Khai hội truyền thống đền - chùa Cậy năm 2024 ở Hải Dương

Khai hội truyền thống đền - chùa Cậy năm 2024 ở Hải Dương

đền - chùa Cậy Bình Giang
17:43 - 20/03/2024
Lễ hội đền - chùa Cậy là một trong những lễ hội tiêu biểu của huyện Bình Giang và tỉnh Hải Dương. Thông qua lễ hội, những tình cảm, trí tuệ, lẽ sống và khát vọng vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ của nhân dân được bồi đắp, lan tỏa.

Chiều 20/3 (tức 11/2 âm lịch), UBND xã Long Xuyên (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) long trọng tổ chức khai hội truyền thống đền - chùa Cậy xuân Giáp Thìn 2024. Lễ hội năm nay diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 20 - 25/3 (11 - 16/2 âm lịch). Trong đó, trọng hội là 3 ngày, từ 11 - 13/2 âm lịch.

Ông Vũ Đình Ngọc, quyền Chủ tịch UBND xã Long Xuyên, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đền - chùa Cậy năm 2024 đọc diễn văn khai hội.
Ông Vũ Đình Ngọc, quyền Chủ tịch UBND xã Long Xuyên, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đền - chùa Cậy năm 2024 đọc diễn văn khai hội.

Theo ông Vũ Đình Ngọc, quyền Chủ tịch UBND xã Long Xuyên, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đền - chùa Cậy năm 2024, thôn Cậy vào thời hậu Lê gồm hai thôn Hương Gián và Kệ Gián thuộc huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Sang thời Nguyễn, hai thôn đổi thành hai xã thuộc hai tổng khác nhau. Xã Hương Gián thuộc tổng Lý Đỏ, xã Kệ Gián thuộc tổng Bằng Giã, huyện Năng An, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Sau cách mạng tháng 8/1945, các xã Hương Gián và Kệ Gián đổi thành thôn, hợp nhất với các thôn Hợp Lễ và Bá Đoạt thành xã Tứ Xuyên. Tháng 8/1948 thôn Bá Thuỷ từ xã Cộng Hoà, huyện Gia Lộc, được sáp nhập vào xã Tứ Xuyên. Xã Tứ Xuyên được đổi thành xã Long Xuyên. 2 thôn Hương Gián và Kệ Gián được sáp nhập thành thôn Hương Kệ Gián, nay gọi là thôn Cậy, xã Long Xuyên.

Đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự lễ khai hội.

Đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự lễ khai hội.

Ông Vũ Đình Ngọc, quyền Chủ tịch UBND xã Long Xuyên đánh trống khai hội.
Ông Vũ Đình Ngọc, quyền Chủ tịch UBND xã Long Xuyên đánh trống khai hội.

Cùng với những thay đổi lịch sử của quê hương, đình Cậy nay gọi là đền Cậy, được xây dựng để tôn thờ vị thành hoàng của làng là ngài Bảo Phúc Đại vương.

Bảo Phúc Đại vương khi còn nhỏ tên là Phúc. Khi ông tròn 19 tuổi thì đúng vào thời kỳ nhà Thục nổi dậy chống lại nhà nước Văn Lang của vua Hùng. Vua Hùng Duệ Vương hạ chiếu xuống các châu, quận để tìm người tài giỏi ra giúp nước.

Lúc này, sau khi mãn tang cha mẹ, ông đã lên kinh ứng tuyển và đắc tuyển. Khi vào yết kiến nhà vua, ngài ứng đối lưu loát, vua Hùng Duệ Vương rất ưng ý, liền phong ông làm Hữu Đại Tướng Quân cùng với Tản Viên Sơn Thánh là Tả Đạo Đại Tướng Quân. Ngay sau đó, ông liền kéo quân về luyện tập binh mã, chờ có lệnh là kéo quân đi đánh quân Thục.

Các đại biểu, người dân và du khách dâng hương tại đền Cậy.

Các đại biểu, người dân và du khách dâng hương tại đền Cậy.

Nghi thức rước thành hoàng làng từ đền Cậy sang chùa Cậy.

Nghi thức rước thành hoàng làng từ đền Cậy sang chùa Cậy.

Trong một trận quyết chiến quân của ông đã phá được vòng vây của hàng nghìn quân Thục, quân Thục đại bại, đất nước trở lại thanh bình, triều đình mở tiệc ăn mừng, phong thưởng cho các tướng sĩ. Ông được vua ban cho được hưởng thực ấp ở đạo Hải Dương, sau đó ông đã bái tạ nhà vua rồi trở về quê chiêu dân, lập ấp, hướng dẫn dân làng làm nghề sành sứ, trông coi phần mộ cha mẹ. Ngày 23 tháng 8, ông qua đời, vua Hùng Duệ Vương vô cùng thương tiếc, cử người về quê làm lễ mai táng và ban sắc phong là Bảo Phúc Đại vương…

Đông đảo nhân dân và du khách tham gia đoàn rước.

Đông đảo nhân dân và du khách tham gia đoàn rước.

Rước thành hoàng làng đến chùa Cậy.

Rước thành hoàng làng đến chùa Cậy.

Lễ hội đền - chùa Cậy sau một thời gian dài vắng bóng, nay được phục hồi và nhanh chóng đi vào ổn định với dáng vẻ gần như xưa, với các lễ tế, lễ rước hoành tráng, trang nghiêm. Trong khuôn khổ lễ hội có tổ chức các giải thi đấu thể thao nhằm nâng cao sức khỏe; diễn xướng dân gian… đáp ứng nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng văn hóa và giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Đông đảo nhân dân và du khách tại chùa Cậy, chiều 20/3.

Đông đảo nhân dân và du khách tại chùa Cậy, chiều 20/3.

Hàng năm, lễ hội đền - chùa Cậy được tổ chức để nhân dân địa phương và du khách thập phương về dâng hương, ngưỡng vọng thành hoàng. Đây là một nét văn hóa, tâm linh, góp phần hình thành bản sắc văn hóa dân tộc trên mảnh đất con người Long Xuyên, huyện Bình Giang, đồng thời nhằm giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Đọc tiếp