Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) mới đây đưa ra nhận định, tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN+3 năm 2021 có thể đạt mức 6,1%. Con số dự báo cho năm 2022 là 5,0%.
“Với đã số các nền kinh tế khu vực đi đúng hướng trong việc hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine vào đầu năm 2022, chúng tôi kỳ vọng khu vực ASEAN+3 sẽ tăng trưởng 5% vào năm tới”, nhà kinh tế trưởng AMRO Hoe Ee Khor nhận định.
Trong đó, 3 quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc được dự báo tăng trưởng 6,9% năm 2021. Tăng trưởng của riêng khu vực ASEAN theo AMRO sẽ chỉ ở mức 2,7% trong năm 2021, trong đó cao nhất là Singapore (6,3%), Philippines (4,3%) và Malaysia (4,1%). Việt Nam được cho rằng sẽ tăng trưởng ở mức 2,6% trong năm 2021.
Sang năm 2022, kinh tế ASEAN+3 được dự báo phục hồi mạnh mẽ và sẽ tăng trưởng ở mức 5%. Khu vực Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng trưởng 4,8%, con số cho khu vực ASEAN là 5,8%. Trong đó, Việt Nam được dự báo tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, ở mức 7,5% năm 2022.
AMRO nhận định toàn khu vực đang thích ứng với nền kinh tế đầy biến động. Đại dịch đã thay đổi cách giao dịch giữa doanh nghiệp và khách hàng, thúc đẩy số hóa, dẫn tới sự nổi lên của một số mô hình kinh doanh và kiểu công ty mới.
Nhu cầu cao trên toàn cầu với các sản phẩm điện tử, ô tô cùng nhiều loại hàng hóa khác thúc đẩy xuất khẩu và phục hồi kinh tế của ASEAN+3. Tỷ lệ tiêm vaccine tăng cho phép ngành du lịch trong khu vực tái khởi động, với một số quốc gia áp dụng các biện pháp như bong bóng du lịch, hành lang du lịch...với du khách đã tiêm vaccine.
Kinh tế ASEAN+3 được dự báo phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 5% trong năm 2022. Khu vực Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng trưởng 4,8%, con số cho khu vực ASEAN là 5,8%. Trong đó, Việt Nam được dự báo tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, ở mức 7,5% năm 2022.
AMRO nhận định, tốc độ tiêm vaccine sẽ đóng vai trò quyết định trong tiến trình phục hồi kinh tế của các quốc gia ASEAN+3. Sau gần 2 năm chống chọi với dịch COVID-19, mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng và tiêm vaccine trên diện rộng đã dần trở thành hiện thực trong khu vực.
ASEAN+3 đang dần chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn hậu đại dịch. Kết hợp hiệu quả giữa điều trị bệnh COVID-19, tiêm vaccine cũng như linh hoạt trong các chính sách hỗ trợ sẽ cho phép khu vực chuyển sang giai đoạn bình thường mới.
Về giải pháp phục hồi kinh tế ASEAN+3 trong giai đoạn tới, các chuyên gia đưa ra một số đề xuất như đẩy mạnh tiêm chủng, phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe vững mạnh, chuyển đổi lực lượng lao động và các ngành công nghiệp nhằm ứng phó với các thách thức đặt ra bởi đại dịch cũng như linh hoạt trong chính sách để nhanh chóng nắm bắt các cơ hội trong giai đoạn bình thường mới.