Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Nguồn: VGP. |
Phát triển Lào Cai thành trung tâm dịch vụ về tài chính, du lịch, thương mại
Mục tiêu chung của Kế hoạch là xây dựng Lào Cai trở thành cửa ngõ quan trọng, đầu mối kết nối giao thông và kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc với kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại;
Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai là đầu mối trung tâm trung chuyển hàng hóa, trung tâm logistics lớn trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS); phát triển Lào Cai trở thành trung tâm dịch vụ về tài chính, du lịch, thương mại, tổ chức sự kiện mang tầm quốc tế;
Triển khai xây dựng, vận hành cửa khẩu thông minh, xây dựng thí điểm khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại cửa khẩu Lào Cai, góp phần đưa tỉnh Lào Cai đến năm 2030 trở thành cực tăng trưởng, tỉnh phát triển khá của cả nước.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng của trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.
Trong đó, ưu tiên hoàn thành xây dựng các tuyến đường cao tốc: Hoàn thiện đầu tư đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai theo quy hoạch; đầu tư tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với Hà Giang; huy động nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện để sớm triển khai cao tốc Bảo Hà (Lào Cai) - Lai Châu (CT.13).
Hoàn thành và đưa vào khai thác cảng hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C, công suất 3 triệu hành khách/năm; nghiên cứu xây dựng một số cầu qua biên giới kết nối với Trung Quốc; xây dựng các cầu vượt sông Hồng tại TP Lào Cai và các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên.
Nghiên cứu xây dựng công trình cắt qua đường biên giới tại Khu cửa khẩu Kim Thành và cửa khẩu quốc tế Bản Vược để vận chuyển hàng hóa (container) sang Trung Quốc bằng đường ray đơn.
Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu thành hạt nhân cho Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc
Nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình mới về khu hợp tác kinh tế qua biên giới, Đề án xây dựng cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai.
Xây dựng trung tâm logistics theo quy hoạch; bảo đảm đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông, đáp ứng yêu cầu liên vận quốc tế và hội nhập.
Hình thành, phát triển các tổ chức, dịch vụ hỗ trợ kết nối giao thương kinh tế làm tiền đề cho việc xây dựng trung tâm kết nối giao thương kinh tế. Nghiên cứu triển khai xây dựng một số loại hình tổ chức tài chính khu vực và quốc tế tại Lào Cai.
Xây dựng một số khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với các dịch vụ đặc thù tại thị xã Sa Pa, TP Lào Cai và các huyện Bắc Hà, Bát Xát;
Tiếp tục phát triển Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Lào Cai hoạt động theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và được tích hợp, chia sẻ, kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Tầm nhìn đến năm 2050, Lào Cai là tỉnh phát triển của cả nước, cực tăng trưởng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; trung tâm kết nối giao thương kinh tế quan trọng giữa Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc, có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại; đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:
Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền, các cực tăng trưởng trong và ngoài tỉnh. Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và bền vững, kết nối các vùng, miền, các cực tăng trưởng trên toàn quốc trong từng giai đoạn. Tích cực huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư cho các công trình trọng điểm, cấp bách có sức lan tỏa và tạo đột phá phát triển cho vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành động lực phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành khu kinh tế đa ngành, điểm đột phá, cực phát triển, trung tâm thương mại, logistics, tài chính, du lịch và sản xuất công nghiệp của Lào Cai và các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, trở thành một trong những trung tâm giao thương của khu vực ASEAN và vùng Tây Nam Trung Quốc, với trọng tâm là xây dựng và triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình mới về Khu hợp tác kinh tế qua biên giới trong Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.
Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu theo hướng kết hợp mọi cơ hội phát triển, thu hút đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, trung tâm logistics, kho hàng theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ hoạt động sản xuất gia công, chế biến, chế tạo và xuất nhập khẩu; phát triển các loại hình dịch vụ bao gồm: dịch vụ logistics, giám định hàng hóa, bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông, hỗ trợ thâm nhập thị trường…
Xây dựng tỉnh Lào Cai thành trung tâm dịch vụ tài chính, du lịch và thương mại, tổ chức sự kiện của khu vực và quốc tế. Phát triển hệ thống tài chính, ngân hàng theo hướng đa dạng hoá các loại hình dịch vụ: Kiểm toán, bảo hiểm, cho thuê tài chính, tư vấn tài chính, huy động vốn qua thị trường chứng khoán, giao dịch bất động sản quy mô vùng; từng bước xây dựng một số loại hình tổ chức tài chính khu vực và quốc tế tại Lào Cai, tạo đột phá cho sự phát triển và hoàn thiện thị trường tài chính, tín dụng; hiện đại hoá cơ sở vật chất nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ.
