Khu vực tâm chấn Antakya của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chìm trong tuyệt vọng

Động đất Thổ Nhĩ Kỳ
19:58 - 23/02/2023
Là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận động đất thế kỷ tại Thổ Nhĩ Kỳ, thành phố Antakya từ một trung tâm thương mại quan trọng của quốc gia trở thành một thành phố ma với quang cảnh hoang tàn đau thương.

Là thủ phủ của tỉnh Hatay, thành phố Antakya là một trong những trung tâm thương mại hàng đầu của đất nước này. Ở thời cổ đại, Antakya còn được gọi là Antioch và là một trong 3 thành phố lớn nhất của đế chế La Mã. Được thành lập vào năm 300 TCN, Antakya đã trải qua nhiều thảm họa xuyên suốt chiều dài lịch sử và đã từng nhiều lần được tái xây dựng trong các thế kỷ qua.

Tuy nhiên vào sáng sớm ngày 6/2 khi Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu một trận động đất mạnh 7,8 độ Richter, sức tàn phá của nó là chưa từng thấy trong 100 năm lịch sử hiện đại của quốc gia này. Thảm họa xảy đến bất ngờ trong khi viện trợ tới chậm chạp đã khiến tình hình nhanh chóng trở nên tồi tệ.

Hình ảnh vệ tinh của thành phố Antakya từ trên cao. Ảnh: Xinhua
Hình ảnh vệ tinh của thành phố Antakya từ trên cao. Ảnh: Xinhua

Hiện tại dù đã hơn 2 tuần trôi qua, khung cảnh Antakya vẫn hoang tàn với các đống đổ nát khắp mọi nơi, tiếng máy xúc đào bới và những ngôi mộ tập thể với bia được dựng sơ sài. Không có điện, nước hay thiết bị vệ sinh, những người sống sót sau trận động đất đứng trước nguy cơ cao nhiễm các dịch bệnh truyền nhiễm như ghẻ và dịch tả.

Trong vài giờ đầu tiên sau trận động đất, những người duy nhất sẵn sàng đào bới các đống đổ nát là những người sống sót, những người vẫn đang bị shock, bị thương tích và chưa từng làm bất cứ điều gì như thế này trước đây.

Theo Euronews trích dẫn ông Mehmet Elmaci, một cư dân Antakya, dù là người sống sót nhưng ông cũng không nhớ nổi mình đã thoát khỏi đống đổ nát như thế nào. Những gì ông nhớ là việc bản thân mình cùng đội cứu hộ đã đưa được thi thể không đầu của chị gái ra khỏi đống đổ nát trong khi anh rể và cháu gái của ông vẫn đang kẹt bên trong.

Ông Kasim Gündüz mất cả gia đình của mình trong trận động đất tại Antakya. Ảnh: Euronews

Ông Kasim Gündüz mất cả gia đình của mình trong trận động đất tại Antakya. Ảnh: Euronews

Gia đình ông Mehmet không phải là thiểu số trong thảm họa động đất này. Ông Kasim Gündüz – một cư dân địa phương – cũng buộc phải chứng kiến gia đình mình tan nát vì trận động đất. "Vợ tôi tên là Shefika, tôi gọi cô ấy là gulum ( bông hồng) của tôi. Tôi đã hét Shefika! Shefika! nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Chúng tôi đã kết hôn được 52 năm”, ông nói.

Ông cho biết thi thể con trai ông đã được đưa ra khỏi đống đổ nát trong một chiếc túi và có khả năng cao điều ông đang chờ đợi sẽ là thi thể của vợ mình. Toàn bộ thế giới của ông đã đã biến mất.

Kể cả những tình nguyện viên giúp đỡ công tác cứu hộ sau trận động đất cũng gặp phải nhiều trải nghiệm đau thương. Là một trong những người xuất hiện đầu tiên ở Antakya sau khi tin tức nổ ra, ông Erderm, một thợ xây từ Istanbul, cho biết ông đã cứu được một số người và thực sự muốn làm nhiều hơn vậy. Tuy nhiên, ông không thể làm bất cứ điều gì đáng kể với sức lực của mình bản thân ông.

