Hóa. Vì vậy chùa Thánh Quang (gọi theo dân gian là chùa Nhẫm Dương) trở thành chốn tổ của Thiền phái Tào Động Việt Nam. Đệ nhị Tổ của phái Tào Động là Quốc sư Tông Diễn hiệu Chân Dung. Hiện chùa Thánh Quang vẫn bảo tồn gần như nguyên vẹn 2 ngôi tháp cổ táng xá lỵ của cả 2 vị tổ.

Ngày hóa của Thánh tổ Thủy Nguyệt là khởi nguyên lễ hội chùa Thánh Quang (tức chùa Nhẫm Dương), diễn ra hàng năm từ ngày mùng 5 - 7 tháng 3 âm lịch.

Biểu diễn múa rồng tại lễ hội.

Biểu diễn múa rồng tại lễ hội.

Đông đảo các đại biểu, người dân và du khách đến dự lễ hội.

Đông đảo các đại biểu, người dân và du khách đến dự lễ hội.

Chùa Nhẫm Dương tọa lạc dưới chân núi Nhẫm Dương với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ. Có lẽ vì thế mà Quốc sư Thủy Nguyệt đã chọn nơi đây làm nơi tu hành, đắc đạo. Dãy núi Nhẫm Dương với một hệ thống gồm 26 hang động lớn nhỏ đang ẩn chứa những điều bất ngờ, thú vị. Bất ngờ bởi những hoá thạch phát hiện được đã minh chứng rằng, dãy núi này có thể là nơi tụ cư của người Việt thời tiền sử.

Trước đó, cũng trong sáng nay (13/4) đã diễn ra lễ rước nước tại chùa Nhẫm Dương. Trong ảnh: Đoàn rước di chuyển từ chùa Nhẫm Dương đến giếng Nhẫm (tại khu dân cư Nhẫm Dương, phường Duy Tân) để thực hiện nghi thức lấy nước.

Trước đó, cũng trong sáng nay (13/4) đã diễn ra lễ rước nước tại chùa Nhẫm Dương. Trong ảnh: Đoàn rước di chuyển từ chùa Nhẫm Dương đến giếng Nhẫm (tại khu dân cư Nhẫm Dương, phường Duy Tân) để thực hiện nghi thức lấy nước.

Đoàn rước tượng phật di chuyển từ chùa Nhẫm Dương đến giếng Nhẫm.

Đoàn rước tượng phật di chuyển từ chùa Nhẫm Dương đến giếng Nhẫm.

Hang (động) Thánh Hóa nằm ở chân núi sau chùa Nhẫm Dương. Năm 1996 - 1997, trong hang tìm thấy nhiều tượng phật chất liệu đá. Bên cạnh đó, tại đây đã tìm được di cốt hóa thạch của 27 loài động vật như voi, tê giác, hổ, báo, lợn rừng, nhím... và đặc biệt có khá nhiều răng Pôn-gô (tên loài vượn người sống cách đây trên một vạn năm), dấu tích của quá trình biển xâm thực, cùng nhiều xương hóa thạch còn trên vách đá. Theo giám định cho thấy, những hóa thạch và di vật đó cách ngày nay từ 3 vạn đến 3,5 vạn năm…

Đoàn rước bài vị.

Đoàn rước bài vị.

Các nhà sư làm lễ tại giếng Nhẫm.

Các nhà sư làm lễ tại giếng Nhẫm.

Tại hệ thống hang động ở Nhẫm Dương, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật như rìu đồng có vai, thạp đồng, lưỡi xéo đồng, thuộc nền văn hóa Đông Sơn và còn là di tích cách mạng quan trọng gắn 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Những năm 1948, 1949, 1951, tại động Thánh hóa, hang Tĩnh Niệm đã có nhiều đơn vị bộ đội về đóng quân. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Lê Thanh Nghị, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Công Hòa đã về và dùng hang làm trụ sở chỉ huy của Đệ tứ chiến khu Đông Triều.

Chùa Nhẫm Dương là một công trình kiến trúc độc đáo, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương. Trong nhiều thế kỷ qua, bằng đức tin, công sức, trí tuệ, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ, các thế hệ cha ông bằng đức tin đã tạc nên những pho tượng, chạm trổ các bức hoành phi, khắc nên các câu đối đạt đến trình độ tinh xảo. Đây được coi như một bảo tàng sinh động lưu giữ các giá trị văn hoá của một vùng quê, ở đó chứa đựng tâm tư, tình cảm, ước vọng và những nét văn hoá đặc sắc, tinh thần đoàn kết gắn bó cộng đồng làng xã…

Nghi thức lấy nước tại giếng Nhẫm cho vào 2 chóe.

Nghi thức lấy nước tại giếng Nhẫm cho vào 2 chóe.

2 chóe nước sau đó được đưa về chùa Nhẫm Dương để thực hiện nghi lễ mộc dục.

2 chóe nước sau đó được đưa về chùa Nhẫm Dương để thực hiện nghi lễ mộc dục.

Với những giá trị đặc biệt to lớn về lịch sử, phật giáo và khảo cổ học, năm 2023 UBND tỉnh Hải Dương phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Bắc Giang hoàn thiện Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng cảnh Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới, trong đó thị xã Kinh Môn có di tích chùa Nhẫm Dương và động Kính Chủ.

Được công nhận là di sản thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thị xã trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh; không chỉ bảo tồn mà còn phát huy, quảng bá di tích đến với du khách quốc tế…

Đông đảo người dân và du khách tham gia đoàn rước nước.

Đông đảo người dân và du khách tham gia đoàn rước nước.

Như thường lệ, hàng năm vào dịp này, UBND thị xã phối hợp cùng Thiền phái Tào Động Việt Nam tổ chức lễ hội truyền thống, tri ân công đức vô lượng của Thánh Tổ Thủy Nguyệt. Đây là một hoạt động văn hoá gắn liền với các giá trị chân - thiện - mỹ, là niềm khát vọng được đến chốn linh thiêng tĩnh tâm cầu thần, lễ phật, tạ ơn trời đất…

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội năm nay (từ ngày mùng 5 - 7 tháng 3 âm lịch) có các chương trình hát chèo, hát dân ca; giải cờ tướng mở rộng và các trò chơi dân gian như kéo co nữ, nhảy bao bố, đập niêu đất, bắt trạch trong chum…

Đọc tiếp