Khai phá tiềm năng hợp tác mới giữa Việt Nam - Indonesia và niềm cảm hứng từ VinFast
VIỆT NAM
INDONESIA
Chia sẻ với Mekong ASEAN, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi khẳng định, Việt Nam và Indonesia vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực; đồng thời kỳ vọng hai bên sẽ tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp của nhau cùng hợp tác, cùng phát triển.
Mekong ASEAN: Ngài Đại sứ đánh giá như thế nào về tình hình hợp tác và đầu tư của các doanh nghiệp Indonesia tại Việt Nam trong năm 2024? Theo Ngài, những lĩnh vực nào có tiềm năng lớn mà doanh nghiệp hai nước cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới?
Đại sứ Denny Abdi: Indonesia và Việt Nam đều là hai quốc gia đang phát triển. Vì vậy, nếu xét về quy mô đầu tư mà chúng tôi hiện có ở Việt Nam, có thể nó chưa lớn bằng so với một số nhà đầu tư hàng đầu khác. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang triển khai nhiều dự án tiềm năng và điều này đòi hỏi chúng tôi cần phải nỗ lực hơn nữa.
Cả Indonesia và Việt Nam đều có điểm tương đồng là cần thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Các bạn mong muốn có thêm nhà đầu tư Indonesia đến Việt Nam, trong khi chúng tôi cũng cần sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư quốc tế tại Indonesia. Điều này có nghĩa gì? Nó cho thấy rằng cả hai quốc gia chúng ta đều cần phải thu hút đầu tư, nhưng đồng thời chúng ta cũng có thể hợp tác cùng nhau để đầu tư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đồng chủ trì Đối thoại Doanh nghiệp cấp cao Việt Nam – Indonesia, tại Hà Nội, ngày 13/1. Ảnh: VGP
Với tư cách là Đại sứ Indonesia tại Việt Nam, tôi luôn tìm kiếm những lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác, nhằm tránh những cạnh tranh không cần thiết. Theo quan sát của tôi, có 5 lĩnh vực chính mà chúng ta có thể ưu tiên hợp tác.
Đầu tiên là hợp tác trong ngành công nghiệp thủy hải sản. Đây chính là tiềm năng hợp tác đầu tiên giữa hai nước.
Thứ hai là hợp tác trong nông nghiệp. Indonesia là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, trong khi Việt Nam đứng thứ ba với khoảng 100 triệu dân. Đối với các quốc gia có dân số lớn như chúng ta, một ngành công nghiệp thực phẩm mạnh mẽ là rất cần thiết để cung ứng cho người dân. Vì vậy, nông nghiệp chính là nguồn lực để chúng ta phát triển ngành công nghiệp thực phẩm.
Thứ ba là hợp tác về kinh tế số. Cả Indonesia và Việt Nam đều có nguồn nhân lực trẻ và giàu năng suất. Vì vậy, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số sẽ mở ra nhiều cơ hội mới. Chẳng hạn, Tập đoàn FPT của Việt Nam đã bắt đầu hoạt động tại Indonesia, hợp tác với các trường đại học chuyên về công nghệ và đạt được nhiều thành công.
Thứ tư là hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Để phát triển, chúng ta cần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và điều này đồng nghĩa với việc cần tiếp cận các tập đoàn đa quốc gia. Hiện nay, các tập đoàn toàn cầu thường tuân thủ theo các tiêu chuẩn ESG, bao gồm bảo vệ môi trường, tạo tác động xã hội tích cực, và quản trị hiệu quả. Một trong những lĩnh vực quan trọng là năng lượng tái tạo, đòi hỏi chúng ta không chỉ bảo vệ môi trường mà còn phải hỗ trợ cộng đồng và quản lý doanh nghiệp theo các chuẩn mực cao.
Cuối cùng, lĩnh vực hợp tác quan trọng nhất là công nghệ cao. Chúng ta có thể thấy ví dụ tiêu biểu trong ngành xe điện với sự hợp tác của Tập đoàn VinFast. Cả Việt Nam và Indonesia đều đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được điều này, chúng ta phải tạo ra các sản phẩm chất lượng, có giá trị cao và có thể thâm nhập vào các thị trường toàn cầu. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể nâng cao thu nhập bình quân đầu người và khẳng định vị thế của mình trên thế giới.
Trên đây là những lĩnh vực tiềm năng mà tôi tin rằng hai nước có thể hợp tác cùng phát triển. Dù hiện tại quy mô đầu tư giữa hai quốc gia chưa lớn, nhưng nếu chúng ta tập trung vào 5 lĩnh vực này, tôi tin rằng nền kinh tế của cả Indonesia và Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Mekong ASEAN: Ngài có thể kể tên một số doanh nghiệp hoặc dự án tiêu biểu của Indonesia đang đầu tư tại Việt Nam?