Hình ảnh những ngôi mộ tập thể cho các nạn nhân tử vong trong trận động đất tại thành phố Antakya, Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Euronews

Hình ảnh những ngôi mộ tập thể cho các nạn nhân tử vong trong trận động đất tại thành phố Antakya, Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Euronews

Kể từ khi thảm họa động đất xảy ra, chính phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã vấp phải nhiều sự chỉ trích do các phản ứng chậm chạp của mình. Tuy nhiên, ông cho biết không có bất cứ điều gì có thể giúp chính phủ chuẩn bị kỹ càng cho một thảm kịch ở quy mô này. Trước mắt, chính phủ cam kết sẽ xử lý nghiêm minh các công ty bất động sản sai phạm trong việc xây dựng công trình và đồng thời cam kết sẽ tái xây dựng hàng loạt các công trình tuân theo quy định an toàn.

Không phải người dân nào cũng chấp nhận lời giải thích này. Euronews trích dẫn một cư dân Antakya mang tên Ibrahim Halil cho biết 2 ngày đầu tiên của công tác cứu hộ diễn ra vô cùng chậm chạp với ít máy móc hạng nặng được đưa tới. Khi máy móc tới được nơi, các nhân viên lại không bắt tay vào làm việc luôn do phải đợi lệnh từ “cấp trên”. Thậm chí vài ngày sau đó, tình hình vẫn quá tải và hỗn loạn bất chấp sự giúp đỡ của quốc tế.

Dù vậy, cũng có những người bày tỏ sự thông cảm, ví dụ như một người dân địa phương mang tên Cemal Gungor. Ông cho biết tình trạng hàng viện trợ đến muộn không phải là do sơ suất mà do những thiết bị như “máy đào, xe tải, máy móc từ các tỉnh khác đến nên phải mất một thời gian mới đưa được Antakya”. Hiện tại, ông cho biết các nhân viên cứu hộ cùng mọi người đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn rất nhiều việc phải làm, ví dụ như dọn dẹp đống đổ nát của các tòa nhà kể cả khi công tác tìm kiếm cứu hộ đã kết thúc. Ảnh: Reuters

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn rất nhiều việc phải làm, ví dụ như dọn dẹp đống đổ nát của các tòa nhà kể cả khi công tác tìm kiếm cứu hộ đã kết thúc. Ảnh: Reuters

Tính tới 23/2, trận động đất 7,8 độ Richter ngày 6/2 đã khiến hơn 47.000 người tử vong tại cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Do đã hơn 2 tuần trôi qua, công tác tìm kiếm người sống sót đã kết thúc tại 11 thành phố bị ảnh hưởng trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ và các phản ứng với thảm họa được chuyển đổi trọng tâm sang dọn dẹp đống đổ nát và tìm kiếm thi thể nạn nhân.

Nếu tính toán phạm vi ảnh hưởng của thảm họa, khối lượng công việc chờ đợi phía trước tại các khu vực bị ảnh hưởng vẫn còn rất nhiều. Reuters trích dẫn bà Louisa Vinton, đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết do có rất nhiều tòa nhà bị phá hủy, chính phủ sẽ cần dọn dẹp khoảng 210 triệu tấn gạch và bê tông vụn. Số rác thải xây dựng này sẽ cần một diện tích khoảng 7 triệu mét vuông để xử lý.

Rất nhiều công trình tại Antakya bị sập trong khi những công trình vẫn đứng vững lại không đủ an toàn để người dân tiếp tục sinh sống bên trong. Ảnh: Reuters

Rất nhiều công trình tại Antakya bị sập trong khi những công trình vẫn đứng vững lại không đủ an toàn để người dân tiếp tục sinh sống bên trong. Ảnh: Reuters

Quang cảnh Antakya về ban đêm thê lương và vắng lặng. Ảnh: Reuters
Quang cảnh Antakya về ban đêm thê lương và vắng lặng. Ảnh: Reuters
Không điện, không nước và không có thiết bị vệ sinh, những người sống sót tại Antakya đứng trước nguy cơ mắc các dịch bệnh truyền nhiễm như dịch tả hay bị ghẻ. Ảnh: Reuters
Không điện, không nước và không có thiết bị vệ sinh, những người sống sót tại Antakya đứng trước nguy cơ mắc các dịch bệnh truyền nhiễm như dịch tả hay bị ghẻ. Ảnh: Reuters

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.