Xây dựng TP Lào Cai trở thành một trong những trung tâm thương mại của vùng trung du miền núi Bắc Bộ với chức năng là đầu mối xuất, nhập khẩu, tập kết, trung chuyển, phân phối, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ; là trung tâm xúc tiến, giao dịch thương mại.
Phát triển các hình thức tổ chức kinh doanh theo dạng chuỗi, thương mại điện tử; nâng cấp, cải tạo các loại hình thương mại, dịch vụ truyền thống như chợ du lịch, chợ đêm...; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thương mại thành lập doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh, đổi mới công nghệ kỹ thuật, mở rộng thị trường, chuyển đổi cơ sở kinh doanh hộ gia đình thành doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa.
Phát triển du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong mối quan hệ với vùng cũng như quốc gia và quốc tế; phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn; là một trong những trung tâm lưu trú và phân phối khách du lịch của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, hành lang du lịch Đông - Tây phía Bắc kết nối Trung Quốc (Vân Nam) với các điểm đến du lịch dọc hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội – Hải Phòng qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Kế hoạch cũng đặt ra các giải pháp chủ yếu như huy động các nguồn lực đầu tư; nâng cao chất lượng và thu hút nguồn nhân lực; nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ; phát triển hợp tác trong và ngoài nước; cải cách hành chính và hoàn thiện môi trường kinh doanh; giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng,...
Phối cảnh Cảng hàng không Sa Pa. Nguồn: VGP. |
Trong một diễn biến liên quan, ngày 21/12 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1621 điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo phương thức đối tác công tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1773 ngày 21/10/2021.
Theo đó, về dự kiến thời gian thực hiện dự án, theo chủ trương đầu tư ban đầu tại Quyết định số 1773, dự kiến thời gian thực hiện dự án là 50 năm (thời gian xây dựng dự kiến: 4 năm; thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn: 46 năm).
Tại Quyết định số 1621 mới ban hành, dự kiến thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh như sau: Dự án thành phần 1 (giải phóng mặt bằng và tái định cư) là 5 năm.
Dự án thành phần 2 (xây dựng cảng hàng không): Thời hạn hợp đồng 47 năm (thời gian lập thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức lựa chọn các nhà thầu: một năm; thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn: 43 năm 11 tháng; thời gian xây dựng giai đoạn 1 dự kiến là 2 năm một tháng); thời gian xây dựng giai đoạn 2 năm trong thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn của dự án (trong quá trình thi công giai đoạn 2, dự án vẫn tổ chức vận hành khai thác nên không ảnh hưởng tới phương án tài chính của dự án).
Dự kiến tiến độ thực hiện dự án: giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2021; giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2028.
Về dự kiến nhu cầu sử dụng đất, vẫn giữ nguyên dự kiến nhu cầu sử dụng đất là 371 ha. Tuy nhiên Quyết định số 1621 mới ban hành sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng toàn bộ 371 ha ngay trong giai đoạn 1, hoàn thành trong năm 2025; phạm vi xây dựng giai đoạn 1 là 295,2 ha; phạm vi xây dựng giai đoạn 2 là 75,8 ha.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án vẫn giữ nguyên là 6.948,8 tỷ đồng, tuy nhiên có điều chỉnh mức đầu tư ở từng giai đoạn.
Cụ thể, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.295,3 tỷ đồng (tăng hơn 111 tỷ đồng so với chủ trương ban đầu), trong đó Dự án thành phần 1 - Giải phóng mặt bằng và tái định cư: 555 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 - Xây dựng cảng hàng không: 3.740,3 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 là 2.653,6 tỷ đồng (giảm hơn 111 tỷ đồng so với chủ trương ban đầu).
Cơ cấu nguồn vốn cũng có sự điều chỉnh. Theo Quyết định số 1621 mới ban hành, ở giai đoạn 1,·vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng) là 2.192,9 tỷ đồng; vốn Nhà nước tham gia trong dự án là 2.102,4 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn giai đoạn 2: vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng) là 1.339,8 tỷ đồng; vốn Nhà nước tham gia trong dự án do địa phương tự cân đối trong giai đoạn 2026 - 2030: 1.313,7 tỷ đồng.