Đại sứ Denny Abdi: Về các doanh nghiệp tiêu biểu của Indonesia đang đầu tư tại Việt Nam, trước hết phải kể đến Tập đoàn bất động sản Ciputra. Kể khi bắt đầu hoạt động tại Hà Nội vào năm 1996, cho đến nay, tập đoàn này đã phát triển các dự án bất động sản với tổng diện tích gần 300 ha. Tôi đánh giá rằng họ đã rất nổi tiếng và thành công tại Hà Nội, đồng thời thu hút mạnh mẽ nhu cầu từ khách hàng.
Khu đô thị Quốc tế Nam Thăng Long – Ciputra Hà Nội. Ảnh: ciputrahanoi
Tiếp theo là công ty Japfa Vietnam, thuộc Tập đoàn Japfa. Hiện Japfa có 9 nhà máy sản xuất tại Việt Nam, với doanh thu hàng năm đạt khoảng 1 tỷ USD. Japfa cũng đang hoạt động trong ngành công nghiệp thực phẩm, một lĩnh vực rất quan trọng đối với cả Indonesia và Việt Nam.
Thứ ba là Nhà máy Xi măng Thăng Long tại Quảng Ninh, được Tập đoàn Semen Indonesia mua cổ phần vào năm 2012. Nhà máy này đang phát triển mạnh mẽ, với các sản phẩm được đánh giá cao trên thị trường và đã xuất khẩu sang Trung Quốc và Philippines. Bên cạnh đó, Tập đoàn Astra International của Indonesia cũng đã đặt nhà máy tại Việt Nam, tham gia sản xuất các bộ phận ô tô.
Đây chỉ là một vài trong số những doanh nghiệp Indonesia đang đầu tư tại Việt Nam. Tôi tin rằng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Indonesia tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.
Mekong ASEAN: Tháng 7/2024, Tập đoàn VinFast của Việt Nam đã khởi công nhà máy lắp ráp xe điện tại Indonesia. Ngài Đại sứ đánh giá như thế nào về tiềm năng của dự án này đối với Indonesia?
Đại sứ Denny Abdi: VinFast đã cam kết đầu tư 1,2 tỷ USD vào Indonesia. Họ không chỉ đặt mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện, mà còn triển khai các dịch vụ như taxi điện Xanh SM tại Việt Nam và xe buýt điện VinFast tại Indonesia.
Vì vậy, nếu VinFast thành công tại thị trường Indonesia, họ sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp và nhà khởi nghiệp tại Indonesia, khuyến khích họ hướng tới những thành tựu mà VinFast đã đạt được – trở thành một công ty sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Trước đây, chúng tôi thường nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia phát triển khác, nhưng giờ đây điều này có thể đến từ những người bạn Việt Nam. Điều này thực sự mang lại cảm hứng cho người dân Indonesia.
Không chỉ vậy, nếu thành công, chúng ta có thể thay thế toàn bộ phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong và chuyển đổi sang xe điện thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, chúng tôi đang xem xét khả năng hợp tác với VinFast. Đề xuất của tôi là, nếu VinFast sản xuất ô tô, các công ty Indonesia có thể sản xuất pin. Tất nhiên, để thực hiện điều này, chúng ta cần phải chuẩn bị kỹ càng, vì đây là công nghệ hiện đại, đòi hỏi nhiều nghiên cứu và sự nỗ lực.
Điều này cũng đòi hỏi nguồn nhân lực trẻ và sự hợp tác chặt chẽ để tiến hành nghiên cứu. Tin vui là Indonesia sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất pin điện. Do đó, tôi hy vọng rằng nếu Indonesia có thể sản xuất pin xe điện chất lượng cao và cạnh tranh, chúng tôi có thể hợp tác với VinFast để tạo ra những chiếc xe điện có lợi thế tại Indonesia và thậm chí xuất khẩu sang các quốc gia lân cận. Đây sẽ là sản phẩm tiêu biểu của khu vực ASEAN.
Mekong ASEAN: Ngày 17/8/2024, Indonesia đã tổ chức Lễ kỷ niệm 79 năm độc lập bằng buổi lễ tại Thủ đô mới Nusantara. Xin Ngài Đại sứ chia sẻ khái quát về dự án Thủ đô mới này và đánh giá những cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam nếu đầu tư tại đây?
Đại sứ Denny Abdi: Nhìn vào tổng thể, Indonesia được biết đến là xứ sở vạn đảo với hơn 18.000 hòn đảo trải rộng khắp đất nước; trong đó, Nusantara nằm ở trung tâm Indonesia.
Hiện nay, trung tâm kinh tế và phát triển của Indonesia tập trung chủ yếu trên đảo Java. Tuy nhiên, đảo Java đang trở nên quá đông đúc, với khoảng 60% lưu thông tiền tệ của cả nước diễn ra tại đây. Điều này không thực sự lành mạnh, giống như cơ thể con người, máu cần phải được bơm tới toàn bộ cơ thể thì cơ thể mới khỏe mạnh. Chính phủ Indonesia mong muốn khắc phục tình trạng này bằng cách thiết lập thủ đô mới Nusantara.
Chúng tôi hy vọng rằng, với vị thế trung tâm, Nusantara sẽ thúc đẩy sự phát triển lan tỏa đến các hòn đảo lân cận, giúp chúng phát triển mạnh mẽ tương tự như đảo Java. Tuy nhiên, việc dời thủ đô không phải là điều dễ dàng và sẽ cần thời gian.
Chính phủ Indonesia đã đưa ra quyết định dời thủ đô và cam kết mạnh mẽ xây dựng Nusantara. Tuy vậy, quá trình này phải tiến hành từng bước một. Chúng tôi cần xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết trước khi chính thức xác lập Nusantara làm thủ đô mới. Mặc dù vậy, Jakarta - Thủ đô hiện tại của Indonesia, vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của cả nước.
Ngoài ra, tôi luôn nhấn mạnh rằng, với những dự án đầu tư lớn, rủi ro cũng không nhỏ. Tuy nhiên, may mắn là cả Indonesia và Việt Nam đều là thành viên của ASEAN, nơi các lãnh đạo thường xuyên gặp gỡ hai lần mỗi năm. Nhờ đó, mọi dự án lớn hoặc vấn đề chiến lược đều có thể được thảo luận và giải quyết khi các nhà lãnh đạo gặp nhau.
Thông thường, các doanh nhân cũng tham gia vào các đoàn tháp tùng lãnh đạo, vì vậy chúng ta luôn có thể thảo luận về các vấn đề quan trọng, đưa ra đề xuất với các nhà lãnh đạo để cùng tìm giải pháp.
Mekong ASEAN: Xin Đại sứ hãy chia sẻ về các hoạt động của Đại sứ quán Indonesia trong việc hỗ trợ kết nối, thúc đẩy doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong năm nay?
Đại sứ Denny Abdi: Một trong những nỗ lực mạnh mẽ mà Đại sứ quán Indonesia đang thúc đẩy hiện nay là việc kết nối chuyến bay thẳng từ Jakarta đến Hà Nội thông qua hãng hàng không VietjetAir. Tuyến bay này đã thực sự mang mọi người lại gần nhau hơn. Tôi nhận thấy có rất nhiều du khách Indonesia đã đến Hà Nội bằng chuyến bay thẳng này và ngược lại.
Ngoài ra, còn có các chuyến bay thẳng từ Hà Nội và TP HCM đến Bali. Trong tương lai, chúng tôi đang tìm cách mở rộng thêm các tuyến bay khác, có thể từ Đà Nẵng đến Jakarta hoặc các thành phố khác của Indonesia.
Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi cùng lãnh đạo sân bay, Vietjet Air khai trương hai đường bay quốc tế mới Hà Nội - Jakarta, ngày 10/12/2023. Ảnh: Vietjet Air
Về kết nối mối quan hệ giữa các doanh nghiệp hai nước, chúng tôi cũng đang tạo điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nhân Indonesia đến Việt Nam tham dự các hội chợ triển lãm thương mại. Hằng năm, cả hai nước đều tổ chức nhiều hội chợ triển lãm. Vào tháng 10 sắp tới, sẽ có một triển lãm thương mại lớn ở Indonesia, với sự tham gia của khoảng 39 doanh nhân từ Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 3 năm nay, chúng tôi đã tổ chức Hội nghị Gặp gỡ Khánh Hòa - Indonesia tại TP Nha Trang. Sự kiện này diễn ra với sự hợp tác của Bộ Ngoại giao Việt Nam và chính quyền tỉnh Khánh Hòa. Chúng tôi cũng đã mời 16 tỉnh khác tham gia, với khoảng 100 đại biểu từ Indonesia và nhiều đại biểu từ Việt Nam. Các bên đã cùng nhau thảo luận về cơ hội kinh doanh giữa hai nước, cũng như trao đổi về việc thiết lập mạng lưới các trường đại học để nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp. Tôi thấy rằng sự kiện này đã rất thành công trong việc kết nối doanh nghiệp hai nước.
Vào tháng 1 năm nay, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, chúng tôi cũng đã tổ chức Đối thoại Doanh nghiệp Cấp cao Việt Nam – Indonesia. Sự kiện này do Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joko Widodo đồng chủ trì, với sự tham gia của 12 CEO từ cả hai nước.
Đối thoại đã thành công trong việc thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo về mục tiêu phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh, chất lượng cao và có giá trị lớn hơn, nhằm giúp cả hai nước đạt được tầm nhìn trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã sắp xếp chuyến tham quan của Tổng thống Widodo tới nhà máy VinFast tại Hải Phòng.
Vào tháng 10 này, chúng tôi đang mong chờ một sự kiện rất quan trọng, đó là lễ nhậm chức của tân Tổng thống Prabowo Subianto. Ông đã có chuyến thăm Hà Nội gần đây và sẽ chính thức bắt đầu nhiệm kỳ của mình vào ngày 20/10. Đây chắc chắn là một sự kiện đáng chú ý.
Hiện tại, chúng tôi đang thúc đẩy dự án trang trại sản xuất sữa tươi của Tập đoàn TH tại Indonesia. Dự án này liên quan đến sáng kiến của tân Tổng thống, với mục tiêu cung cấp sữa tươi chất lượng cao và miễn phí cho học sinh trên khắp cả nước.